Kinh tế - Thị trường

Giá sữa có vào khuôn?

Sau một thời gian bị buông lỏng, các sản phẩm bổ sung vi chất, thực phẩm dinh dưỡng... cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ trở về diện hàng phải đăng ký giá, niêm yết giá công khai.

Cơ quan chức năng sẽ siết chặt kiểm tra, kiểm soát các yếu tố tăng/giảm giá của doanh nghiệp (DN) và mạnh tay xử lý vi phạm.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi UBND, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu siết chặt quản lý giá sữa và sản phẩm sữa theo quy định của Luật Giá và Thông tư 30 của Bộ Y tế về Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo đó, từ ngày 20/11 tới đây, các sản phẩm thức ăn công thức, bổ sung vi chất… mà nhiều hãng sữa đã "đổi tên" hồi đầu năm, không thực hiện đăng ký giá, sẽ bị đưa vào diện quản lý giá như mặt hàng sữa.

Đăng ký giá, niêm yết giá bán

Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với các ngành chức năng, như: Công Thương, Y tế, Quản lý thị trường, Thuế, Hải quan, Công an… thực hiện quản lý giá sữa và sản phẩm từ sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Cụ thể, Sở Tài chính phối hợp các ngành chức năng tiến hành kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá của DN sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, sẽ chú trọng kiểm soát chặt chẽ các DN sản xuất, kinh doanh từ khâu sản xuất, phân phối đến tay người tiêu dùng, kiểm soát chất lượng gắn với giá cả của từng mặt hàng… Nếu phát hiện có vi phạm thì xử lý theo thẩm quyền, đồng thời công khai danh tính trên phương tiện thông tin đại chúng.

Về phía các DN sản xuất, kinh doanh sữa, Bộ Tài chính yêu cầu phải thực hiện kê khai giá kể từ ngày 20/11, báo cáo việc điều chỉnh giá sữa trước khi bán ra thị trường.

Động thái siết chặt quản lý giá sữa được cho là cần thiết. Vì suốt 10 tháng qua, giá các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, thức ăn dinh dưỡng… gần như bị buông lỏng về giá, tăng giá nhiều lần mà không báo cáo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

 

Giá sữa liên tục tăng từ đầu năm

 

Cũng bởi sự không thống nhất tên gọi mới của sữa giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế, mà từ tháng 4/2013 đến nay, 18 DN kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã không gửi báo cáo tăng giá sữa bột. Một số hãng sữa lớn, như: Mead Johnson Nutrition, Tiên Tiến, Dinh Dưỡng 3A Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, Nestlé Vietnam... có gửi báo cáo về giá bán sản phẩm sữa, nhưng chỉ kê khai tăng giá duy nhất 1 lần. Lý do vì các sản phẩm sữa đã được đổi tên khác, khiến Cục Quản lý giá không có cơ sở để xử phạt hành vi tăng giá không xin phép của các hãng sữa.

Do vậy, cùng với việc kê khai giá sắp tới, Bộ Tài chính yêu cầu các DN báo cáo việc tăng, giảm giá sữa thời gian qua (từ ngày 1/1/2013), lý do điều chỉnh giá.

Thời gian qua, các hãng sữa liên tục mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thông qua các đại lý, công ty phân phối, siêu thị… ở nhiều vùng, miền trên cả nước. Mỗi khi các hãng sữa "ho he" chuẩn bị tăng giá bán, thì các đại lý đã "nhanh tay" tăng giá bán lẻ trước, mà hiếm khi bị cơ quan chức năng nào xử phạt.

Xử lý nghiêm vi phạm

Người tiêu dùng Việt Nam hiện vẫn có tâm lý ngại phản ánh việc đại lý tăng giá sữa vô lý. Trong khi đó, các tổ chức, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng rất ít khi nhận được phản hồi hay tố cáo hành vi gian lận giá của đại lý, hãng sữa.

Thực tế này cho thấy sự bất cập, quản lý kém hiệu quả của các ngành chức năng, tổ chức liên quan đối với mặt hàng sữa nói riêng và các hàng hóa thiết yếu thuộc danh mục hàng bình ổn giá nói chung.

Nhằm đưa hoạt động kinh doanh sữa và sản phẩm sữa vào khuôn khổ, Bộ Tài chính đã yêu cầu các Sở Tài chính địa phương đứng ra chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá trên địa bàn. Đồng thời, rà soát các yếu tố cấu thành giá sản phẩm mà DN sản xuất, kinh doanh viện dẫn để tăng giá có đúng quy định không. Nếu có vi phạm sẽ xử lý theo quy định của Luật Giá.

Với những động thái siết chặt quản lý giá sữa trên, người tiêu dùng hy vọng việc thay đổi giá sữa thời gian tới sẽ được kiểm soát ở mức độ hợp lý. Quan trọng là các cơ quan quản lý thống nhất quy định, tránh tạo "kẽ hở" để các hãng sữa lợi dụng tăng giá, trục lợi như thời gian vừa qua.

Cục Quản lý Giá đã có công văn số 227a/CQLG-NLTS yêu cầu 6 DN sản xuất, kinh doanh sữa kê khai giá đối với sản phẩm thuộc Danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, có báo cáo giải trình các yếu tố tăng/giảm giá đối với sản phẩm sữa thuộc danh mục này mà DN đã thực hiện trong thời gian từ ngày 1/1/2013 đến nay.

 

6 DN này là: Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam); Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (sữa Abbot); Công ty TNHH Sữa Nestlé Việt Nam; Công ty TNHH phân phối Tiên Tiến; Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam; Công ty CP Thương mại và Phát triển ORGANIC Việt Nam.

 

Theo Thời báo Kinh doanh

Nguồn: ndh.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác