Sữa Việt Nam

Chăn nuôi bò sữa, người dân Mộc Châu “vắt” ra tiền tỷ mỗi năm

Mộc Châu (Sơn La) từ lâu đã nổi tiếng với nghề chăn nuôi bò sữa. Nhờ nghề đó, nhiều hộ nông dân nơi đây trở thành “đại gia” với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, nhiều thế hệ sau mong muốn phát huy và nối nghiệp.

 “Đại gia chân đất” nhờ chăn nuôi bò sữa

 

Mộc Châu (Sơn La) nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm, đất đai rộng lớn. Và đây cũng chính là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong vài năm trở lại đây. Ngoài cảnh sắc thiên nhiên, nơi đây còn được biết đến với nghề chăn nuôi bò sữa từ lâu đời. Nhiều nông dân đã vươn lên thoát nghèo và trở thành những tỷ phú bò sữa với mô hình nông trại của Công ty Cổ Phần Giống bò sữa Mộc Châu. 

 

Anh Đoàn Trường Sơn, chủ một trang trại nuôi bò sữa ở Tân Cương, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) cho biết, nghề nuôi bò sữa được truyền từ thời của cha mẹ anh theo tục “cha truyền con nối” đến nay đã được 23 năm. Trước đây, cùng với chăn nuôi, gia đình anh trồng rau, chè và những loại cây ăn quả khác. Nhưng vài năm trở lại đây, gia đình anh bỏ trồng trọt và tập trung vào chăn nuôi.

 

“Tôi theo nghề cha từ khi còn nhỏ tuổi. Khi chưa lấy vợ, tôi thường phụ giúp cha mẹ những công việc như: tắm cho bò, vắt sữa bò, cắt cỏ,…. Sau này khi có gia đình, tôi đã tích luỹ đủ kinh nghiệm và có thể vận hành được trang trại của riêng mình. Ngày mới lập trang trại, cha mẹ tôi cho hai vợ chồng ba con bò làm vốn. Nhờ nhân giống, số lượng bò ngày một nhiều lên và là tiền đề giúp chúng tôi có được “gia tài” như bây giờ", anh Sơn nói.

 

Anh Sơn chia sẻ thêm: “Lúc chưa có máy móc, tất cả quy trình đều thực hiện thủ công từ vắt sữa cho tới cắt cỏ,…. hai vợ chồng chủ yếu thay phiên nhau làm việc. Còn bây giờ, số bò trong trang trại tăng lên và sự phát triển của công nghệ, hầu như chúng tôi chỉ cần vắt sữa, những quy trình khác đều thuê người làm và có máy móc hỗ trợ”.

 

Trang trại của gia đình anh Sơn có tổng cộng hơn 100 con bò sữa, trong đó có 50 con cho sữa. Từ việc vắt sữa và nhập cho công ty, thu nhập bình quân mỗi tháng của gia đình khoảng 100-120 triệu đồng (đã trừ những chi phí khác). Về hướng chăn nuôi mới để phát triển kinh tế của gia đình trong thời gian tới, anh Sơn bày tỏ: “Chăn nuôi bò sữa mang lại cho gia đình tôi rất nhiều lợi ích: vừa có thu nhập ổn định, vừa giải quyết vấn đề chất đốt (biogas). Ngoài ra còn giúp gia đình có nguồn phân bón an toàn. Những năm gần đây, giá sữa liên tục tăng cao, tôi tin rằng không chỉ riêng gia đình tôi mà còn nhiều hộ chăn nuôi khác cũng đều có thu nhập ổn định nhờ nghề này".

 

Không chỉ có gia đình anh Sơn, nhiều gia đình khác trên cao nguyên Mộc Châu đã trở thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng. Gần 600 hộ chăn nuôi bò sữa đều có thu nhập ổn định, trên 200 hộ có thu nhập từ một tỷ đồng/năm.

 

Hơn 20 năm lập nghiệp trên cao nguyên Mộc Châu, vợ chồng anh chị Hải Hiền ở thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) đã làm giàu từ hai bàn tay trắng. Hiện tại, trang trại của gia đình anh chị có 45 con bò sữa với giá trị thu được xấp xỉ gần tỷ đồng/năm. Trong đó, có 26 con cho sữa, với sản lượng sữa khoảng 6 tạ/con/tháng, một chu kỳ 9 tháng là 5 tấn/con/năm với giá bán bình quân 13.000đ/lít, tổng lợi nhuận mà gia đình anh chị thu về bình quân vài chục triệu đồng/tháng. 

 

Chị Ngô Thị Hiền chia sẻ: “Gia đình làm nghề chăn nuôi bò sữa đã được hơn 20 năm nay, ngày trước trang trại chỉ có 3,4 con bò, đến nay nhờ những kỹ thuật chăm sóc, phối giống mà trang trại của gia đình đã có được 45 con bò sữa, trong đó chỉ có 26 con cho sữa, còn lại là bê con và bò chửa. Những con bò non (bê tơ) sẽ cho sữa nhiều hơn những con bò già tuổi. Ngày xưa vắt sữa bò còn rất khó khăn, chỉ dùng tay hoàn toàn. Nhưng ngày nay, nhờ có máy móc, quá trình vắt sữa trở nên thuận lợi và tiết kiệm thời gian hơn”. 

 

Thế hệ trẻ mong muốn nối nghiệp

 

Bên cạnh “thế hệ già” chăn nuôi bò sữa lâu năm cũng có nhiều thế hệ trẻ đang tiếp nối nghề nghiệp mà gia đình đã gây dựng. Một trong những tấm gương trẻ có thể trở thành “tỷ phú” trong tương lai là anh Đoàn Mạnh Toàn, đang là sinh viên đại học trường Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, hiện đang sinh sống tại Mộc Châu (Sơn La). Anh là con út trong một gia đình chăn nuôi bò sữa lâu năm tại thị trấn Nông trường, trang trại của gia đình đang có trên 60 con bò sữa, trong đó 37 con bò cho sữa. 

 

Anh Toàn cho biết, anh đang theo học tại trường dưới Hà Nội, những lúc rảnh rỗi anh thường về quê phụ việc giúp cha mẹ để học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm. Sau này, anh mong muốn có một trang trại của riêng mình, tự mình gây dựng khi đã thành thạo mọi việc từ bây giờ.

 

Anh Toàn cho hay: “Tôi thường về quê những lúc rảnh rỗi để phụ giúp cha mẹ mình. Sau này, khi học xong ra trường, tôi sẽ tự xây dựng một trang trại riêng và làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình. Mục tiêu của tôi là nối nghiệp gia đình, kế thừa và phát huy để xứng đáng với sự nghiệp mà ông bà, cha mẹ đã gìn giữ qua nhiều thế hệ”.

 

Nghề chăn nuôi bò sữa trên cao nguyên Mộc Châu phát triển không ngừng. Nhờ nghề chăn nuôi truyền thống, nơi đây đã khắc phục được tình trạng thất nghiệp, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương. Đây là nghề nghiệp hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định và là nền móng cho sự xuất hiện của nhiều “tỷ phú” trong tương lai./.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác