Nội bộ

Hành trình đưa Vinamilk ‘bay cao’ của bà Mai Kiều Liên

(Dairy Việt Nam) - Từ ngày 25/7/2015, bà Mai Kiều Liên sẽ chính thức không còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Người thay thế là bà Lê Thị Băng Tâm.

Đại Hội đồng Cổ đông do Vinamilk tổ chức vào ngày 24/4/2015 đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc tách chức danh Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị (HĐQT) và Tổng Giám Đốc (TGĐ) Vinamilk.

Theo đó, từ ngày 25/7/2015, Bà Lê Thị Băng Tâm, hiện là thành viên độc lập HĐQT Vinamilk giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Vinamilk, và Bà Mai Kiều Liên nguyên là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamilk, thành viên HĐQT giữ chức danh TGĐ Vinamilk.

Từ kỹ sư công nghệ thành CEO quyền lực

Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Vinamilk từng được tạp chí Forbes xếp ở vị trí thứ 23/50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á.

Sinh năm 1953 tại Paris (Pháp), bà Mai Kiều Liên gia nhập Vinamilk ở vị trí kỹ sư phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam).

Khởi nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa từ năm 1976, qua nhiều năm bà đã vươn lên để trở thành người lãnh đạo cao nhất của Vinamilk.

Bà Mai Kiều Liên đã chuyển đổi thành công từ mô hình công ty nhà nước sang hình thức cổ phần hóa theo xu hướng tư nhân hóa được tiến hành mạnh mẽ từ năm 2006.

Bằng việc triển khai hàng chục nhà máy, rải khắp toàn quốc, thu mua sản lượng sữa bò do người nông dân làm ra, các nhà máy của Vinamilk đồng loạt nhả khói và đều đạt 60% rồi 100% sản lượng chỉ sau 2 – 3 năm đi vào hoạt động. Cùng với đó, hơn 200.000 điểm bán lẻ cũng dần được Vinamilk xây dựng.

Dưới sự dẫn dắt của CEO Mai Kiều Liên, trong những năm qua, Vinamilk đã làm được cuộc cách mạng trong thói quen ăn uống của người Việt. Kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ (CNBC) nhận định, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người hàng năm tại Việt Nam tăng 36 lần trong vòng 25 năm qua, một phần nhờ vào “kỳ tích” của Vinamilk.

Theo đó, lượng sữa tiêu thụ ở Việt Nam tăng từ 0,5 lít/người/năm vào năm 1990 lên 18 lít/người/năm tại thời điểm hiện nay. Cổ phiếu Vinamilk tăng liên tiếp trong 5 năm vừa qua, và hiện được định giá khoảng 5,6 tỷ USD. Dưới sự lãnh đạo của CEO Mai Kiều Liên, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm của mình đến 23 quốc gia, kỳ vọng đạt doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017.

Theo Forbes đánh giá, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp kiến tạo lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, đồng thời cổ phiếu được xếp hàng blue-chips trên thị trường chứng khoán. Vinamilk đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận kể từ khi niêm yết (2006) đến nay.

Người mở đường cho tương lai Năm 2014, Vinamilk đã thể hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường ngoại khi lần lượt nhận được giấy phép đầu tư nhà máy sữa tại Campuchia và thành lập công ty con tại thị trường Châu Âu – Ba Lan. Theo đó, Vinamilk được phép đầu tư nhà máy sữa và các sản phẩm liên quan sữa tại Campuchia. Nhà máy có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, trong đó Vinamilk đóng góp 51%, còn đối tác tại Campuchia đóng góp 49%.

Khi đi vào hoạt động ổn định, nhà máy sẽ đạt công suất hơn 19 triệu lít sữa nước mỗi năm, 64 triệu hũ sữa chua và 80 triệu hộp sữa đặc. Dự kiến, doanh thu của nhà máy vào năm 2015 là 35 triệu USD, đến năm 2017 sẽ đạt khoảng 54 triệu USD. Vinamilk cũng thành lập công ty TNHH 100% vốn của Vinamilk tại Ba Lan mà bà Mai Kiều Liên là đại diện vốn của Vinamilk tại công ty này. Công ty có vốn điều lệ tương đương 3 triệu USD với mảng hoạt động chính bao gồm bán buôn nguyên liệu nông nghiệp, bán buôn bán lẻ thực phẩm, đồ uống, hỗ trợ hoạt động sản xuất và kinh doanh sữa của Vinamilk.

Năm ngoái, Vinamilk đầu tư 23 triệu USD vào một liên doanh ở Campuchia với công ty Angkor Dairy Products và chi 7 triệu USD để mua cổ phần 70% trong công ty sữa Driftwood Dairy Holding ở California, Mỹ. Trước đó, Vinamilk cũng được phép bán tại Mỹ các sản phẩm sữa sản xuất tại Việt Nam, nối dài thêm danh sách thị trường xuất khẩu khoảng 30 quốc gia. Trong nước, Vinamilk đã mở 2 nhà máy mới trong năm 2013 với tổng số vốn đầu tư 210 triệu USD để sản xuất sữa nước và sữa bột.

Năm 2013, Vinamilk đạt doanh thu ấn tượng 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, bà Liên khi đó cho biết, bà kỳ vọng con số nói trên sẽ tăng gấp đôi vào năm 2017 khi Vinamilk được "toàn cầu hóa". Năm 2014, Vinamilk tiếp tục đạt mức lợi nhuận trước thuế ấn tượng - khoảng 359 triệu USD, chiếm 51% thị phần sữa nội địa, Vinamilk trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam, theo nhận xét của Nielsen.

May A

Nguồn: nguoiduatin.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác