Sữa Việt Nam

Quỳnh Lưu: Nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm sữa bò

Nuôi bò sữa đang là hướng phát triển kinh tế mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho người chăn nuôi ở huyện Quỳnh Lưu. Thế nhưng bà con không chọn cách phát triển tổng đàn mà tăng cường ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào chăn nuôi, nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị sữa của đàn bò. Với cách chăn nuôi khoa học nên sữa bò ở Quỳnh Lưu hiện xuất bán đang đạt giá cao đỉnh điểm nhất so với hàng chục năm qua.

 Gia đình ông Nguyễn Văn Trầm xóm 10, xã Quỳnh Thắng có 15 con bò sữa, trong đó 12 con đang cho khai thác sữa. Để đàn bò khỏe mạnh, cho năng suất và chất lượng sữa cao thì ông đặc biệt chú trọng việc tuân thủ quy trình sản xuất sạch từ các khâu lựa chọn nguồn thức ăn, cách thức chăm sóc, vệ sinh chuồng trại... đến đảm bảo sạch, an toàn khi vắt sữa, nhập sữa. Theo đó, mỗi ngày ông cho một con bò sữa ăn đạt định lượng từ 50 - 60 kg cỏ voi và thân cây dứa. Bên cạnh đó bổ sung thêm bã bia, cám ngô, các loại chất khoáng và cám công nghiệp. Qua đó nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn thô xanh và thức ăn tinh cho vật nuôi, giúp đàn bò tăng cường sức đề kháng, hạn chế được dịch bệnh. 

 

Theo ông Trầm, bò sữa là giống khá nhạy cảm, thích uống nước sạch và mát nên khi được cung cấp nguồn nước sạch, bò sẽ uống nhiều hơn, ăn nhiều, khỏe mạnh, tạo ra lượng sữa lớn hơn. Nhờ đó mỗi ngày 12 con bò cho ông thu hoạch từ 240 – 250 lít sữa, với giá bán 15,5 nghìn đồng/ lít, cho ông thu về từ 3,7 – 3,8 triệu đồng/ ngày. Từ cách chăm sóc khoa học nên đàn bò của gia đình ông cho sữa quanh năm và đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu của Công ty sữa Vinamilk đề ra. Với giá nhập sữa luôn duy trì ổn định nên sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, mỗi năm cho ông Trầm thu lãi từ 500 – 700 triệu đồng.

 

Qua nắm bắt từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Quỳnh Thắng thì những năm trước đây, người dân nuôi bò sữa theo hình thức thủ công truyền thống, chưa nắm vững kỹ thuật. Hơn nữa lúc vắt sữa cũng chỉ sử dụng bằng tay, chưa chú trọng việc bảo quản, chất lượng sữa không cao nên giá thời điểm đạt nhất cũng chỉ 11 nghìn đồng/ lít, có lúc xuống chạm đáy còn 7 nghìn đồng/ lít. Người nuôi thua lỗ nên một số hộ phải giảm tổng đàn. Với quyết tâm nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm sữa bò nên trong giai đoạn 2017 – 2018 bà con ở Quỳnh Thắng tích cực tìm tòi, học hỏi kiến thức chăn nuôi qua nhiều kênh khác nhau để tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời đã ứng dụng công nghệ trong khâu chọn giống, phối giống, chẩn đoán sớm bệnh viêm vú ở bò sữa. Đầu tư kinh phí mua các loại máy móc như: máy vắt sữa, cắt cỏ, lắp đặt hệ thống uống nước tự động, hệ thống quạt mát, béc phun sương làm mát chuồng trại vào mùa hè. 

 

Đặc biệt người dân tạo nguồn thức ăn từ cỏ, ngô, rơm, rạ, thân cây dứa đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, giúp sản phẩm sữa đảm bảo an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Ngoài ra, bà con luôn chú trọng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tắm mát cho đàn bò hàng ngày. Từ cách chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ và tuân thủ các nguyên tắc đúng giờ ăn, giờ nghỉ, giờ vắt sữa hàng ngày nên đàn bò của các hộ dân đều cho sữa nhiều.

 

Ông Hoàng Đức Phùng ở xóm 3, xã Quỳnh Thắng chia sẻ: Trong tổng đàn 20 con bò sữa của gia đình thì có 10 con đang cho lấy sữa. Bình quân mỗi ngày ông vắt từ 160 – 170 lít sữa, có thời điểm thu hoạch cao nhất đạt 250 lít/ ngày. Với giá bán từ 15,3 – 16 nghìn đồng/ lít nên cho ông nguồn thu nhập tương đối khá. Ông Phùng cũng khẳng định hiện bò sữa có giá trị, lợi nhuận kinh tế cao nhất so với các loài vật nuôi hiện có trên địa bàn xã.

 

Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có gần 280 con bò sữa HF (giống bò sữa cao sản có nguồn gốc từ Hà Lan), tập trung chủ yếu ở 21 hộ nuôi thuộc xã Quỳnh Thắng và 1 hộ ở xã Quỳnh Châu, 1 hộ thuộc xã Quỳnh Tam. Tuy số lượng tổng đàn không lớn nhưng sản lượng và chất lượng sữa lại tăng cao lên rất nhiều.

 

Ông Bùi Văn Vinh – Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa Đồng Tiến, xã Quỳnh Thắng cho biết: "Cứ đều đặn mỗi ngày HTX thu mua 2.000 lít sữa. Vào mùa đông bò sinh sản nên thường tiết nhiều sữa, số lượng sữa thu mua tăng lên từ 2.200 – 2.300 lít. Mỗi hộ đến nhập sữa đều được HTX lấy mẫu riêng gửi Công ty sữa Vinamilk để kiểm tra, phân tích, đánh giá chặt chẽ, nghiêm ngặt các chỉ số có trong sữa gồm tế bào soma, độ khô, độ béo và xét nghiệm vi sinh. Nếu đạt mức độ tiêu chuẩn nào trong hợp đồng đã ký với HTX và các hộ dân thì phía Công ty Vinamilk sẽ quyết định mức giá riêng cho từng gia đình. Nhìn chung năm nay bà con bán sữa bò đều cơ bản đạt mức giá từ 15,3 – 16 nghìn đồng/ lít, đây là mức giá cao nhất trong hàng chục năm qua". 

 

Thời gian qua để chủ động nguồn thức ăn tại chỗ, mỗi gia đình đều tổ chức trồng từ 1 – 2 ha ngô, cỏ voi giống VA06. Đồng thời cứ mỗi đợt một hộ thu mua 3 – 4 sào thân cây dứa để dành nguồn thức ăn cho vật nuôi trong vòng 1 tháng. Từ kỹ thuật chăn nuôi được nâng lên, thức ăn xanh và tinh được đảm bảo, đầu ra cho sản phẩm sữa ổn định, đã giúp người nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu yên tâm hơn và mạnh dạn đầu tư các thiết bị công nghệ hiện đại, tạo sự phát triển bền vững cho mô hình nuôi bò sữa tại địa phương.

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác