Kinh tế - Thị trường

Tạo động lực cho nghề nuôi bò sữa Lâm Đồng

Áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, xây dựng trang trại đạt chuẩn quốc tế thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GLOBAL GAP), Vinamilk Đà Lạt đang tạo ra hình mẫu và động lực mới cho nghề chăn nuôi bò sữa tại Lâm Đồng.

 Công nghệ cao trong chăn nuôi

 
Với những điều kiện thiên nhiên ưu đãi, phù hợp với chăn nuôi bò sữa, trong nhiều năm nay, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã chọn Lâm Đồng là một trong những vùng nguyên liệu sữa tươi chính của mình. Trong năm 2012, Công ty này đã xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung, công nghệ cao tại xã Tu Tra - Đơn Dương. 
 
Hiện, Vinamilk có 10 trang trại trong nước với tổng đàn bò trên 18.000 con. Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt và Trang trại Organic Vinamilk Đà Lạt là 2 trong số 10 trang trại này của Vinamilk. 

Theo ông Nguyễn Đắc Cường, Giám đốc Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt, chỉ trong vòng hơn 5 năm qua, các trang trại tại Lâm Đồng đã có những bước phát triển vượt bậc mọi mặt, từ sản xuất, kinh doanh, phát triển vùng nguyên liệu đến việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Tổng đàn bò sữa của 2 trang trại này đến nay trên 2.100 con. “Lâm Đồng đang trở thành vùng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam” - ông Cường nhận xét.  

 
Không chỉ đầu tư hệ thống chuồng trại bài bản theo các yêu cầu của chăn nuôi công nghệ cao, có ô bò nằm trên đệm và hệ thống cào phân tự động; toàn bộ bò ở đây đều được đeo “chip” và quản lý bằng phần mềm Alpro cho phép theo dõi tình trạng sức khỏe, năng suất, sản lượng sữa, tình trạng động dục của từng con để kịp thời chăm sóc sức khỏe, phối giống và điều chỉnh khẩu phần.
 
Trang trại Đà Lạt hiện được trang bị hệ thống làm mát tự động kết hợp giữa quạt và vòi phun sương tự điều chỉnh theo tiêu chí THI (Temperature Humidity Index - chỉ tiêu đo độ căng thẳng “stress” của bò) nhằm tạo môi trường sống thoải mái nhất cho bò. Trang trại có hệ thống vắt sữa tự động 60 con/lần với tần suất vắt 3 lần/ngày; bò được sử dụng thức ăn phối trộn theo tiêu chuẩn TMR (tổng tỷ lệ phối trộn-total mixed ration) với nhiều công thức pha trộn khác nhau phù hợp với từng độ tuổi, năng suất, lứa đẻ và số ngày vắt sữa. Nguyên liệu thức ăn sử dụng trong phối trộn được kiểm soát chặt chẽ ngay tại phòng quản lý chất lượng của trang trại.
 
Theo ông Cường, việc áp dụng đồng bộ tất cả các yếu tố trên đã giúp năng suất sữa của trang trại tăng nhanh trong những năm qua. Từ năng suất 22 lít/ngày cho mỗi con trong năm 2015, đến nay đã đạt bình quân 28 lít/ngày/con. Năng suất sữa của trang trại Đà Lạt bình quân năm đạt cao nhất trong các trang trại của Vinamilk. Hằng năm, trang trại Đà Lạt cung cấp cho các nhà máy của Vinamilk hơn 7.000 tấn sữa. Không chỉ nâng cao chất lượng sữa, việc tăng năng suất sữa đã giúp trang trại Vinamilk Đà Lạt giảm được giá thành sữa đáng kể. 
 
Để phát triển bền vững, hệ thống trang trại tại Lâm Đồng đã vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, trong năm 2013 đạt chuẩn ISO 9001:2008; năm 2014 được tổ chức Union Control chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và là một trong những trang trại đầu tiên của Việt Nam đạt được chứng nhận này. 
 
Đặc biệt trong tháng 10/2016, Trang trại bò sữa Organic Vinamilk Đà Lạt đã được tổ chức Control Union chứng nhận là trang trại hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu - EU Organic. Đây là trang trại bò sữa Organic đầu tiên tại Việt Nam với đàn bò được chăn thả tự nhiên trên đồng cỏ hữu cơ, không sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi; các nguyên liệu sử dụng đều có từ nguồn gốc hữu cơ.
 
Phát triển vùng nguyên liệu thức ăn cho bò sữa
 
Với tổng đàn bò khoảng 19.000 con như hiện nay, Lâm Đồng được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ tăng đàn, tăng sản lượng nhanh nhất trong nước và là 1 trong 5 tỉnh, thành có số lượng bò sữa lớn nhất cả nước hiện nay. 
 
Theo ông Cường, bò sữa “tăng trưởng nóng” trong thời gian vừa qua đã tạo áp lực lớn cho hoạt động thu mua sữa của các trạm thu mua Vinamilk tại Lâm Đồng. Tuy nhiên, Công ty vẫn thực hiện cam kết của mình với Lâm Đồng thông qua việc gia tăng sản lượng sữa thu mua. Từ thu mua 15 tấn/ngày trong năm 2013, đến nay, Công ty đã tăng lên 83 tấn/ngày. Trong thời gian đến, Công ty sẽ đưa 2 trạm thu mua mới tại khu vực Cầu Sắt - Tu Tra và Đạ Ròn ở Đơn Dương vào sử dụng với tổng công suất thu mua 90 tấn/ngày. 
 
Cùng đó, công tác chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò sữa cho nông dân cũng được Vinamilk Đà Lạt lâu nay chú trọng. Tại các điểm thu mua sữa tươi đều có cán bộ tư vấn, hỗ trợ người dân trong chăm sóc, nâng cao chất lượng sữa, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Đầu năm 2016, Vinamilk Đà Lạt bắt đầu bán hỗ trợ thức ăn hỗn hợp theo tiêu chuẩn kỹ thuật Vinamilk cho nông dân chăn nuôi bò sữa tại địa phương với giá giảm từ 10 - 15% so với thức ăn mua bên ngoài nhằm giúp người nuôi giảm giá thành và nâng cao chất lượng sữa. Tổng cộng trong năm 2016 vừa qua, Vinamilk Đà Lạt đã cung cấp trên 11.000 tấn thức ăn hỗn hợp cho người nuôi bò địa phương.
 
Đặc biệt, nhằm cung cấp đủ thức ăn thô xanh cho đàn bò, hằng năm, 2 trạng trại Vinamilk tại Đơn Dương đã thu mua từ 12 nghìn - 14 nghìn tấn cây bắp và cỏ cho bò ăn. Chính nhờ việc thu mua này nên hiện nay rất nhiều hộ nông dân quanh vùng đã chuyển đổi từ hình thức trồng bắp lấy trái sang trồng bắp bán cây với doanh thu cao hơn. Hiện Vinamilk Đà Lạt đang kết hợp với các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn thô xanh cho bò sữa thông qua việc chuyển đổi những vùng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng bắp lấy cây.
 
“Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và thu mua sữa, Trang trại bò sữa Vinamilk Đà Lạt của chúng tôi luôn gắn kết mật thiết, bền vững với các cấp chính quyền địa phương và bà con nông dân chăn nuôi bò sữa trong tỉnh, thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm các cam kết của mình với tỉnh. Trong thời gian đến, Vinamilk Đà Lạt sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình và luôn đồng hành cùng bà con nông dân chăn nuôi cùng hướng đến một ngành chăn nuôi bò sữa hiệu quả và bền vững tại địa bàn Lâm Đồng” - ông Cường khẳng định.
 
VIẾT TRỌNG
Nguồn: baolamdong.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác