Hệ thống tưới và Hệ thống tưới phân

Tình hình áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tại Việt Nam

Việt nam, công nghệ tưới tiết kiệm nước được bắt đầu từ năm 1993 và chủ yếu là thực nghiệm tại các cơ sở sản xuất. Khởi đầu là việc thiết kế, lắp đặt các hệ thống tưới phun mưa nhỏ, nhỏ giọt với sự giúp đỡ của các hãng và chuyên gia Israel ở Tân Cương – Thái Nguyên, công ty Mía đường Lam Sơn – Thanh Hoá, Trung tâm cây ăn quả tại Long Định – Tiền Giang.


Hệ thống tưới hiện đại do Chính phủ Israel tặng và lắp đặt tại trường Cao đẳng kỹ thuật Nông nghiệp Hà Tây là một mô hình hoàn chỉnh của kỹ thuật tưới tiên tiến này. Ngoài ra, còn một số hệ thống nhỏ khác được các hãng của Mỹ, Úc giúp đỡ dưới dạng quảng cáo sản phẩm lắp đặt tại Tuyên Quang, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh. Năm 2004 thành phố Hà nội đã nhập đồng bộ của hãng Netafim – Israel và lắp đặt tưới cho rau quả cao cấp tại Trung tâm rau quả, đây là hệ thống tưới hiện đại, theo chương trình đầy đủ nhất của công nghệ tưới tiết kiệm nước và Công ty Thanh Sơn (Lâm Đồng) nhập toàn bộ thiết bị tưới phun mưa cho 150 ha trồng ngô, khoai lang, cỏ của họ từ hãng Plastro Gvat (Israel).

 

Hệ thống tưới tiết kiệm nước ở mức thấp, đơn giản hơn là tưới trực tiếp vào gốc cây trồng (nhờ đường ống dẫn áp lực thấp – vòi nước mềm do công nhân điều khiển), đã được trường Đại học Thuỷ lợi thiết kế, xây dựng áp dụng trên quy mô khá rộng (hơn 200ha) vào các năm 1993  đến năm 1995 tại khu dự án Khoa học Công nghệ “phát triển hệ sinh thái nông nghiệp Phủ Quỳ – Nghệ An” trên đồi núi canh tác cây ăn quả (cam, quýt) rất khó khăn về nguồn nước, đất đai thoái hoá. ứng dụng và phát triển kết quả từ hệ thống tưới gốc dự án Phủ Quỳ – Nghệ An, một số cơ sở nghiên cứu khác đã xây dựng tiếp hệ thống tưới loại này để tưới cho các cây ăn quả, cây công nghiệp như Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả Phủ Quỳ – Nghệ An, một số nông trại canh tác cà phê ở Đăklăk, Lâm Đồng, Sơn La... và một số dự án tưới gốc cho các vườn ươm rừng ở Vĩnh Phú, Lâm Đồng, Đăklăk, Gialai... Các hệ thống này có hạn chế là độ bền, tuổi thọ chưa cao do thiết bị đường ống không được sản xuất chuyên dùng.

 

Năm 1997 Viện Khoa học Thuỷ lợi Miền nam đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước mã số 08-09 “Nghiên cứu các giải pháp công nghệ tưới hiện đại tiết kiệm nước cho các vùng khan hiếm nước”. Kết quả đã chế tạo được một số sản phẩm vòi phun mưa nhỏ bằng kim loại và bằng chất dẻo và đã tiến hành chuyển giao KHCN áp dụng thực nghiệm tưới tiết kiệm nước tại các vườn cây công nghiệp (chè, cà phê, hồ tiêu, điều), cây ăn quả (nho, nhãn), các vườn trồng hoa, vườn ươm cây giống, rau màu xuất khẩu tại các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Trị, Nghệ An... Tuy nhiên, chất lượng và tuổi thọ của các vòi phun này còn thấp so với nước ngoài.

 

Viện Khoa học Thuỷ lợi cũng đã tiến hành nghiên cứu và đạt được kết quả bước đầu trong lĩnh vực này, chế tạo, thử nghiệm một số loại thiết bị cơ bản của hệ thống như các vòi phun tự động, cầm tay, một số loại lọc nước, đường ống chính. Đưa ra các sơ đồ phù hợp và những công thức tưới tiết kiệm nước cho các loại cây trồng chính. Những kết quả này đã được áp dụng thử nghiệm qua xây dựng các mô hình ở các tỉnh miền núi Trung du phía Bắc, miền trung Tây nguyên và một số nơi ở Đồng bằng.

 

 

Mặc dù vậy, tổng kết kết quả ở các dự án nghiên cứu này cho thấy, các yếu tố như: độ bền, độ an toàn và tuổi thọ của thiết bị chưa cao, vòi hay bị tắc do trình độ công nghệ sản xuất còn thấp, chưa được sản xuất hàng loạt nên giá thành còn cao. Ngoài ra cách bố trí đường ống và mức độ quan tâm bảo vệ hệ thống chưa đươc ý thức đầy đủ nên đã dẫn đến sự xuống cấp của một số thiết bị.

 

Nhận biết được nhiều ưu điểm của kỹ thuật tưới phun mưa, nhỏ giọt so với kỹ thuật tưới truyền thống, nhiều nơi đã bắt đầu ưu tiên áp dụng công nghệ này, trước hết phải kể đến vùng đất trồng hoa, rau tại Đà Lạt – Lâm Đồng, người dân đã đầu tư các hệ thống phun mưa, nhỏ giọt, với diện tích nhỏ lẻ từ vài trăm mét vuông của các hộ nông dân đến hàng nghìn ha (công ty Hfam). Các công nghệ tưới thường được người dân trên Đà Lạt áp dụng như: Plastro Asia Pacific, NaanDan, Netaphim, Toro...,  có hãng đã có mặt tại Đà Lạt trên 10 năm, ... Bằng thiết bị đồng bộ nhập ngoại, nhà máy đường Bourbon- Tây ninh đã áp dụng công nghệ tưới trên diện tích 2000 ha theo phương pháp dàn phun di động. Trung tâm cây ăn quả Long Định- Tiền giang cũng đã xây dựng khu tưới phun mưa 6 ha cho cây ăn qủa. Tuy nhiên các chương trình nghiên cứu thử nghiệm từ trước đến nay cho thấy việc áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt trực tiếp nhập từ nước ngoài vào không hiệu quả vì giá thành cao, người dân miền núi phần lớn nghèo, kiến thức có hạn nên không có khả năng đầu tư và tiếp nhận các công nghệ đó một cách hiệu quả.

 

Hầu hết các tỉnh đều áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước, tuy nhiên ở các mức độ khá nhau, phụ thuộc vào loại cây trồng, nguồn nước, khả năng tài chính và giá thành sản phẩm.  

Tại Bình thuận, công nghệ tưới nhỏ giọt cũng đã áp dụng từ thập niên 90, đầu tiên là Trung tâm giống cây trồng áp dụng cho 1,5 ha giống cây lâm nghiệp bằng hệ thống tưới phun mưa. Năm 2004 công ty Rạng Đông đã đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống tưới phun mưa, nhỏ giọt tưới cho cho khu đồi rừng có tổng diện tích 500 ha tại khu đồi cát ven biển Mũi Né. 

 

Gần đây công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt đã được các hộ dân áp dụng cho cây Thanh Long, tuy nhiên diện tích còn nhỏ lẻ, mạnh mún. Và các đề tài nhà nước đang tập trung vào địa bàn này để áp dụng cho các trang trại trồng thanh long với diện tích lớn, đòi hỏi sản xuất tập trung

Nguồn: CWE
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác