Các tỉnh phát triển ngành sữa

Giấc mơ “cao nguyên trắng”

(Dairy Vietnam) Sau cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), Lâm Đồng được xác định có tiềm năng chăn nuôi bò sữa ở phía Nam. Vùng đất bằng phẳng, màu mỡ hàng ngàn hécta vùng Đơn Dương, Đức Trọng ngay từ những năm 1970 đã được quy hoạch phát triển đàn bò sữa. Tuy nhiên, sau mấy chục năm thăng trầm, đến nay, dòng sữa trắng trên cao nguyên này mới được khơi thông.

 

  • “Cô bò đội mũ len đỏ”

Từ ngã ba Bồng Lai (huyện Đức Trọng) đến xã Tu Tra (huyện Đơn Dương), đường nhựa mới trải, hai bên là nhà của nông dân, công nhân Nông trường bò sữa, rồi đến bạt ngàn màu xanh của cà phê, bắp, khoai, rau, đậu… và đồng cỏ. 

Những dãy chuồng trại sạch sẽ, những con bò được đeo số ở tai ngóng đợi thức ăn tới. Chiếc ô tô chạy giữa 2 dãy chuồng, thức ăn tươi là cỏ, bắp, cám đã băm, trộn được rải đều. Anh Hải, trưởng phòng chăn nuôi cho biết. Hiện trại có khoảng 300ha nguyên liệu làm thức ăn cho bò, chủ yếu là cỏ voi và bắp. Cỏ voi cho đàn bò tơ, bắp non ngậm sữa (75 ngày) cho bò vắt sữa; có 750 con bò, trong đó có 200 con đang cho sữa. Mỗi ngày cho khoảng 4 tấn sữa. Các khâu sản xuất đều cơ giới hóa. Từ khâu làm đất, trồng cỏ, cắt cỏ, băm cỏ, trộn cám, cho ăn, đến vắt sữa đều bằng máy, đảm bảo năng suất và vệ sinh. Công nhân chỉ có 30 người.

Theo chị Tống Thị Thương, phụ trách kỹ thuật, ở đây khí hậu mát mẻ, rất thích hợp với chăn nuôi bò sữa. Nguồn thức ăn phong phú, cỏ, bắp đủ bò ăn quanh năm. Thức ăn tươi, ủ chua, trộn cám, men tiêu hóa, đầy đủ chất dinh dưỡng, nên chất lượng sữa rất tốt, bảo đảm độ đạm, béo, khoáng chất. 

Cơ giới hóa các khâu chăn nuôi bò ở Công ty Dalatmilk.

 

Dây chuyền nhà máy chế biến sữa nhập khẩu từ Hà Lan và dây chuyền đóng gói từ Nhật, rất hiện đại. Quản đốc Lữ Trường Sơn, cho biết dây chuyền sản xuất tự động, công nhân chỉ việc nhìn bảng điều khiển, bấm nút, rồi đưa sản phẩm vào kho lạnh. Vì thế chỉ cần 15 công nhân. Nhà máy có công suất thiết kế 48 tấn/ngày, nhưng hiện giờ mới chạy khoảng 1/3 công suất. Sữa bò tươi sau khi vắt được chuyển ngay về nhà máy, trong điều kiện lạnh và vệ sinh tuyệt đối. Sữa được thanh trùng ở nhiệt độ thấp nên giữ được hầu như toàn bộ các vitamin, khoáng chất quan trọng trong sữa nguyên thủy. Chỉ mới 2 năm, nhưng sữa Đà Lạt nhãn hiệu cô bò đội mũ len đỏ, đặc trưng xứ lạnh Đà Lạt đã khá quen thuộc với người tiêu dùng.

 

  • Hiện thực giấc mơ cao nguyên trắng

Anh Lê Quang Trung, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết hiện giờ đàn bò trên địa bàn huyện đã lên đến khoảng 4.450 con, so với 10 năm trước, tăng đến 4.000 con. Trong đó, 3 công ty (Dalatmilk, Vinamilk, Agrivina) gần 1.900 con, còn lại trên 2.550 con của các hộ dân. Đàn bò trong dân tập trung ở các xã Tu Tra, Đạ Ròn, có đến 85% số hộ dân vùng này nuôi bò sữa, bởi đây là địa bàn của Nông trường bò sữa trước đây, nhiều hộ dân vốn là công nhân nông trường. Bình quân mỗi hộ gia đình nuôi 5 - 6 con, nhiều hộ nuôi 10 - 15 con.

Hiện nay, huyện có 3 HTX chăn nuôi bò sữa ở Tu Tra, Đạ Ròn và Quảng Lập. Các công ty đã đặt 5 trạm thu mua sữa ở các xã này. Các chương trình khuyến nông của tỉnh cùng với các công ty sữa trên địa bàn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn mua bò giống, máy vắt sữa, tạo điều kiện phát triển đàn bò và nâng cao chất lượng sữa. Hiện các hộ đều có chuồng trại bảo đảm, 90% số hộ có máy vắt sữa, máy xay cỏ… 

Anh Tiến ở xã Đạ Ròn, nhà có 6 con bò, 3 con đang cho sữa, cho biết, mấy năm nay, sữa bán khá ổn định gần 11.000 đồng/lít, có thể bán cho Công ty Dalatmilk hoặc Vinamilk, bao nhiêu cũng hết, miễn bảo đảm chất lượng, đảm bảo vệ sinh, độ đạm, đường, bột. Phẩm cấp, chất lượng được đánh giá tại chỗ, chất lượng cao hơn được thưởng. Mua bán sòng phẳng, không có chuyện ép cấp, ép giá như trước đây. Giá sữa ổn định thế này nuôi bò khá hơn trồng rau.

Theo Nguyễn Đắc Cường, Phó Tổng giám đốc Dalatmilk, công ty hoàn toàn chủ động được nguồn sữa tươi tại chỗ, chất lượng cao, là nhờ nguồn sữa nguyên liệu từ hàng trăm hộ nuôi bò trong vùng. Liên kết nhà nông - doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã đem lại lợi ích cho cả hai. Giấc mơ về một “cao nguyên trắng” ở Tây Nguyên đang được những người nông dân, công nhân ở đây hiện thực hóa. 

BÌNH NGUYÊN

Nguồn: sggp.org.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác