Thức ăn cho bò sữa

Tiềm năng và đặc điểm thức ăn gia súc Việt Nam

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm, chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của chế độ gió mùa châu á, có sắc thái đa dạng với một mùa lạnh ở phía Bắc (từ đèo Hải Vân trở ra) và khí hậu kiểu Nam á (Tây Nguyên, Nam Bộ) cũng như với khí hậu có tính chuyển tiếp ở vùng ven biển Trung Bộ (từ đèo Hải Vân trở vào).

Nước ta có tiềm năng về thời gian chiếu sáng và lượng mưa dồi dào và phân bố tương đối đều ở các vùng trong nước. Với số giờ nắng cao, tổng lượng bức xạ lớn, "tài nguyên nhiệt" trên phạm vi cả nước được xem là loại giàu và là nguồn năng lượng tự nhiên quan trọng bậc nhất đối với cây trồng. Khí hậu nông nghiệp nước ta có thể chia thành 2 miền Nam -Bắc với 7 vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau. Phía Bắc thuộc miền khí hậu nhiệt đới, có mùa đông lạnh có thể chia thành 3 vùng theo 3 đới khí hậu: Vùng núi cao trên 500m, vùng đồi núi thấp dưới 500m, và vùng đồng bằng. Vùng đồng bằng có tổng nhiệt độ năm dưới 9000oC, thời gian nhiệt độ dưới 20oC kéo dài 3-4 tháng, thời gian khô hạn 15-30 ngày. Thành phần cây trồng phong phú, trong mùa đông một số cây cỏ ngừng phát triển. Phiá Nam (từ đèo Hải Vân trở vào) thuộc miền khí hậu nhiệt đới điển hình, không có mùa đông, cũng có thể chia làm 3 vùng sinh thái theo 3 đới khí hậu: vùng cao trên 500 m, vùng đồi núi thấp dưới 500m và vùng đồng bằng. Vùng đồng bằng có tổng nhiệt năm trên 9000oC, thời gian khô hạn 3-4 tháng. Thành phần cây trồng nhiệt đới phong phú. Trong điều kiện có đủ nước, cây nông nghiệp phát triển xanh tốt quanh năm.

2.Nguồn thức ăn gia súc Việt Nam
Trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại nhiều hệ thống canh tác đa dạng, cho nên nguồn thức ăn gia súc cũng rất phong phú. Hệ thống canh tác lúa nước và hệ thống canh tác cây trồng cạn là 2 hệ thống chính sản xuất các nguồn thức ăn giàu tinh bột. Với trên 30 triệu tấn thóc từ hệ thống canh tác cây lúa nước, hàng năm đã có gần 4,5 triệu tấn cám và tấm vốn là nguồn thức ăn năng lượng cổ truyền cung cấp cho đàn lợn và gia cầm. Hệ thống canh tác cây trồng cạn trồng các loại hoa màu như ngô, sắn, khoai lang, khoai sọ, kê,...Ngô là loại cây trồng lâu đời hiện có nhiều khả năng về mở rộng diện tích gieo trồng và tăng năng suất. Đầu thế kỷ 20 các nước Đông Dương đã từng xuất khẩu ngô qua Pháp làm thức ăn gia súc, thời gian 10 năm qua diện tích trồng ngô tăng gần gấp 2 lần, hiện đã đạt xấp xỉ 700.000 ha. Việc sử dụng rộng rãi các giống ngô lai, với 6 vùng ngô tập trung, cùng với sắn và khoai lang, chăn nuôi sẽ có cơ sở thức ăn mới khả dĩ tạo được bước ngoặt chuyển từ chăn nuôi tự túc sang chăn nuôi hàng hoá. Hệ thống canh tác cây trồng cạn, không chỉ sản xuất nguồn thức ăn giàu tinh bột mà còn sản xuất đậu đỗ, đậu tương, lạc, vừng, bông. Hạt cây có dầu ngắn ngày là nguồn thức ăn giàu protein đa dạng của chăn nuôi. Hệ thống canh tác cây công nghiệp dài ngày có liên quan đến nguồn thức ăn giàu protein còn có dừa và cao su. Việt Nam hiện đã có 500.000 ha trồng dừa và trên 400.000 ha cao su (Niên giám thống kê, 2000).

Trong hệ thống canh tác cây công nghiệp còn phải đề cập đến cây mía. Cây mía đã từng trồng ở Việt Nam từ lâu đời, hiện nay sản xuất mía đường đang được khuyến khích phát triển. Các vùng trồng mía tập trung ở Duyên hải miền Trung, miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long sẽ là chỗ dựa lớn của chăn nuôi về thức ăn thô xanh và rỉ đường.

Hệ thống canh tác vườn ao có năng suất rất cao, tạo ra nguồn rau xanh đủ loại thích hợp với mọi mùa vụ. Việt Nam có 1 triệu km2 lãnh hải, 314.000 ha mặt nước và 56.000 ha đầm hồ. Với tài nguyên mặt nước như vậy, chăn nuôi lại có thêm nguồn thức ăn dạng thực vật thủysinh trong đó đáng giá nhất là nguồn thức ăn protein động vật. Để vượt qua sự hạn chế về đất, người nông dân Việt Nam cần cù và sáng tạo đã tích luỹ được nhiều kỹ thuật phong phú về tăng vụ, gối vụ, trồng xen. Do kết quả của quá trình lao động và sáng tạo này mà vừa tăng được nguồn lương thực, thực phẩm cho người vừa tạo cho chăn nuôi nhiều nguồn lớn về phụ phẩm làm thức ăn gia súc. Ước tính hàng năm có 25 triệu tấn rơm và gần 10 triệu tấn thân cây ngô già, ngọn mía, dây lang, dây lạc, cây đậu tương.v.v. Với việc mở rộng các nhà máy chế biến hoa quả, sẽ lại có thêm nguồn phụ phẩm lớn làm thức ăn gia súc có giá trị như bã dứa, bã cam chanh... Thiên nhiên Việt Nam thuận lợi cho việc sản xuất thức ăn gia súc, nhưng hình như bao giờ cũng vậy, cùng với thuận lợi đồng thời cũng có những khó khăn phải khắc phục ở công đoạn sau thu hoạch và bảo quản. Khai thác và sử dụng có hiệu quả cao các sản phẩm chính và các sản phẩm phụ của hệ thống canh tác đa dạng nói trên là nhiệm vụ to lớn của những người làm công tác nghiên cứu cũng như những người làm công tác quản lý. Việt Nam không có những cánh đồng cỏ bát ngát và tương đối bằng phẳng như các nước khác. Cỏ tự nhiên mọc trên các trảng cỏ ở trung du và miền núi, còn ở đồng bằng cỏ mọc ở ven đê, ven bãi các con sông lớn, dọc bờ ruộng, đường đi và trong các ruộng màu. Các trảng cỏ tự nhiên vốn hình thành từ đất rừng do kết quả của quá trình lâu dài khai thác không hợp lý đất đồi núi (thói quen đốt nương làm rẫy). Có tài liệu cho biết, đất có trảng cỏ Việt Nam ước tính 5.026.400 ha. Một đặc điểm lớn trên các trảng cỏ và bãi cỏ tự nhiên là rất hiếm cỏ họ đậu, chỉ có hoà thảo thân bò, tầm thấp chiếm vị trí độc tôn.

Lượng dự trữ chất hữu cơ trong đất thấp, các trảng cỏ dốc ở các độ dốc khác nhau, lại bị rửa trôi mạnh nên năng suất cỏ tự nhiên thấp.

Qui luật chung là đầu vụ mưa cỏ tự nhiên phát triển mạnh nhưng rồi chóng ra hoa và đến cuối vụ mưa, phát triển chậm và ngừng phát triển trong vụ khô hanh.

Trảng cỏ tự nhiên ở trung du miền núi chưa được tận dụng hết vì liên quan đến độ dốc, nguồn nước cho gia súc uống, phân bố dân cư thưa (35 người/km2) trái lại vùng đồng bằng (635 người/km2), cỏ tự nhiên được tận dụng triệt để bằng biện pháp vừa chăn thả vừa thu cắt cho ăn tại chuồng.

Do có ưu thế về điều kiện khí hậu mà cỏ trồng có tiềm năng năng suất cao, nhất là đối với cỏ voi và cỏ ghi-nê. Có những hộ chăn nuôi bò sữa trồng cỏ voi thâm canh, một năm thu hoạch 9-10 lứa với tổng lượng sinh khối trên 300 tấn /ha.

Do đất canh tác rất hạn hẹp (bình quân diện tích đất trên đầu người Việt Nam đứng thứ 128 trong tổng số gần 200 nước trên thế giới), phụ phẩm làm thức ăn gia súc phong phú, quy mô chăn nuôi còn nhỏ, cho nên diện tích cỏ trồng không đáng kể, chủ yếu phân bố lẻ tẻ ở các vành đai chăn nuôi bò sữa.

Đối với nhiều nước nguồn thức ăn phốt pho dễ tiêu thường đắt tiền. Việt Nam có trữ lượng lớn về phân lân. Đã có những đề án xây dựng cơ sở sản xuất phốt phát khử flo làm thức ăn gia súc không những đủ tiêu dùng trong nước mà còn thừa để trao đổi với các nước khác.Có thể nói nước ta cótiềm năng lớn về nguồn phốt phát và nguồn can xi cho gia súc.

3.Đặc điểm thành phần dinh dưỡng của một số nhóm thứcăn chính
3.1Thức ăn thực vật
3.1.1Thức ăn xanh
Bao gồm các loại cỏ xanh, thân lá, ngọn non của các loại cây bụi, cây gỗ được sử dụng trong chăn nuôi. Thức ăn xanh chứa 60 - 85% nước, đôi khi cao hơn. Chất khô trong thức ăn xanh có hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết cho động vật và dễ tiêu hoá. Gia súc nhai lại có thể tiêu hoá trên 70% các chất hữu cơ trong thức ăn xanh. Thức ăn xanh chứa hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết cho gia súc. Chúng chứa protein dễ tiêu hoá, giầu vitamin, khoáng đa lượng, vi lượng ngoài ra còn chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học cao.

Thành phần dinh dưỡng của thức ăn xanh phụ thuộc vào giống cây trồng, điều kiện khí hậu, đất đai, kỹ thuật canh tác, giai đoạn sinh trưởng... Cây được bón nhiều phân nhất là phân đạm thì hàm lượng protein thường cao, nhưng chất lượng protein giảm vì làm tăng nitơ phi protein như nitrat, amit.

Nhìn chung thức ăn xanh ở nước ta rất phong phú và đa dạng, nhưng hầu hết chỉ sinh trưởng vào mùa mưa, còn mùa đông và mùa khô thường thiếu nghiêm trọng.

3.1.1.1Rau, bèo
Là những cây thức ăn xanh sống trong môi trường nước. Các loại rau bèo thường gặp là: rau muống, rau lấp, bèo cái, bèo tấm, bèo dâu, các loại rong, tảo... đặc điểm chung của rau bèo là hàm lượng chất khô thấp (6 - 10%) nên giá trị năng lượng thấp. Tuy nhiên trong chất khô của loại thức ăn này lại tương đối giàu protein thô (16 -17%) giàu khoáng đa lượng và vi lượng (10 - 15%). Xét về hàm lượng axitamin, rau bèo đáp ứng được nhu cầu của lợn và gia cầm về histidin, izoleuxin, tryptophan và hơi dư thừa acginin, treonin, lơxin, phenyalanin và tyroxin nhưng lại thiếu methionin. Lizin trong rau bèo tương đối giàu, chiếm khoảng 4 - 6% protein thô. Các nguyên tố khoáng có nhiều trong rau bèo là: canxi (2,8 - 5%); kali (3 - 5%), nhưng thiếu đồng (Cu) (2,3 - 29,5 mg/kg).

Nhược điểm cơ bản của rau bèo là dễ gây nhiễm bệnh ký sinh trùng đường ruột cho gia súc.

- Rau muống: sinh trưởng nhanh trong mùa mưa, kém chịu lạnh, được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi( nhất là chăn nuôi lợn) trong điều kiện thuận lợi về thời tiết, đủ phân, rau muống có năng suất và chất lượng cao. Hàm lượng chất khô ở rau muống trung bình 100g/kg rau tươi. Trong 1kg chất khô có 2450- 2500 kcal (10,3-10,5 MJ) năng lượng trao đổi; 170-250g protein thô, 130-200 g đường, 100-115g khoáng tổng số... nên gia súc rất thích ăn. Có hai giống rau muống chính: trắng và đỏ. Rau muống trắng có thể trồng cạn và gieo bằng hạt. Giá trị dinh dưỡng của rau muống đỏ cao hơn rau muống trắng.

- Rau lấp: trồng ở đất nhiều bùn, sinh trưởng nhanh trong điều kiện lạnh (10-20 oC) có khả năng chịu đựng được sương giá. Rau lấp là thức ăn chủ yếu của lợn và ngỗng trong vụ đông. Giá trị dinh dưỡng của rau lấp tương tự như rau muống nhưng chất khô thấp hơn (83g/kg thức ăn) protein thô cũng thấp (140-170 g/kg chất khô). ở các tỉnh phía Bắc, rau lấp (vụ đông) cùng với rau muống (vụ hè) tạo nên cơ cấu cây thức ăn xanh quanh năm cho lợn ở vùng trung du và đồng bằng.

- Bèo dâu: sinh trưởng tốt trong vụ đông, vừa là nguồn thức ăn gia súc, vừa là nguồn phân xanh quý. Trong điều kiện thâm canh, mỗi hecta bèo mỗi tháng cho 21-34 tấn chất xanh tương đương 1,9-2,9 tấn chất khô và 331- 838kg protein thô (tính bình quân trong bốn tháng vụ đông). Do hàm lượng nước của bèo chiếm tới 90% cho nên cứ 10 -12 kg bèo dâu tươi mới thu được 1 kg bột bèo khô. Bột bèo khô có hàm lượng protein thô biến động từ 19-26 % (tính theo vật chất khô) hàm lượng protein của bột bèo dâu không thua kém bột cỏ alfalfa, ngoài ra hàm lượng xơ còn thấp hơn. Tuỳ theo kỹ thuật phơi sấy hàm lượng caroten của bột bèo dâu đạt từ 90-200 mg trong 1 kg bột. Hàm lượng xantofil cũng đạt mức 155-183 mg/kg bột. Do giàu prôtein, carôten và hàm lượng xơ thấp, bột bèo dâu thuộc loại bột xanh đạt cấp I theo tiêu chuẩn của Anh. Bèo dâu chứa rất nhiều loại nguyên tố khoáng như canxi, phốt pho, kali, natri, magie, lưu huỳnh, clo, silic, nhôm, sắt, mangan, đồng, kẽm, đáng lưu ý là hàm lượng mangan và kẽm rất cao (Mn: 66 - 2944 ppm; Zn: 26 - 899 ppm). Hàm lượng lizin và methionin của bèo dâu không thua kém đậu tương (tính theo hàm lượng protein) và cao hơn cỏ alfalfa.

Người ta đã dùng bột bèo dâu nuôi gà (5% khẩu phần) đã làm tăng tỷ lệ đẻ, tăng tỷ lệ ấp nở, giảm tỷ lệ chết phôi. Bèo dâu tươi dùng nuôi lợn và vịt cũng cho kết quả tốt, tuy nhiên cần lưu ý hạn chế ảnh hưởng xấu nếu dư lượng thuốc trừ sâu quá cao.

- Bèo tấm cánh nhỏ: Sinh trưởng một cách tự nhiên vào mùa hè, sống trôi nổi trên mặt nước ao hay ruộng. Bèo tấm giầu protein (180 - 190 g/kg chất khô), ít xơ... bởi vậy thường được tận dụng để chăn nuôi lợn, vịt, ngỗng... Bèo tấm tồn tại tự nhiên như một cây dại.

- Bèo tây: Cũng như bèo tấm, nó tồn tại tự nhiên ở các mặt nước ao, hồ, đầm. Bèo tây có lá to vươn cao trên mặt nước, đồng thời cũng có bộ rễ khá phát triển. Bèo tây có chất khô thấp (6 - 7%) nhiều xơ (trên 200 gam/kg chất khô), giầu khoáng 180 - 190 g/kg chất khô và giá trị năng lượng thấp (1800 - 1900 kcal/kg chất khô, hay 7,6 - 8,0 MJ/kg chất khô). Bèo tây thường được tận dụng làm thức ăn xanh cho lợn khi thức ăn khan hiếm.

3.1.1.2Cỏ hoà thảo
Khí hậu nhiệt đới gió mùa của nước ta ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sinh trưởng phát triển của cỏ hoà thảo. Hầu hết cỏ hoà thảo đều sinh trưởng nhanh vào mùa hè, ra hoa kết quả vào vụ thu và gần như dừng sinh trưởng vào mùa đông. Đến mùa xuân cỏ hoà thảo lại phát triển nhanh và cho nhiều lá. Cỏ hoà thảo có ưu điểm là sinh trưởng nhanh, năng suất cao nhưng nhược điểm cơ bản là hàm lượng xơ cũng tăng nhanh khi cây cỏ già, do đó giá trị dinh dưỡng theo đó cũng giảm nhanh.

Lượng protein thô tính trong chất khô của cỏ hoà thảo ở nước ta trung bình 9,8% (75-145g/kg chất khô) tương tự với giá trị trung bình của cỏ hoà thảo ở nhiệt đới. Hàm lượng xơ khá cao (269 - 372 g/kg chất khô). Khoáng đa lượng và vi lượng ở cỏ hoà thảo đều thấp đặc biệt là nghèo canxi và phốt pho. Trong 1kg chất khô, lượng khoáng trung bình ở cỏ hoà thảo là Ca: 4.7 ? 0.4 g, P: 2.6 ? 0.1 g; Mg: 2.0 ? 0.1 g; K: 19.5 ? 0.7 g; Zn: 24 ? 1.8 mg; Mn: 110 ? 9.9 mg; Cu:8.3 ? 0.07 mg; Fe: 450 ? 45 mg.

Từ những đặc điểm trên khi sử dụng cỏ hoà thảo cần chú ý:

Cỏ hoà thảo trong vụ xuân thường nhiều nước giá trị dinh dưỡng cao cần cho ăn kết hợp thức ăn thô (rơm; cỏ khô).

Trong mùa hè (mùa sinh trưởng nhanh) cần thu hoạch đúng lứa, không để cỏ già, nhiều xơ hiệu quả chăn nuôi giảm.

Cỏ hoà thảo thường thiếu canxi và phốt pho, cần cho ăn phối hợp với các loại lá cây, đặc biệt là cây bộ đậu.

- Cỏ voi (Pennisetum purpureum): Cỏ thân đứng, là dài và nhân giống chủ yếu bằng đoạn thân hay bụi. Cỏ voi thuộc nhóm cây tổng hợp chuỗi 4 cacbon (C4) có khả năng thâm canh cao. Trong điều kiện thuận lợi có thể đạt 25 - 30 tấn chất khô trên 1 hecta trong 1 năm với 7 - 8 lứa cắt. Đôi khi có thể đạt năng suất cao hơn nếu đáp ứng đủ phân bón và nước. Hàm lượng protein thô ở cỏ voi trung bình 100 g/kg chất khô. Khi thu hoạch ở 30 ngày tuổi, hàm lượng protein thô đạt tới 127 g/kg chất khô. Lượng đường ở cỏ voi trung bình 70 - 80 g/kg chất khô. Thường thì cỏ voi thu hoạch 28 - 30 ngày tuổi làm thức ăn xanh cho lợn và thỏ; khi sử dụng cho bò có thể thu hoạch ở 40 - 45 ngày tuổi; trong trường hợp làm nguyên liệu ủ chua có thể cắt ở 50 ngày tuổi. ở Việt Nam thường sử dụng các giống cỏ voi thân mềm như cỏ voi Đài Loan, Selection I, các giống King grass.

- Cỏ ghinê: (cỏ sữa, Panicum maximum). Là giống cỏ phổ biến ở các vùng nhiệt đới, có khả năng chịu hạn tốt, thích hợp với nhiều loại đất. Cỏ ghinê có thể thu hoạch 7 - 8 lứa trong năm với năng suất từ 10 - 14 tấn chất khô/hecta. Cỏ có thể trồng để chăn thả hay thu cắt cho ăn tại chuồng. Nếu thu hoạch ở 30 ngày tuổi giá trị dinh dưỡng cao (139g protein thô 303g xơ và 1920 - 2000 kcal/kg chất khô). Cỏ ghinê nhanh ra hoa và ra hoa nhiều lần trong năm vì vậy nếu để cỏ già giá trị dinh dưỡng giảm nhanh. ở Việt Nam hiện có tập đoàn cỏ ghinê khá phong phú: dòng K280 chịu hạn tốt, dòng Likoni chịu bóng dâm vừa phải và thích hợp chăn thả, dòng I429 lá to thích hợp với chế độ thu cắt trong vườn gia đình chăn nuôi nhỏ.

- Cỏ pangola (Digitaria decumbens): cỏ thân bò lá nhỏ, ưa nóng, chịu dẫm đạp, được dùng để cắt làm cỏ khô hay chăn thả. Cỏ Pangola có thể thu cắt 5-6 lứa trong một năm với năng suất chất khô trung bình 12-15 tấn/ha/năm. Trong trường hợp làm cỏ khô có thể cắt với chu kỳ dài ngày hơn mặc dù protein có giảm đôi chút (70 - 80 g/kg chất khô) lượng xơ cao (330 - 360 g/kg chất khô) năng lượng trao đổi: 1800 Kcal hay (7.5 - 7.8 MJ) trong 1kg chất khô. Hiện nay có 2 giống pangola: giống thông thường và giống Pa-32. Giống thông thường lá nhỏ, xanh sẫm, thân mảnh được sử dụng nhiều hơn giống Pa-32.

3.1.1.3Cây bộ đậu
Điều kiện khí hậu, đất đai nhiệt đới nhìn chung ít thuận lợi cho các giống đậu đỗ ôn đới có giá trị dinh dưỡng cao. Còn các giống đậu đỗ nhiệt đới tuy thích hợp với điều kiện khí hậu nhưng năng suất và giá trị dinh dưỡng không cao. Trên đồng cỏ tự nhiên tỷ lệ đậu đỗ rất thấp chỉ chiếm 4 - 5% về số lượng loài, có nơi còn ít hơn và hầu như không đáng kể về năng suất.

Đậu đỗ thức ăn gia súc ở nước ta thường giầu protein thô, vitamin, giầu khoáng Ca, Mg, Mn, Zn, Cu, Fe nhưng ít P, K hơn cỏ hoà thảo. Tuy vậy hàm lượng protein thô ở thân lá cây đậu đỗ trung bình 167g/kg chất khô, xấp xỉ giá trị trung bình của đậu đỗ nhiệt đới, thấp hơn giá trị trung bình của đậu đỗ ôn đới (175g/kg CK).

Đậu đỗ thức ăn gia súc thường có hàm lượng chất khô 200 - 260 g/kg thức ăn, giá trị năng lượng cao hơn cỏ hoà thảo.

Ưu điểm của đậu đỗ thức ăn gia súc là khả năng cộng sinh với vi sinh vật trong nốt sần ở rễ nên có thể sử dụng được nitơ trong không khí tạo nên thức ăn giàu protein, đậu đỗ cũng giàu vitamin, giàu khoáng đa lượng và vi lượng dễ hấp thu. Nhược điểm cơ bản của đậu đỗ thức ăn gia súc là thường chứa chất ức chế men tiêu hoá hay độc tố làm cho gia súc không ăn được nhiều. Bởi vậy cần thiết phải sử dụng phối hợp với cỏ hoà thảo để nâng cao hiệu suất sử dụng thức ăn.

Hiện nay ở nước ta chưa có nhiều giống đậu đỗ thức ăn xanh, giống stylo và keo dậu được chú ý hơn cả.

- Đậu Stylo (stylosanthes): Là đậu đỗ nhiệt đới, thân thảo, chịu hạn, thích hợp với đất nghèo dinh dưỡng và chua. Stylo thường có lông và hàm lượng xơ cao nên gia súc không thích ăn tươi. Người ta thường dùng cỏ stylo phủ đất chống xói mòn. Kết hợp làm thức ăn gia súc, hàm lượng chất khô của stylo tương đối cao, trung bình 240g/kg CK chất xanh. Trong chất khô hàm lượng protein thấp(155-167g/kg CK) xơ cao (266-272g/kg) thường thì đậu stylo được gieo xen với cỏ ghinê hay pangola để chăn thả hoặc làm cỏ khô. Hiện nay có các giống Stylo-Cook (giống lâu năm) Stylo-Verano (giống 1 năm). Stylo-Verano đã phát tán tự nhiên ở một số vùng miền Nam nước ta.

- Đậu keo dậu (Leucaena leucocephala): còn có tên là bình linh (Nam Bộ), táo nhơn (Trung Bộ) hay bọ chít... keo dậu phát triển ở hầu hết các vùng sinh thái ở nước ta, nhưng nhiều ở Nam Trung Bộ, như ở Khánh Hoà. Keo dậu sinh trưởng tốt trên đất thoát nước, ít chua, có thể thích ứng với đất mặn vừa ven biển. Keo dậu chịu khô hạn rất tốt nhưng không chịu úng đặc biệt là khi còn non.

Bột keo dậu là thức ăn bổ sung caroten, vitamin, chất khoáng cho gia cầm và gia súc non. Lượng protein trong lá keo dậu khá cao (270 - 280 g/kg CK) tỷ lệ xơ thấp (155 g/kg CK) và hàm lượng caroten khá cao (200 mg). Keo dậu có chứa độc tố mimosine nên chỉ sử dụng dưới 25% trong khẩu phần gia súc nhai lại, dưới 10% đối với lợn và dưới 5% đối với gia cầm.

3.1.2Thức ăn thô
Thức ăn thô bao gồm cỏ khô, rơm, thân cây ngô già, cây lạc, thân đậu đỗ và các phụ phẩm nông nghiệp khác. Loại thức ăn này thường có hàm lượng xơ cao (20 - 35% tính trong chất khô) và tương đối nghèo chất dinh dưỡng. Nhưng ở nước ta bình quân đất nông nghiệp tính trên một đầu người rất thấp (0,1ha/người), bãi chăn thả ít; phần lớn bãi chăn lại là đồi núi trọc có độ dốc cao, đất xấu và khô cằn. Do đó ở nhiều vùng, thức ăn thô và phụ phẩm nông nghiệp trở thành thức ăn chính của trâu bò nhất là trong mùa khô và vụ đông. Tuy nhiên các chất dinh dưỡng trong phụ phẩm nông nghiệp không đủ đáp ứng nhu cầu của gia súc, cho nên cần bổ sung thêm một phần cỏ xanh hoặc các loại thức ăn khác.

Rơm: Hàng năm ước tính ở nước ta có khoảng 25 triệu tấn rơm (1 lúa: 0,8 rơm). Rơm có hàm lượng xơ cao (320-350 g/kg CK) nghèo protein (20-30g/kg). Chất xơ của rơm khó tiêu hoá vì bị lignin hoá. Nếu được kiềm hoá bằng urê, amoniac hay xút sẽ làm tăng tỷ lệ tiêu hoá và giá trị dinh dưỡng. Tuy giá trị dinh dưỡng của của rơm thấp nhưng lại là nguồn thức ăn rẻ tiền và nông dân có tập quán sử dụng từ lâu đời.

Cây ngô sau khi thu bắp:Là nguồn thức ăn thô quan trọng cho trâu bò ở nhiều vùng. Giá trị dinh dưỡng của chúng phụ thuộc vào giống ngô và thời vụ thu hoạch. Trong 1 kg thân cây ngô có 600 - 700 g chất khô, 60 - 70 g protein, 280 - 300 g xơ. Tỷ lệ sử dụng và giá trị dinh dưỡng của thân cây ngô sẽ được nâng lên nếu được chế biến bằng urê hoặc amoniac.

Cỏ khô: Có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với các loại phụ phẩm nông nghiệp khác. Chất lượng của chúng phụ thuộc vào giống cỏ, điều kiện thời tiết lúc phơi khô (nếu gặp mưa chất dinh dưỡng sẽ kém), cũng như điều kiện bảo quản. Cỏ khô được phơi kiệt, cho đến lúc hàm lượng nước chỉ còn 15 - 17%. Khi độ ẩm trong cỏ khô còn trên 18%, các vi sinh vật và nấm mốc dễ phát triển làm giảm giá trị dinh dưỡng của cỏ khô trong quá trình bảo quản. Cỏ tươi non được phơi khô nhanh có giá trị dinh dưỡng cao hơn cỏ già quá lứa. Cỏ khô là cây họ đậu có hàm lượng protein và khoáng đa lượng, vi lượng cao hơn cỏ khô là cây cỏ hoà thảo.

3.1.3Thức ăn củ quả
Là loại thức ăn dùng tương đối phổ biến cho gia súc, nhất là gia súc cho sữa. Thức ăn củ quả thường gặp ở nước ta là sắn, khoai lang, bí đỏ vv.... Đặc điểm chung của nhóm thức ăn này là chứa nhiều nước, nghèo protein, chất béo, các nguyên tố khoáng đa lượng, vi lượng, nhưng giàu tinh bột, đường và hàm lượng xơ thấp, dễ tiêu hoá. Thức ăn củ quả rất thích hợp cho quá trình lên men ở dạ cỏ. Do đó chúng có hiệu quả rõ rệt đối với gia súc nhai lại đang cho sữa và thời kỳ vỗ béo. Nhưng nếu sử dụng cho lợn, cần bổ sung thêm thức ăn giàu protein và chất khoáng.

- Khoai lang: Thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm cả ở đồng bằng, miền núi và trung du. Lượng chất khô trong củ là 270 - 290 g/kg biến động tuỳ theo giống, mùa vụ thu hoạch. Hàm lượng protein trong khoai lang rất thấp (35 - 39 g/kg chất khô) nhưng lại giàu tinh bột và đường (850 - 900 g/kg CK). Hàm lượng khoáng trong củ khoai lang có 2,6g canxi; 1,7g phốt pho; 0,4g magie; 4,5g kali; 6mg kẽm; 17mg mangan; 5mg đồng).

- Sắn: Được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi ở trung du và miền núi. Tỷ lệ chất khô, tinh bột trong củ sắn cao hơn trong củ khoai lang, còn tỷ lệ protein, chất béo và chất khoáng lại thấp hơn. Trung bình trong 1kg chất khô có 22-28g protein; 3-4g chất béo và 650 g tinh bột trong sắn ngọt và 850g trong sắn đắng. Củ sắn tươi chứa nhiều độc tố cyanoglucozit chưa hoạt hoá. Mỗi khi tế bào của củ sắn bị phá huỷ do sây sát hay thái cắt, chất cyanoglucozit bị enzym linamarinaza hoạt hoá và sản sinh ra cyanhydric tự do (HCN). Axit này gây độc cho gia súc, nếu chúng có nồng độ thấp sẽ làm cho gia súc chậm lớn, kém sinh sản. Nếu axit này có hàm lượng cao sẽ làm cho gia súc chết đột ngột. Hàm lượng HCN trong sắn đắng cao hơn trong sắn ngọt. Khi phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc nấu chín sẽ làm giảm đáng kể hàm lượng cyanhydric. Củ sắn tươi có tác dụng tốt cho quá trình lên men dạ cỏ. Nếu dùng cho lợn và gia cầm chỉ nên cho ăn một tỷ lệ thích hợp trong khẩu phần (20-30%).

3.1.4Thức ăn hạt
Thức ăn hạt gồm có các loại hạt của cây hoà thảo và cây bộ đậu. Hạt hoà thảo chứa nhiều tinh bột còn hạt cây bộ đậu lại rất giàu protein. Gia súc tiêu hoá và hấp thu tốt các chất dinh dưỡng trong hạt. Thành phần dinh dưỡng trong thức ăn hạt thường ổn định ít bị biến đổi bởi tác động của yếu tố ngoại cảnh như thức ăn xanh, thức ăn thô và củ quả.

3.1.4.1Hạt hoà thảo
Hạt hoà thảo là nguồn cung cấp chủ yếu hydratcacbon giàu năng lượng cho gia súc có dạ dày đơn. Thành phần chính của hạt là tinh bột. Hạt sau khi phơi khô thường có hàm lượng vật chất khô biến đổi từ 850-900g/kg. 85-90% hợp chất chứa nitơ trong hạt là protein. Protein chứa nhiều trong phôi của hạt và lớp vỏ ngoài bao bọc phần nội nhũ. Hạt hoà thảo có hàm lượng tinh bột đường khá cao (70-80%) và tỷ lệ xơ thấp. Ví dụ ở ngô tỷ lệ xơ là 1,5-3,5%, nhưng ở thóc không tách trấu có tỷ lệ xơ là 9-12%, còn thóc loại bỏ trấu có tỷ lệ xơ biến động tuỳ theo từng loại 4- 8%. Hàm lượng protein trong hoà thảo cũng biến động tuỳ theo từng loại, ví dụ tỷ lệ protein trong ngô biến động từ 8-12%; trong khi đó thóc chỉ có 7,8-8,7%, còn trong gạo biến động từ 7-8,7%.

- Ngô:Hiện nay có nhiều giống ngô đang được trồng ở nước ta, các giống này cho hạt với màu sắc khác nhau như màu vàng, trắng, đỏ. Ngô vàng chứa nhiều caroten và các sắc tố khác, do đó làm cho lòng đỏ trứng vàng hơn cũng như làm cho sữa và mỡ của gia súc có màu đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ngô chứa khoảng 720-800 g tinh bột/kg chất khô và hàm lượng xơ rất thấp, giá trị năng lượng trao đổi cao 3100-3200 kcal/kg.

Hàm lượng protein thô trong ngô biến động lớn từ 80-120g/kg phụ thuộc vào giống. Tỷ lệ chất béo trong hạt ngô tương đối cao (4-6%) chủ yếu tập trung trong mầm ngô. Bột ngô bảo quản khó hơn hạt vì chất béo dễ bị oxy hoá. Gia súc, gia cầm tiêu hoá tốt các chất dinh dưỡng trong hạt ngô (tỷ lệ tiêu hoá xấp xỉ 90%). Tuy vậy lượng protein của ngô vẫn thấp hơn so với nhu cầu của gia súc. Trong protein của ngô thiếu tới 30-40% lizin, 15-30% tryptophan, 80% lơxin so với nhu cầu của lợn. Giống ngô HQ-2000 có hàm lượng protein, lizin và tryptophan khá cao. Ngô tương đối nghèo các nguyên tố khoáng như canxi (0,03%); kali (0,45%); mangan (7,3 mg/kg); đồng (5,4 mg/kg) vì vậy cần phối chế hợp lý tỷ lệ ngô trong khẩu phần.

Nhìn chung giá trị dinh dưỡng của ngô ở nước ta không kém gì các giống ngô được trồng ở nước ngoài.

- Thóc: Là nguồn lương thực chủ yếu cho con người ở các nước nhiệt đới, nhưng cũng được sử dụng 1 phần làm thức ăn gia súc. Lượng protein, chất béo, giá trị năng lượng trao đổi của thóc thấp hơn ngô, còn xơ lại cao hơn. Tỷ lệ protein trung bình của thóc là 78-87 g/kg và xơ từ 90-120 g/kg.

Thóc tách trấu có giá trị dinh dưỡng cao hơn, gia súc tiêu hoá và hấp thụ tốt hơn. Trấu chiếm khoảng 20% trọng lượng hạt thóc. Trấu rất giàu silic (trên 210 g/kg CK) các mảnh trấu sắc, nhọn dễ làm tổn thương thành ruột. Do đó khi dùng thóc làm thức ăn gia súc cần phải loại bỏ trấu. Gạo có hàm lượng xơ 40-80 g/kg và protein là 70-87 g/kg. Hàm lượng lizin, acginin, tryptophan trong protein của gạo cao hơn ngô. Nhưng hàm lượng các nguyên tố khoáng đa lượng, vi lượng ở gạo lại rất thấp so với nhu cầu của gia súc,gia cầm.

Cám gạo là sản phẩm phụ của công nghiệp xay xát. Cám gạo được hình thành từ lớp vỏ nội nhũ, mầm phôi của hạt, cũng như một phần từ tấm. Do đó hàm lượng protein trong cám gạo cao: 120-140g/kg CK. Hàm lượng mỡ trong cám gạo cũng rất cao: 110-180g/kg CK. Chất béo trong cám gạo rất dễ bị oxy hoá, không nên dự trữ lâu.

3.1.4.2Hạt bộ đậu (đậu đỗ)
Hạt cây bộ đậu giàu protein và các axitamin không thay thế cho gia súc, gia cầm. Giá trị sinh học của protein đậu đỗ cao hơn protein hạt hoà thảo, trung bình đạt 72-75%. Protein đậu đỗ dễ hoà tan trong nước và giàu lizin nên gia súc dễ tiêu hoá và hấp thu. Các nguyên tố khoáng như Ca, Mg, Zn, Mn, Cu trong đậu đỗ cao hơn so với hạt hoà thảo, nhưng chúng lại nghèo phốt pho và kali hơn.

Phần lớn hạt đậu đỗ chứa độc tố hoặc các chất ức chế men tiêu hoá protein. Thức ăn hạt bộ đậu ở vùng nhiệt đới là đậu tương, lạc, đậu cô ve, đậu hồng đáo, vv... Thành phần hoá học của các loại đậu này rất khác nhau.

- Đậu tương: Là nguồn thức ăn thực vật giàu protein (370-380 g/kg), chất béo (160-180 g/kg) và năng lượng trao đổi (3300-3900 Kcal/kg). Giá trị sinh học của protein đậu tương gần với protein động vật. Đậu tương giàu axit amin không thay thế nhất là lizin, tryptophan là những axit amin thường bị thiếu trong thức ăn có nguồn gốc thực vật.

Nếu sử dụng hạt đậu tương làm thức ăn gia súc nhất thiết phải xử lý nhiệt để phân huỷ và làm mất hiệu lực của các độc tố như chất kháng trypsin, hemôglutinin, saponin, ureaza, lipoxydaza...

Trong công nghiệp, đậu tương được sử dụng để ép dầu, những sản phẩm phụ là khô dầu đậu tương được coi là nguồn thức ăn giàu protein có giá trị cao. Khi ép dầu đậu tương đã được xử lý nhiệt, nên hầu hết các độc tố kể trên đã bị phân huỷ hoặc bị mất hiệu lực do đó làm tăng khả năng tiêu hoá và hấp thụ protein của gia súc. Khô dầu đậu tương sản xuất theo phương pháp chiết ly thường có hàm lượng protein cao hơn và có hàm lượng chất béo thấp hơn so với khô đỗ tương sản xuất theo phương pháp ép cơ học.

- Lạc: Là cây bộ đậu phổ biến ở vùng nhiệt đới. Hạt lạc có hàm lượng chất béo rất cao 48-50%, còn trong củ lạc cả vỏ hàm lượng chất béo đạt 38-40%. trong chăn nuôi thường sử dụng lạc ở dạng khô dầu. Tỷ lệ protein trong khô dầu lạc nhân là 45-50%; trong khô dầu ép cả vỏ là 30-32%, tỷ lệ xơ tương ứng là 5,7% và 27,2% trong chất khô. Tỷ lệ chất béo trong khô dầu lạc biến động từ 7-12% tuỳ thuộc vào kỹ thuật ép. Nhưng khô dầu lạc nghèo lizin (3,9% trong protein), do đó khẩu phần có khô lạc cần được bổ sung thêm đậu tương, bột cá hoặc lizin trong khẩu phần.

ở nước ta do độ ẩm không khí cao nhiệt độ cao nên khi khô dầu lạc còn tỷ lệ nước trên 15% rất dễ bị mốc làm giảm chất lượng khô dầu và khô dầu bị nhiễm aflatoxin có hại cho gia súc, gia cầm nhất là đối với vịt và gia súc non.

3.2Thức ăn động vật
Gồm tất cả các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu động vật như bột cá, bột đầu tôm, bột thịt xương, bột nhộng tằm, bột máu vv... Hầu hết thức ăn động vật đều giàu protein có chất lượng cao, có đủ các axit amnin không thay thế, các nguyên tố khoáng cần thiết và một số vitamin quan trọng như B12, D, E vv... Tỷ lệ tiêu hoá và hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thức ăn động vật rất cao.

- Bột cá: Là thức ăn động vật có chất lượng dinh dưỡng cao nhất, được chế biến từ cá tươi hoặc từ sản phẩm phụ công nghiệp chế biến cá hộp. Trong protein bột cá có đầy đủ axit amin không thay thế: lyzin 7,5%; methionin 3%; izolơxin 4,8%...

Protein trong bột cá sản xuất ở nước ta biến động từ 35-60%, khoáng tổng số biến động từ 19,6%-34,5% trong đó muối: 0,5-10%, canxi 5,5-8,7%; phốt pho 3,5-4,8%, các chất hữu cơ trong bột cá được gia súc, gia cầm tiêu hoá và hấp thu với tỷ lệ cao 85-90%.

- Bột thịt xương: Chế biến từ xác gia súc, gia cầm không dùng làm thực phẩm cho con người hoặc từ các phụ phẩm của lò mổ. Thành phần dinh dưỡng của bột thịt xương thường không ổn định, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chế biến. Tỷ lệ protein trong bột thịt xương từ 30-50%, khoáng 12-35%, mỡ 8-15%. Giá trị sinh học của protein trong bột thịt xương cũng biến động và phụ thuộc vào tỷ lệ các mô liên kết trong nguyên liệu. Tỷ lệ mô liên kết càng nhiều, giá trị sinh học của protein càng thấp.

- Bột đầu tôm: Chế biến từ đầu, càng, vỏ tôm là nguồn protein động vật tốt cho gia súc. Giá trị dinh dưỡng của bột đầu tôm thấp hơn so với bột cá và bột máu. Bột đầu tôm có 33-34% protein, trong protein có 4-5% lyzin, 2,7% methionin. Ngoài ra bột đầu tôm giàu canxi (5,2%); phốt pho (0,9%) và các nguyên tố vi lượng khác.

Nguồn: agriviet.com
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác