Sữa Việt Nam

Duy Tiên (Hà Nam): Phát triển chăn nuôi bò sữa lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng

Huyện Duy Tiên đang dẫn đầu tỉnh Hà Nam về mô hình chăn nuôi bò sữa và cũng là vùng chăn nuôi bò sữa lớn nhất đồng bằng sông Hồng.

 Huyện đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, trên cơ sở 5 khu chăn nuôi bò sữa tập trung đã được quy hoạch tại các xã Mộc Bắc, Chuyên Ngoại, Trác Văn với tổng diện tích 70,9 ha phục vụ chăn nuôi 2.430 con bò sữa. Chăn nuôi bò sữa là mô hình hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng và phát triển theo hướng bền vững.


Tiềm năng cần được phát huy

 

Duy Tiên là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đàn bò sữa nhất là các vùng đất bãi ven sông Hồng.

 

Ông Nguyễn Văn Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Tiên cho biết: Đến hết tháng 10/2017, huyện Duy Tiên có 107 hộ chăn nuôi bò sữa thực hiện chăn nuôi 1.792 con bò sữa đạt 95,3 % kế hoạch, tăng 27,6% so với năm 2016. Trong đó, có 710 con bò đang cho sữa. Sản lượng sữa bình quân hiện nay đạt 13,03 tấn/ngày; năng suất sữa bình quân 18,35 kg/ngày đối với bò đang cho sữa. Quy mô chăn nuôi bò sữa của các hộ đã được tăng lên, bình quân mỗi hộ nuôi 17 con/hộ, có 8 hộ nuôi với số lượng trên 40 con.

 

Toàn huyện có 107 hộ chăn nuôi bò sữa có 99 hộ có hợp đồng tiêu thụ sữa (trong đó: 85 hộ bán cho Công ty sữa Vinamilk, 13 hộ bán bán cho Công ty sữa Cô gái Hà Lan); còn 08 hộ mới chăn nuôi chưa có hợp đồng tiêu thụ sữa do chưa có bò cho sữa (05 hộ xã Mộc Bắc, 03 hộ xã Trác Văn). Có 2 hộ mở cơ sở chế biến và tiêu thụ sữa theo chuỗi hệ thống nông sản sạch.

 

Trong giai đoạn hiện nay, giá sữa ổn định ở mức cao từ 11.900 - 14.000 đ/kg; có 02 cơ sở tự chế biến sữa cung cấp bán tại địa phương và bán theo chuỗi hệ thống nông sản sạch với giá 36.000 đồng/kg. Giá sữa cao và ổn định giúp ngưòi chăn nuôi có thu nhập cao. Bình quân mỗi con bò cho thu nhập 20 đến 25 triệu đồng/năm. Bên cạnh nguồn thu nhập chính từ sữa, mỗi con bò thu được 1 con bê giá trị từ 6 - 12 triệu đồng và có nguồn phân cung cấp cho diện tích trồng cỏ, ngô hoặc nuôi giun quế cho thêm thu nhập.

 

Mộc Bắc là xã phát triển đàn bò sữa lớn nhất tỉnh. Ông Trần Hồng Quang, Chủ tịch xã Mộc Bắc cho biết: Toàn xã có 73 hộ chăn nuôi bò sữa, tổng số 1750 con bò, bê. Sản lượng sữa 7500kg/ngày, 2398 tấn/năm. Quy hoạch 3 khu trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung 54ha, đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 7 hộ với đủ điều kiện từ 10 con trở lên.

 

Trong năm 2017, trồng 450 mẫu ngô đông để làm thức ăn cho bò. Hộ chăn nuôi nhiều nhất hơn 40 con. Chính quyền hỗ trợ quy hoạch khu trang trại, làm đường, cấp điện nước đến tận trang trại. Chăn nuôi bò sữa ổn định cho thu nhập cao, thời gian tới xã tiếp tục ổn định và giữ vững đàn bò.

 

Nguồn thức ăn tự nhiên cho bò tinh bột được trộn theo tỷ lệ

 

Chị Nguyễn Thị Thịnh, chủ nhân của trang trại Mục Đồng, xã Trác Văn cho biết: Bò sữa được gia đình chăn nuôi theo phương pháp gần với tự nhiên. Thức ăn của bò chủ yếu là các loại cỏ ngọt, giàu protein như VA06, Mombosa, cỏ Úc, Ghine, Mulato, cỏ sả và thân cây ngô ủ chua; bổ sung thêm lượng tinh bột nhất định được phối trộn theo tỷ lệ, ủ chế phẩm EM lên men tự nhiên.

 

Nguồn thức ăn chủ yếu trang trại tự trồng. Hoàn toàn nói "không" với GMO và thức ăn công nghiệp. Bò được tự do đi lại trong chuồng và sân chơi, được uống nước sạch, tắm chải 4 lần/ngày; được nghe nhạc, tắm nắng. Đó chính là nguồn gốc tạo nên điểm khác biệt của sản phẩm sữa bò tươi thanh trùng Mục Đồng với tiêu chí "5 không": Không thức ăn Công nghiệp, không thức ăn biến đổi gen, không kích thích tố tăng sữa, không chất bảo quản và không tồn dư kháng sinh.

 

Hướng phát triển bền vững

 

Hộ chăn nuôi Hoàng Văn Vỹ, tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, một trong năm hộ được UBND tỉnh tặng Bằng khen về hộ đã có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ổn định giúp đỡ tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn cho biết: Bắt đầu chăn nuôi bò sữa từ năm 2002, trải qua bao năm tháng thăng trầm về đầu ra sữa, bò mới nhập từ nước ngoài về không hợp thời tiết, kinh nghiệm chăn nuôi chưa có.

 

Sau đó, được Nhà nước hỗ trợ động viên chăn nuôi, giờ tổng đàn bò của gia đình là 45 con, số lượng cho sữa là 21 con, sản lượng 17kg/kg, giá sữa 14.000 đồng/kg. Thức ăn chủ yếu là ủ chua, bột ngô, bột đỗ tương. Trừ chi phí, cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng/tháng. Nhà có 5 lao động.

 

Chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, đem lại thu nhập cao cho nhà nông

 

Ông Trần Văn Dương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Duy Tiên, cho biết: Chi nhánh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân chăn nuôi bò sữa được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Lũy kế đến 31/12/2017, doanh số cho vay 48 tỷ 900, dư nợ 25 tỷ 600.

 

Hiện trên địa bàn có nhà máy sữa Vinamilk và Công ty TNHH Friesland Campina đã ký cam kết mua toàn bộ sữa bò của người dân. Theo đó, tại các vùng nuôi khoảng 300 con bò sữa trở lên sẽ được công ty đặt một trạm thu mua sữa, sau đó vận chuyển về nhà máy.  

 

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Tiên, cho biết: Thời gian tới huyện vận động, tạo điều kiện cho các hộ hiện đang chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư đầu tư thuê, thầu đất để chuyển bò sữa ra chăn nuôi tại khu chăn nuôi bò sữa tập trung. Rà soát quy hoạch các khu chăn nuôi bò sữa tập trung và vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã Mộc Bắc, Chuyên Ngoại, Trác Văn. Tiếp tục hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại chăn nuôi bò sữa trong khu chăn nuôi bò sữa tập trung đã được phê duyệt. Xây dựng mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa.

 

Tiếp tục tuyên truyền phát triền đàn bò sữa, trong đó tập trung vận động theo hướng tăng quy mô đàn của các hộ hiện đang chăn nuôi bò sữa tại các khu chăn nuôi tập trung. Phấn đấu năm 2018, toàn huyện có 2.538 con bò sữa (trong đó: Mộc Bắc 1.663 con, Chuyên Ngoại 475 con, Trác Văn 340 con, Yên Nam 60 con). Vùng chăn nuôi bò lớn nhất đồng bằng sông Hồng tại huyện Duy Tiên (Hà Nam) đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhà nông làm giàu và phát triển theo hướng bền vững.

 

Ngô Tỉnh

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác