Sữa Thế giới

Kinh tế hợp tác: Hưởng lợi từ mô hình chia sẻ đàn bò sữa

Với nhiều nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở Mỹ, mô hình chia sẻ đàn gia súc với chính người tiêu dùng đang là cứu cánh giúp họ vượt qua khó khăn.

 Jeff Sykes lái chiếc xe đầy bùn đến thăm các hầm chứa cỏ tại trang trại bò sữa của mình ở thành phố Mebane, bang Bắc Carolina. Ông bước tới khu cho ăn và đổ một xô thức ăn vào máng. Hai con bò cái jersey màu nâu vàng óng chúi đầu xuống và bắt đầu ăn.

 

Chuồng nuôi bò của Sykes những ngày này có vẻ trống trải, nhưng thực tế trang trại hơn 121ha này đang hoạt động thậm chí còn tốt hơn thời điểm nó có hơn trăm con bò sữa, theo tờ báo địa phương Greenboros.

 

Chỉ hai năm trước, trang trại gia đình Sykes nuôi khoảng 125 con bò sữa Hà Lan. Những quầy để thức ăn luôn đầy ắp và trang trại luôn bận rộn. Sykes và các nhân viên vắt sữa bò hai lần một ngày, đôi khi nhờ tới cả sự trợ giúp của vợ ông, Cindy, và ba người con. Ông đã dành cả đời gây dựng đàn gia súc này. Cha ông đặt nền móng đầu tiên cho trang trại từ những năm 1950.

 

Nhưng vào năm 2018, Sykes đã nhìn thấy dấu hiệu của thất bại. Lúc bấy giờ, ông bán sữa với giá 15 USD cho 100 cân, hay 85 xu mỗi gallon, bằng mức giá ở thời điểm ông tiếp quản trang trại từ cha vào năm 1992. Đây là mức giá cao nhất mà Sykes có được nhờ việc tham gia hợp tác xã sữa, nhưng như thế không đủ hòa vốn, chưa kể các chi phí khác.

 

Ông phải bán hết. Sykes rao bán đàn gia súc, niềm đam mê của ông. Sykes may mắn tìm được công việc tại một công ty kỹ thuật, nhưng ông nhớ trang trại, nơi ông luôn cảm thấy yên bình. Sykes nhớ đàn bò mà ông thuộc tên từng con. Ông nhớ thói quen cũ, vắt sữa bò 12 tiếng mỗi ngày.

 

Song rất nhanh chóng, ông có lại tất cả.

 

Cùng khoảng thời gian Sykes bán đàn bò, một bản sửa đổi luật nông nghiệp năm 2018 của bang đã hợp pháp hóa việc chia sẻ đàn gia súc. Đây là mô hình hợp tác giữa nông dân và người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nhận được sữa thô (sữa chưa tiệt trùng) trực tiếp từ trang trại.

 

Luật mới cho phép các nông dân chăn nuôi bò sữa quy mô nhỏ, thường là người nghỉ hưu, như Sykes, tiếp tục hoạt động trong ngành hay mở cửa trở lại trang trại sau khi bán. Nông dân nhìn thấy cơ hội nhưng nhiều người khác lại thấy nguy cơ về sức khỏe.

 

Như Sykes, John Ager dành phần lớn cuộc đời sống và làm việc trong trang trại bò sữa và uống sữa thô.

 

“Tôi là fan hâm mộ sữa thô”, Ager đến từ hạt Buncombe, Bắc Carolina, nói. “Nhiều người sống trong vùng của tôi lái xe xuống Nam California để mua sữa thô vì sữa thô tại đó là hợp pháp”.

 

Nhu cầu này khiến Ager, đảng viên Dân chủ đại diện cho một phần hạt Buncombe tại Hạ viện Bắc Carolina, đề xuất sửa đổi Đạo luật Trang trại Bắc Carolina nhằm hợp pháp hóa mô hình chia sẻ đàn gia súc.

 

Luật không hợp pháp hóa việc bán sữa thô, nhưng cho phép người tiêu dùng mua một phần của cá thể bò hay động vật cho sữa khác, như dê. Là chủ sở hữu một phần của con vật, người mua có quyền dùng sữa thô mà con vật sản xuất ra.

 

Ví dụ tại trang trại gia đình Sykes, các cổ đông nuôi bò trả cho Sykes một khoản phí cố định là 150 USD để tham gia chương trình. Họ sẽ được nhận một gallon sữa thô mỗi tuần với giá 9 USD hoặc nửa gallon 6 USD. Đây là mức giá khá cao nhưng gần 35 thành viên tham gia với Sykes sẵn sàng chi trả.

 

Sykes bắt đầu mô hình trên vào tháng 4/2020, một tháng sau khi Covid-19 được công bố là đại dịch, và ông không thể vui hơn với quyết định thay đổi của mình. Sykes ước tính mỗi năm, số tiền ông kiếm được từ việc vắt sữa 5 con bò bằng với khi ông vắt 125 con rồi bán theo cách thông thường.

 

Ngành công nghiệp sữa của Bắc Carolina từng thăng hoa vào giữa những năm 1980 nhưng nhanh chóng lao dốc. Giá sữa hiện nay nhìn chung luôn biến động và khó đoán. Nhiều nông dân quy mô nhỏ phải bỏ nghề, nhường chỗ phát triển cho các trang trại lớn hơn.

 

Tuy nhiên mô hình chia sẻ đàn bò nhận sữa thô lại không được các chuyên gia y tế công cộng ủng hộ.

 

“Tiệt trùng là một trong những phát minh vĩ đại nhất đối với y tế công cộng”, Larry Michael, giám đốc sức khỏe môi trường bang Bắc Carolina, nhấn mạnh. “Nó ngăn ngừa hàng triệu ca bệnh tật và tử vong, được coi là một trong những biện pháp can thiệp an toàn thực phẩm hiệu quả nhất”.

 

Nhưng nhiều người uống sữa thô, như Katherine Williams, tin rằng lợi ích sức khỏe của chúng lấn át những nguy cơ, đặc biệt khi sữa được xử lý đúng cách.

 

Williams, một thành viên tham gia chia sẻ đàn bò với trang trại gia đình Sykes, đã uống sữa thô hơn 10 năm qua, lựa chọn mà cô cho rằng là sự thay thế rẻ hơn so với sữa hữu cơ.

 

Williams tin uống sữa thô giúp cô khỏi bệnh hen suyễn và con gái cô cũng cải thiện được chứng dị ứng theo mùa từ khi chuyển sang dùng sữa thô. Không có bằng chứng chứng minh cho nhận định này và giới chuyên gia y tế cũng cực lực phản đối.

 

“Chúng tôi nghe nhiều người nói rằng việc tiệt trùng có thể phá hủy một số thành phần có lợi trong sữa”, Michael nói. “Dựa trên khoa học, điều đó không đúng. Không có tác động nào tới chất lượng sữa cả”.

 

Nhưng Williams cảm thấy ổn với lựa chọn của mình. Mỗi tuần một lần, cố giúp Sykes vắt sữa và cho đàn bò tại trang trại ăn, hợp tác chặt chẽ với ông nhằm đảm bảo mọi quy trình vệ sinh được tuân thủ.

 

Sykes, trong khi đó, hài lòng với mô hình chia sẻ đàn bò. Với ông, không có gì tuyệt hơn là được làm trang trại trở lại. “Đó là nơi tôi thuộc về”, ông nói.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác