Định hướng phát triển ngành sữa việt nam

Quản lý ngành sữa:

(VOV) - Với cách quản lý còn lỏng lẻo, chồng chéo, không hiệu quả nên cứ kiểm tra là có sai phạm ở tất cả các khâu từ chăn nuôi, chế biến đến phân phối…

Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp sữa Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến 2020, sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm quy sữa chế biến đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước đạt mức bình quân 10 kg/người/năm vào năm 2010, 20 kg/người/năm vào năm 2020 và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, khi xem xét lại thực lực của chúng ta để đạt mục tiêu này thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Qui hoạch thì bị “vỡ”

 

Ban đầu, theo Quyết định 167 của Thủ tướng về qui hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa thì chỉ có 15 tỉnh, thành được phép nuôi. Nhưng thực tế "phong trào" nuôi bò sữa đã lan ra 33 tỉnh, trong đó có cả những địa phương không đủ điều kiện chăn nuôi: không có đồng cỏ, cũng chẳng có nhà máy chế biến sữa...

“Quy hoạch tổng thể cho vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa  ở đâu? Thực tế, mỗi tỉnh đều có quy hoạch riêng. Một số tỉnh lẽ ra không nên phát triển ngành chăn nuôi này nhưng họ vẫn xây dựng đề án phát triển để xin kinh phí. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp chăn nuôi, có tới 98% là chăn nuôi nhỏ lẻ. Khi có sự cố về dịch bệnh thì bà con nông dân bị ảnh hưởng rất lớn” – ông Lưu Văn Tân, Giám đốc phát triển Công ty sữa Friesland Campina nói.

Không chỉ người chăn nuôi bò sữa bị ảnh hưởng bởi những qui hoạch khập khiễng này, ông Tân còn đưa ra dẫn chứng đau xót của chính Công ty mình. Cách đây 7 năm, theo qui hoạch, Friesland Campina (lúc đó là Dutch Laday) đầu tư 200.000 USD xây dựng một trạm thu mua sữa ở vùng nuôi bò sữa. Thế nhưng đến nay công ty không thể thu mua nổi sữa bởi khu vực này đã trở thành một khu công nghiệp.

Còn TS Lê Đức Mạnh - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công thương) thì cho rằng, qui hoạch nuôi bò sữa cần cụ thể, rõ ràng, chứ không nên chung chung theo vùng. Nếu theo cách qui hoạch vùng thì Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình… đều có thể nuôi bò sữa hết. Thực tế, điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu không cho phép một số địa phương trong vùng nào đó nuôi bò sữa.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lưu Văn Tân cho rằng, việc qui hoạch nuôi bò sữa không phải giao cứng cho một địa phương nào đó. Vùng nuôi bò sữa có thể là một phần của Đắc Lắc, một phần của Lâm Đồng và Bình Phước. Để làm được điều này rất cần một “nhạc trưởng” đứng ra dàn xếp.

 

Chất lượng vẫn bị thả nổi

 

Theo ông Phạm Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), một số doanh nghiệp (DN) chạy theo lợi nhuận đã bán ra thị trường sản phẩm sữa kém chất lượng, thành phần không đúng với công bố. Các DN lại lập lờ trong việc ghi nhãn mác cho sản phẩm dễ gây nhầm lẫn. Trong khi đó, việc kiểm định chất lượng sữa chỉ dừng lại ở việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, một số chỉ tiêu ghi trên bao bì mà chưa kiểm tra, phân tích được chất lượng và hàm lượng các vi chất trong thành phần sữa. Các phòng thí nghiệm chưa có khả năng kiểm định đầy đủ những vi chất này. Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn về tỷ lệ các chất bổ sung vi lượng DHA, ARA trong sữa.

Bên cạnh đó, theo ông Liêm, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa ăn ý, chỉ “việc ai người nấy làm”. Cấp phép ra đời cho một DN sữa là Bộ KH - ĐT hoặc Sở KH-ĐT nhưng quản lý hoạt động của DN ấy lại là ngành Y tế. Do đó nhiều khi Bộ, ngành quản lý về an toàn thực phẩm lại không biết có sự tồn tại của DN. Quy định của các Bộ, ngành liên quan về hình thức xem ra rất chặt chẽ nhưng thực chất rất lỏng lẻo. Theo quy định, các cơ sở sản xuất phải tự công bố chất lượng sản phẩm và đăng ký chất lượng tại cơ quan quản lý Nhà nước, tự kê khai điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh để được cấp phép… Các cơ quan quản lý sau khi duyệt bản công bố chất lượng thì coi như xong, không có sự kiểm tra giám sát. DN muốn làm gì thì làm, cho nên cứ kiểm tra là có sai phạm.

“Phương thức quản lý chỉ dựa vào sự tự giác của nhà sản xuất dường như không phù hợp” – ông Liêm nói.

Trong khi đó những sai phạm của DN khi bị xử phạt lại quá nhẹ do với lợi nhuận mà DN thu được. Công tác thanh tra hậu kiểm đối với mặt hàng sữa hầu như chưa được thực hiện.

 

Không kiểm soát nổi thị trường

 

Thị trường sữa Việt Nam có trên 300 loại sữa do các công ty trong nước sản xuất và nhập khẩu. Các loại sữa có giá bán đắt nhất và được tiêu thụ mạnh nhất là sữa cho trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ mang thai.

Trên thị trường luôn có sự chênh lệch lớn về giá bán sữa nhập khẩu với sữa sản xuất trong nước (sữa có cùng trọng lượng nhưng giá chênh nhau khoảng 2-3 lần).

Ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng truyền thông đối ngoại (Công ty TNHH Nestlé Việt Nam) đưa ra một dẫn chứng để chứng minh chính tâm lý người tiêu dùng đã tự hại mình.

Cùng là sản phẩm của Nestle, Lactogen (hộp giấy) trọng lượng 400g có giá 52.000 đồng và sữa Nan (hộp sắt) cao cấp hơn một chút, với cùng trọng lượng có giá 120.000 – 130.000 đồng/hộp. Cả hai sản phẩm này đều được nhập khẩu từ Philippines. “Với dòng sản phẩm cao cấp Nestle tăng giá đều mà vẫn tiêu thụ mạnh, còn với dòng bình dân thì không hiểu sao giá giữ nguyên mà vẫn không bán được” – ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng đưa ra một hình ảnh ví von: “Người Việt Nam nghèo nhưng lại thích xài xe Mercedes”.

Sữa bột là phân khúc thị trường canh tranh khốc liệt nhất, thể hiện qua việc các công ty sản xuất sữa bột trong và ngoài nước liên tục tung ra các sản phẩm mới, bổ sung các vi chất dinh dưỡng, nhắm tới nhiều nhóm tuổi khác nhau. Bốn nghịch lý của giá sữa vẫn đang tồn tại là giá sữa thế giới và sữa nguyên liệu nhập khẩu giảm, thuế nhập khẩu giảm nhưng giá sữa trong nước không những không giảm mà còn tiếp tục tăng, sữa ngoại đắt hơn rất nhiều so với sữa nội và giá sữa Việt Nam đắt hơn so với các nước khác.

Năm 2009, mặc dù giá nguyên liệu sữa bột nhập khẩu trên thị trường thế giới đã giảm (khoảng 13,8 – 43%) nhưng các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mức giá cao tăng từ năm 2008, thậm chí có doanh nghiệp tiếp tục tăng giá. Điều này được các nhà sản xuất giải thích là giá nguyên liệu có giảm nhưng vẫn ở mức cao, chưa bằng giá của năm 2007 và tỉ giá ngoại tệ và đồng Việt Nam liên tục bị trượt giá nên buộc phải tăng giá sản phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Việt Nam, đặc biệt là các em nhỏ ở những vùng khó khăn không có điều kiện uống sữa./.

Nguồn: tintuc.xalo.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác