Sữa Việt Nam

Tỷ phú Thái chi hơn 11 nghìn tỷ gom cổ phiếu công ty sữa lớn nhất Việt Nam

Giá đấu thành công bình quân là 144.000 đồng/cổ phiếu, tức bằng mức giá khởi điểm. Theo đó, nhà đầu tư đã chi khoảng 11.286 tỷ đồng, tương đương gần 500 triệu USD để nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu này.

 F&N mua thêm 5,4% vốn Vinamilk một cách nhanh gọn với gần 11.300 tỷ đồng

 

Chiều 12/12, tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã diễn ra cuộc chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). 
 
Mức giá khởi điểm là 144.000 đồng/cổ phiếu, bước giá là 100 đồng, bước khối lượng 10 cổ phiếu. Số lượng cổ phần mỗi nhà đầu tư cá nhân, pháp nhân đăng ký mua tối thiểu 20.000 cổ phần (đủ điều kiện để giao dịch thỏa thuận theo quy định tại Quy chế giao dịch của HOSE) và tối đa mua là gần 39,2 triệu cổ phần (tương đương 2,7% vốn điều lệ).
 
Kết thúc hạn đăng ký, chỉ có 2 tổ chức nước ngoài tham gia đăng ký mua 5,4% cổ phần Vinamilk là F&N Dairy Investment và F&N Bev Manufacturing, với khối lượng mua của mỗi đơn vị là gần 39,2 triệu cổ phiếu. Như vậy, tổng khối lượng nhóm này đăng ký mua là gần 78,4 triệu cổ phiếu, tương đương 60% tổng lượng cổ phiếu chào bán.
 
Giá đấu thành công bình quân là 144.000 đồng/cổ phiếu, tức bằng mức giá khởi điểm. Theo đó, nhà đầu tư đã chi khoảng 11.286 tỷ đồng, tương đương gần 500 triệu USD để nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu này.
 
Trước khi cuộc chào bán diễn ra, F&N Dairy Investment là cổ đông ngoại nắm giữ 10,95% vốn tương ứng 159 triệu cổ phần của Vinamilk. Trong khi F&N NBEV chưa sở hữu cổ phần nào tại Vinamilk.
 
Hai tổ chức này đều đến từ Singapore, là công ty con 100% vốn của Fraser & Neave Limited (F&N), do ông Lee Meng Tat là giám đốc. Ông Lee Meng Tat đang là Thành viên HĐQT của Vinamilk.
 
F&N là tập đoàn đồ uống có trụ sở tại Singapore nhưng hiện thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ của ThaiBev.
 
Sau giao dịch, F&N đã tăng sở hữu tại công ty sữa lớn nhất Việt Nam lên gần 16,5% vốn.
 
HQC lại chuyển nhượng vốn ở công ty con
Hội đồng quản trị CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC) đã nhất trí thông qua chủ trương chuyển nhượng vốn góp tại công ty con là CTCP Cảng Bình Minh.
 
Đồng thời ủy quyền cho ông Trương Anh Tuấn – chủ tịch HĐQT của HQC thương lượng giá chuyển nhượng, lựa chọn đối tác và thực hiện các công việc liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp tại Cảng Bình Minh, đảm bảo lợi ích công ty.
 
Đầu năm 2016, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua tờ trình phát hành trái phiểu chuyển đổi riêng lẻ nhằm huy động 500 tỷ đồng để góp vốn hợp tác kinh doanh thực hiện dự án Cảng Bình Minh giai đoạn 1.
 
Đến cuối quý III/2016, HQC đang nắm giữ 96,5% vốn tại CTCP cảng Bình Minh, giá trị vốn góp là 430,85 tỷ đồng.
 
Trước đó trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư cuối tháng 7/2016, liên quan đến dự án cảng Bình Minh, ông Trương Anh Tuấn cho rằng HQC không chuyên về phát triển cảng. Vì vậy nếu nhà đầu tư (Singapore) muốn mua lại 100% vốn của HQC tại dự án này và nếu có lời HQC sẽ bán. Ông Tuấn cho biết, nếu bán cảng giá thu về sẽ cao.
 
Còn nhớ vào quý IV/2015, HQC đã chuyển nhượng vốn góp tại CTCP Đầu tư Phát triển bất động sản Đông Dương. Thương vụ này giúp HQC ghi nhận 189 tỷ đồng doanh thu tài chính và giúp HQC vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2015. Liệu lịch sử có lặp lại cho năm 2016? HQC ước tính lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính năm 2016 đạt 100 tỷ đồng. So với kế hoạch 500 tỷ đồng, HQC cần có 400 tỷ đồng lợi nhuận để cán đích lợi nhuận.
 
CII tăng vốn Công ty Khu Bắc Thủ Thiêm lên 950 tỷ đồng, chuẩn bị trả cổ tức tỷ lệ 6,5%
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh (mã CII) vừa công bố một số nội dung trong cuộc họp Hội đồng quản trị mới đây.
 
Theo đó, HĐQT CII đã thông qua việc chấp thuận tăng vốn điều lệ Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm từ 340 tỷ đồng lên 950 tỷ đồng. Đồng thời, chấp thuận cho CII được hợp tác với Nhà đầu tư khác (nếu có) để mở rộng Hợp đồng BT Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc – Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Hợp đồng BT Thủ Thiêm), chấp thuận cho CII được hợp tác với nhà đầu tư khác (nếu có) để khai thác quỹ đất nhận thêm từ phần mở rộng hợp đồng BT Thủ Thiêm. Hợp đồng BT Thủ Thiêm (cũ) vẫn do CII thực hiện 100%.
 
Được biết, Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm được CII thành lập ngày 24/12/2015 để thực hiện dự án BT Xây dựng dự hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và Trục Bắc – Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
 
Cũng trong cuộc họp, HĐQT CII đã thống nhất về việc chi trả cổ tức đợt 2/2016 với tỷ lệ 6,5%. Ngày đăng ký cuối cùng là 27/12 và dự kiến đến ngày 20/1/2017, công ty sẽ thực hiện thanh toán cổ tức. 
 
Vinaconex – Viettel chuẩn bị sáp nhập SHB trong quý I/2017
Ngân hàng Nhà nước vừa có Quyết định chấp nhận việc sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel vào SHB.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/01/2017.
Theo đó, SHB có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của Vinaconex – Viettel; hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp và công bố thông tin theo quy định pháp luật trong thời hạn 45 ngày kể từ khi quyết định có hiệu lực thi hành.
Vinaconex – Viettel có trách nhiệm sẽ có trách nhiệm bàn giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho SHB; hoàn trả Ngân hàng Nhà nước bản gốc Giấy phép thành lập và hoạt động số 304/GP-NHNN ngày 14 tháng 11 năm 2008, công bố thông tin chấm dứt hoạt động, giải quyết các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Sau khi sáp nhập, SHB dự kiến sẽ nâng mức vốn điều lệ lên gần 10.486 tỷ đồng. 
DXG: Góp thêm 135 tỷ đồng vào Công ty Đầu tư Xây dựng Thương Mại Xuân Định
CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (mã DXG) vừa có quyết định thống nhất và thông qua việc gốp vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thương Mại Xuân Định.
Hiện tại, vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương Mại Xuân Định là 120 tỷ đồng, tổng giá trị vốn góp của DXG là hơn 119,9 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 99,99%.
Quyết định góp vốn được thông qua đồng nghĩa với việc, DXG sẽ góp vốn thêm 135 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ tại Thương Mại Xuân Đỉnh lên 255 tỷ đồng, tỷ lệ vốn góp của DXG vẫn là 99%, tương ứng với hơn 254,99 tỷ đồng.
Được biết, DXG góp vốn Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Xuân Định nhằm mục đích đầu tư Dự án Khu nhà ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.
Chỉ tiêu kinh doanh năm 2016, doanh thu thuần đạt gần 1.321 tỷ đồng, hoàn thành hơn 60% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 173,6 tỷ đồng, hoàn thành 27,1% kế hoạch năm. 
VCF: Masan Beverage đã tăng sở hữu lên 68,5%
Theo đó, giao dịch đã diễn ra vào ngày 09/12/2016 theo phương thức giao dịch chào mua công khai.
Masan Beverage đã đăng ký mua vào hơn 2,6 triệu cổ phiếu. Nhưng do cổ đông đăng ký bán không đủ số lượng chào mua, Masan Beverage chỉ mua được hơn 2,2 triệu cổ phiếu VCF.
Qua đó, công ty này đã nâng mức cổ phiếu VCF sở hữu lên gần 18,2 triệu cổ phiếu, tương đương 68,46% vốn điều lệ VCF.
Được biết, giá chào mua là 170.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, Masan Beverage đã bỏ ra hơn 374,8 tỷ đồng trong đợt chào mua công khai này.
Đến lượt Đường Biên Hòa tính chuyện thoái hết vốn khỏi SBT
CTCP Đường Biên Hòa (mã BHS) vừa công bố thông tin đăng ký bán toàn bộ hơn 5 triệu cổ phiếu SBT cuả CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh để tái cơ cấu danh mục đầu tư.
 
Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh từ 19/12/2016 đến 15/1/2017.
 
Với mức giá quanh 24.500 đồng/cổ phiếu như hiện nay, dự kiến Đường Biên Hòa sẽ thu về khoảng 123 tỷ đồng.
 
Được biết, bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT của Đường Biên Hòa cũng là Phó Chủ tịch thường trực của Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh; bàTrần Quế Trang, Thành viên HĐQT BHS cũng là Phó Tổng Giám đốc thường trực của SBT…
 
Trước đó, hồi đầu tháng 7, SBT đã bán đi toàn bộ gần 21 triệu cổ phiếu BHS, tương đương với 16,97% vốn điều lệ BHS và thu về gần 370 tỷ đồng.
 
VietJet Air dự kiến sẽ niêm yết vào tuần thứ 4 của tháng 2/2017
Tới đây, CTCP Hàng không Vietjet – VietJet Air sẽ tiến hành chào bán lần đầu 4.500.000 cổ phần cho các nhà đầu tư cá nhân. Theo công bố thời gian đăng ký mua cổ phiếu sẽ từ ngày 19/12 đến ngày 28/12/2016.
 
VietJet Air dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vào tuần thứ 4 của tháng 2/2017.
 
Chỉ sau 4 năm hoạt động, VietJet Air đã chiếm 37,1% thị phần hàng không nội địa vào năm 2015, và đến mức 43,1% thị phần nội địa tính đến tháng 6/2016. Hiện VietJet Air có 57 đường bay với 37 đường bay nội địa và 20 đường bay quốc tế. Từ năm thứ 2 VietJet Air bắt đầu hoạt động có lãi; điều đáng lưu ý rằng, VietJet Air ra đời vào thời điểm giá dầu thế giới đang ở mức cao, khoảng 90 USD/thùng. Tính đến nay VietJet Air gần cán mốc 5 năm hoạt động.
 
Trao đổi với nhà đầu tư, ban lãnh đạo VietJet Air cho biết, biên lợi nhuận của vận chuyển hành khách quốc tế cao hơn vận chuyển hành khách nội địa.
 
Năm 2016, VietJet Air ước tính sẽ đạt mức lợi nhuận 100 triệu USD. 6 tháng đầu năm công ty này đã đạt 56,6 triệu USD lợi nhuận. 

LINH LINH

Nguồn: vfpress.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác