Hệ thống tưới và Hệ thống tưới phân

Tưới phun mưa bằng năng lượng mặt trời

Tỉnh Ninh Thuận vừa đưa vào ứng dụng công nghệ tưới phun mưa sử dụng năng lượng mặt trời cho nông dân tại xã Phước Hải. Tận dụng lợi thế và tiềm năng của vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng”, công trình này đã giúp người dân có điều kiện mở rộng diện tích canh tác, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Tưới phun mưa sử dụng năng lượng mặt trời là công nghệ mới “made in Viet Nam”. Theo đó, thông qua hệ thống kết nối được lắp đặt như pin, bộ sạc, bộ ắc quy, bộ chuyển đổi, ánh sáng mặt trời được hấp thụ và chuyển đổi để tạo thành điện năng. Sau khi dòng điện được tạo ra, người nông dân sẽ sử dụng nguồn điện này gắn vào mô tơ bơm tưới phun cho cây trồng.

Ứng dụng tại Ninh Thuận, công nghệ tưới phun nước mưa bằng năng lượng mặt trời không những đem lại nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt mà còn giúp chống tình trạng cát bay, tiết kiệm nhân công vận hành và đặc biệt tiết kiệm 30% - 50% nước so với tưới thông thường. Nhóm sinh viên nghiên cứu và sáng chế công nghệ này cho biết, nếu được ứng dụng, hệ thống tưới bằng năng lượng mặt trời mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường cho người dân, nhất là người dân đang sinh sống ở vùng chưa có điện lưới quốc gia, vùng thiếu nước tưới khó khăn về sản xuất. Bên cạnh đó, hệ thống còn kết hợp đồng thời việc bón phân và tưới nước hợp lý góp phần tăng năng suất cây trồng.

Ý tưởng của dự án bắt nguồn từ nhóm sinh viên khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Sau đó, tỉnh Ninh Thuận được chọn thí điểm lắp đặt vì tính chất thiếu nước và không có điện lưới quốc gia. Việc triển khai do các sinh viên phòng thí nghiệm nghiên cứu điện tử công suất Trường Đại học Bách khoa TPHCM dưới sự hướng dẫn của PGS-TS Lê Minh Phương, đã đưa từ mô hình ra thực nghiệm.

Hệ thống tưới nước phun mưa bằng năng lượng mặt trời có công suất 800Wp có thể phục vụ tưới 3 giờ/ngày. Trong quá trình thực hiện, nhóm đã gặp không ít khó khăn về khoảng cách địa lý, vận chuyển cũng như những khó khăn trong quá trình nghiên cứu và chế tạo các bộ chuyển đổi điện từ ắc quy sang điện xoay chiều để sử dụng dân dụng.

Kết quả cho thấy sau 3 tháng triển khai, bước đầu hệ thống cung cấp đủ điện phục vụ tưới cây đậu phộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình thụ hưởng. Hiện chi phí đầu tư để lắp đặt công nghệ ban đầu khoảng 100 triệu đồng, sử dụng tưới cho 4.000m2 đất sản xuất, tuổi thọ sử dụng trong khoảng 15 năm.

Đánh giá cao công nghệ tưới phun mưa sử dụng năng lượng mặt trời, ông Phạm Phú Rong, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, cho biết, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đang khuyến khích việc nhân rộng mô hình, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư lắp đặt hệ thống công nghệ này ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, hội còn hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích canh tác, giống cây trồng, hỗ trợ thăm dò khai thác nguồn nước tưới tiêu.

Tại TPHCM hiện nay, với điều kiện tương tự - đặc biệt vào mùa khô, mô hình này rất phù hợp cho việc tưới tiêu ở các quận, huyện ngoại thành. Hy vọng trong thời gian tới, chủ các nhà vườn sẽ quan tâm hơn đến công nghệ này để nhân rộng mô hình nhiều lợi ích này thêm nữa.

THANH NGÂN

Nguồn: sggp.org.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác