Giải pháp cho hộ nông dân

Trang trại mẫu nuôi bò sữa Ba Vì: Mô hình tiêu biểu hợp tác DN - cơ sở nghiên cứu

Theo đánh giá của những nhà quản lý và chuyên gia, Trang trại mẫu (TTM) nuôi bò sữa và đồng cỏ quốc tế Ba Vì là một mô hình trang trại kết hợp đào tạo đầu tiên ở Việt Nam, mô hình tiêu biểu cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển chăn nuôi bò sữa, điểm nhấn để phong trào nuôi bò sữa Ba Vì và vùng phụ cận tiếp tục phát triển nhanh, mạnh và vững chắc.

TTM nuôi bò sữa và đồng cỏ quốc tế Ba Vì là công trình hợp tác giữa Công ty CP Sữa quốc tế (IDP) và Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì, thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia. Giai đoạn 1 trang trại có công suất 500 con. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng hơn 25ha, nâng lên 1.000 con, với 2 khu chuồng nuôi. TTM bao gồm khu vực chăn nuôi bò, khu vực chuẩn bị thức ăn cho bò, khu vực vắt sữa rộng rãi, thoáng mát với các trang thiết bị hiện đại (nhập khẩu từ Thụy Điển) và khu đồng cỏ mẫu đang trồng các giống cỏ tốt nhất trong khu vực.

Nỗ lực của doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Tổng Giám đốc IDP, để xây dựng thành công TTM bò sữa và đồng cỏ Quốc tế Ba Vì, các chuyên gia hàng đầu từ Công ty CP Sữa quốc tế (IDP) đã đi khảo sát nhiều nước trên thế giới như Thụy Điển, Thái Lan, Israel..., tiếp thu và học hỏi thực tế từ những mô hình trang trại lớn ở các nước, chọn lọc những yếu tố phù hợp với điều kiện giống bò, khí hậu và thiên nhiên Việt Nam. Việc xây dựng TTM này cũng được nhanh chóng hoàn tất với các tiêu chuẩn cho phép.

Trang trại sẽ giúp nông dân xây dựng mô hình nông hộ chăn nuôi bò sữa theo cách làm mới, hiệu quả; tổ chức đào tạo, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi bò sữa miễn phí cho nông dân và các cơ sở chăn nuôi bò sữa vừa và nhỏ; nhập khẩu và chọn lọc con giống tốt từ trong và ngoài nước để cung cấp bò giống cho nông dân và các cơ sở chăn nuôi; hỗ trợ đào tạo cho sinh viên, nghiên cứu sinh ngành chăn nuôi bò sữa trong vùng… Đây cũng là nơi trình diễn các hoạt động liên quan đến chăn nuôi bò sữa cho nông dân từ khâu giống, thức ăn, chăm sóc, phát triển đàn bò sữa bền vững.

                         

Được biết, trong nhiều năm qua, IDP đã tích cực đào tào chuyên môn và hỗ trợ vốn không lãi suất cho nông dân Ba Vì phát triển nghề chăn nuôi bò sữa. Gần đây nhất, tháng 11/2011, IDP thực hiện cho dân vay 20 triệu VNĐ/con bò, thu hồi trong vòng 18 tháng. Đồng thời, IDP còn hỗ trợ nông dân mỗi hộ 3 triệu đồng mua thùng, xô, chậu inox và khăn lau, khăn lọc sữa; 10 triệu đồng mua máy vắt sữa; 3 triệu đồng xây hố phân xa chuồng... Tất cả số tiền cho vay đều không tính lãi và sẽ được thu hồi dần qua sản phẩm sữa nông dân thu được. Bên cạnh đó, IDP vẫn thường xuyên mở các lớp học miễn phí dành cho nông dân. Theo đó, mỗi hộ gia đình đều được thay phiên nhau dự lớp đào tạo kỹ thuật, sau khi học xong được cấp chứng chỉ và tặng 500.000 đồng tiền lệ phí đi lại, ăn trưa và tài liệu học.

Tâm huyết của cơ sở nghiên cứu

Ông Nguyễn Văn Bưởi, nông dân đã có nhiều năm chăn nuôi bò sữa tại xã Yên Bài, Ba Vì, vui mừng chia sẻ: “Bò sữa là thế mạnh kinh tế của xã. Chúng tôi rất vui mừng vì có TTM bò sữa và đồng cỏ Quốc tế Ba Vì trên quê hương mình để có thể tiếp thu các kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi bò sữa mới nhất, từ đó gia tăng đàn bò trong từng gia đình nông dân, bảo đảm bò khỏe, sữa tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Ông Hoàng Văn Tiệu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, cho biết trong thời gian qua, Viện Chăn nuôi, đại diện là Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì đã có sự phối kết hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo, huấn luyện và phát triển chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì và vùng lân cận. Những kết quả của nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước được Viện phối hợp với IDP đưa vào áp dụng như: giống cỏ chất lượng tốt, công nghệ chế biến dự trữ thức ăn thô xanh, những “nguyên tắc vàng” để quản lý thức ăn; stress nhiệt và biện pháp phòng chống, quản lý sinh sản hiệu quả, chăn nuôi bò sữa quy mô nhỏ ở Việt Nam và nguy cơ ô nhiễm môi trường… Đồng thời, theo yêu cầu và lịch trình, Viện đã cử những chuyên gia, cán bộ nghiên cứu đến trực tiếp giảng dạy tại cơ sở huấn luyện của IDP…

Ts. Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia nông nghiệp, người bạn thân thiết của nông dân, tâm đắc: “Đây là việc kết hợp thành công giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học, là nơi duy nhất có trung tâm đào tạo miễn phí cho nông dân”.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trong quy hoạch phát triển nông nghiệp của Hà Nội từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, việc phát triển bò (thịt và sữa) là một trong những mũi phát triển chăn nuôi trọng điểm và tiến tới nâng cao chất lượng sản phẩm. Thành phố đang tích cực xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho chăn nuôi bò. TTM đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực vào phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò sữa của nông dân, tiến tới là nghề chính của nông dân theo chỉ đạo của thành phố.

Hoàng Mỹ
Nguồn: vnbusiness.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác