Sữa Việt Nam

Từ làm thuê trở thành "vua bò sữa"

“Vua bò sữa” là cái tên không chỉ nông dân huyện Đơn Dương mà cả nông dân ở những địa phương lân cận dành cho anh Nguyễn Hữu Tuấn tại thôn Giãn Dân, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương. Gọi anh là “vua bò sữa” quả không sai vì tính đến thời điểm này, mô hình chăn nuôi bò sữa của anh là mô hình chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình lớn nhất tỉnh Lâm Đồng.

 Từ Hà Tĩnh vào Lâm Đồng chỉ với hai bàn tay trắng, nông dân Nguyễn Hữu Tuấn khởi nghiệp tại vùng đất đỏ bazan trù phú này bằng nghề cày thuê, cuốc mướn. Khi có đủ số vốn trong tay, cũng như bao nông dân khác, anh chọn cây rau màu làm người bạn đồng hành trên con đường phát triển kinh tế. Cuối năm 2014, khi câu chuyện thiếu đầu ra cho ngành sữa khiến nhiều nông hộ chăn nuôi bò sữa mất ăn mất ngủ thì anh Tuấn lại táo bạo dùng hết số vốn hiện có, vay thêm ngân hàng và bạn bè để đầu tư một trang trại bò sữa áp dụng khoa học kỹ thuật với số tiền gần 10 tỷ đồng.

 

Trang trại bò sữa mang tên Tuấn Gấm của gia đình anh có tổng diện tích 6ha, trong đó khu vực chuồng trại chiếm gần 2.000m2, diện tích còn lại anh dùng để trồng cỏ và bắp để làm nguồn cung cấp thức ăn cho bò. Trên diện tích trồng cỏ, anh đầu tư hệ thống tưới phun tự động. Cỏ được cắt và băm nhuyễn tại chỗ, một phần được đưa vào khu vực ủ chua, đây vừa là nguồn thức ăn dự trữ, vừa cung cấp men tiêu hoá giúp bò hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Khẩu phần ăn của bò là hỗn hợp phối trộn giữa 50% là cỏ tươi, phần còn lại là cỏ ủ chua, bắp và cám. Trang trại Tuấn Gấm hiện đang nuôi trên 200 con bò sữa, trong có có 85 con đang cho sữa với sản lượng từ 1.300 đến 1.500 kg sữa/ngày, mang lại cho gia đình anh thu nhập gần 500 triệu đồng/tháng.


Điểm khác biệt lớn nhất ở trang trại bò sữa của anh Nguyễn Hữu Tuấn so với nhiều mô hình chăn nuôi quy mô hộ gia đình chính là sự đầu tư về khoa học kỹ thuật từ khâu cung cấp thức ăn, chăm sóc đến khâu vắt sữa. Trang trại bò sữa này đã tạo công ăn việc làm cho gần 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài những công nhân lao động phổ thông, anh Nguyễn Hữu Tuấn còn thuê chuyên viên thú y để chăm sóc cho đàn bò. Riêng bản thân anh cũng đã xuống tận Bình Dương học tập một khóa thú y để có kiến thức chăm sóc bò sữa. Hiện nay, trong các khâu chăm sóc, phối giống, phòng bệnh, tiêm thuốc cho bò khi bị bệnh, công nhân của anh đã tự làm được hết.  

 

Có thể nói ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt đã được nhiều nông hộ áp dụng rộng rãi, thế nhưng số lượng nông hộ đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn hạn chế. Việc tập trung ứng dụng các giải pháp khoa học đồng bộ trong chăn nuôi không chỉ làm giảm ô nhiễm môi trường, ngăn chặn được sự lây lan dịch bệnh mà còn góp phần tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Bảo Dung

Nguồn: lamdongtv.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác