Định hướng phát triển ngành sữa việt nam

Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển bò sữa thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015

Phát triển chăn nuôi bò sữa gắn với việc áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước công nghiệp hoá và hiện đại hoá, hợp tác hỗ trợ chăn nuôi nông hộ và các hình thức chăn nuôi khác cùng phát triển hướng tới phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp. Khai thác tối đa tiềm năng bò sữa, giảm tối đa các chi phí trung gian trong chăn nuôi bò sữa.

I. MỘT SỐ DỰ BÁO TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BÒ SỮA TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

 

1. Những mặt thuận lợi

 

       Đến năm 2015, ngành sữa Việt Nam đáp ứng 38% nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhu cầu tiêu thụ sữa bình quân đầu người là 21 lít/người/năm.

       Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020; Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 về phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020.

       Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3399/QĐ-BCT, ngày 28/06/2010 về Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

       Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, trong đó có chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn 2010 – 2015, tập trung đẩy nhanh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

       Đa số người chăn nuôi bò sữa được trang bị kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, đáp ứng các yêu cầu phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững.

       Có hệ thống thu mua sữa tươi nguyên liệu đáp ứng với nhu cầu phát triển chăn nuôi và đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Những khó khăn

 

       Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh; lao động trong nông nghiệp giảm dần; quy mô chăn nuôi nhỏ, phân tán, tận dụng còn chiếm tỷ lệ cao.

       Diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; tình hình dịch bệnh LMLM tại các địa phương chưa được kiểm soát tốt, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đang là đòi hỏi bức xúc của người tiêu dùng.

       Trình độ quản lý, khoa học công nghệ và trang thiết bị chăn nuôi, thú y, chế biến thực phẩm nhìn chung còn lạc hậu; hệ thống tổ chức và năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được với phát triển và hội nhập; năng suất vật nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao; các đầu tư trực tiếp cho sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa nhiều; giá cả các loại nguyên nhiên vật liệu, sản xuất thức ăn gia súc còn lệ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành nông sản và hiệu quả sản xuất của nông dân.

       Trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp dự báo sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

 

1. Quan điểm phát triển

 

       Không tăng tổng đàn bò sữa, nhưng khuyến khích tăng quy mô chăn nuôi; phát triển chăn nuôi bò sữa gắn với bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng, lợi nhuận, giảm dần nông hộ quy mô nhỏ, chăn nuôi trang trại và công nghiệp có xu thế phát triển nhanh, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

       Tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm cung cấp giống bò sữa cao sản, liên kết các tỉnh trong khu vực và cả nước, quy hoạch những vùng chăn nuôi tập trung và ổn định lâu dài, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người dân thành phố.

       Phát triển chăn nuôi bò sữa gắn với việc áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước công nghiệp hoá và hiện đại hoá, hợp tác hỗ trợ chăn nuôi nông hộ và các hình thức chăn nuôi khác cùng phát triển hướng tới phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp. Khai thác tối đa tiềm năng bò sữa, giảm tối đa các chi phí trung gian trong chăn nuôi bò sữa.

       Nâng cao hiệu quả, khả năng kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi bò sữa. Đồng thời xây dựng các chuỗi sản phẩm sữa từ chuồng nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó các khâu của quá trình sản xuất đều được kiểm soát nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Mục tiêu tổng quát

 

         Tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng giống, chất lượng sữa phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới tại thành phố.

       Khuyến khích giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng quy mô chăn nuôi theo hướng phát triển thành các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, an toàn sinh học; đẩy mạnh các hình thức hợp tác trong chăn nuôi bò sữa.

       Chủ động phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch tễ đàn bò sữa; mở rộng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; nâng cao tỷ lệ chủ động kiểm tra chất lượng và vệ sinh sữa tại nông hộ.

       Nâng cao tỷ lệ sử dụng biogas, cơ giới hóa (sử dụng máy vắt sữa, máy băm thái cỏ...), để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm sử dụng lao động và tăng hiệu quả chăn nuôi bò sữa; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa.

 

       Xây dựng các hình thức tập huấn, các mô hình khuyến nông đồng bộ và thật sự có hiệu quả; nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác giống, khuyến nông, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của ngành chăn nuôi bò sữa.

3. Mục tiêu đến năm cụ thể

 

       Duy trì đàn bò sữa đến năm 2015 là 80.000 con, trong đó cái vắt sữa đạt 45.000 con; sản lượng sữa tươi đạt 292.500 tấn (tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011 – 2015 là 4,2%); diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa đạt 5.000 ha.

       Xây dựng vùng chăn nuôi theo hướng GAHP; phương thức chăn nuôi trên địa bàn thành phố đến 2015 đạt dưới 50% số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình trên tổng hộ chăn nuôi bò sữa.

       Ứng dụng quản lý giống bò sữa theo các chương trình quản lý giống tiên tiến như đánh giá tiến bộ di truyền theo phương pháp BLUP và chương trình cải thiện đàn bò theo phương pháp DHI.

       Tăng tỷ lệ tiêm phòng các bệnh bắt buộc lên 100% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Tăng cường khả năng kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh nguy hiểm, trong đó khống chế được bệnh lở mồm long móng, lao, Brucellosis, Leptospirosis và ký sinh trùng đường máu trên bò sữa; tỷ lệ viêm vú tiềm ẩn trên đàn bò sữa không vượt quá 15% vào năm 2015.

       Đến năm 2015, giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đưa số gia trại, trang trại có hệ thống xử lý chất thải chiếm 65 - 67% năm 2015; tỷ lệ sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) trong chăn nuôi bò sữa lên 20- 25%; tỷ lệ cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa đạt 30 - 35%. 

4. Giải pháp thực hiện

 

         Tập trung xây dựng các chương trình, đề án trong giai đoạn 2011 - 2015:

       - Chương trình giống cây trồng – vật nuôi chất lượng cao, trong đó có sử dụng công nghệ sinh học.

       - Chương trình Thú y phục vụ bò sữa.

       - Hoạt động khuyến nông phục vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngành chăn nuôi bò sữa và phát triển đồng cỏ cao sản.

       - Đầu tư nghiên cứu sản xuất và cải tiến các trang thiết bị thay thế hàng ngoại nhập để phục vụ chăn nuôi bò sữa.

       - Xây dựng và đưa vào sử dụng dự án đầu tư trại bò sữa công nghệ cao Israel (DDEF).

       - Chương trình cải thiện đàn bò theo phương pháp DHI.

       - Xây dựng các mô hình sản xuất và cung cấp thức ăn hỗn hợp thô xanh hoàn chỉnh chất lượng cao TMR cho các hộ chăn nuôi bò sữa.

          - Chương trình củng cố và phát triển kinh tế hợp tác xã và trang trại, vấn đề quản lý trang trại chăn nuôi bò sữa.

Nguồn: sonongnghiep.hochiminhcity.gov.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác