Sữa Việt Nam

Ông chủ trẻ làm giàu từ bò sữa

Khởi đầu rất chật vật, nhờ sự cố gắng vươn lên, một bạn trẻ đã thành công từ con bò sữa. Đó chính là chân dung một chủ trang trại trẻ tại Thôn 7, xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc - anh Đỗ Hữu Quyết.

KHỞI ĐẦU TỪ 2 CON BÊ

 

Sinh năm 1991, Đỗ Hữu Quyết ở tuổi 31 đã có kinh nghiệm 11 năm gắn với con bò sữa. Hiện trang trại bò sữa của Quyết là một trong những trại bò sữa lớn của xã Đại Lào với 26 con. Người bạn trẻ đã mua được vườn, xây dựng nhà cửa khang trang, xe ô tô… từ đàn bò sữa. Nhưng ít người biết rằng, Quyết bắt đầu tất cả từ 2 con bê.

 

Rất vui vẻ, ông chủ trẻ Đỗ Hữu Quyết kể lại, năm 2010, ở tuổi 20, anh ngơ ngác chưa biết tìm hướng làm ăn thế nào vì gia đình kinh tế khó khăn, đất ít, chỉ có 4 sào. Lúc đó phong trào nuôi bò sữa tại xã Đại Lào bắt đầu phát triển, thấy bà con nuôi bò cho hiệu quả tốt, Quyết cũng học theo. Tất cả tiền tiết kiệm được vẫn chưa đủ, anh mượn thêm để mua được hai con bê cái đầu tiên với giá 12 triệu đồng/cặp. Và từ 2 con bê, trang trại bò dần hình thành.

 

Quyết kể lại, vì ít tiền, mua bê nhỏ nên nuôi mãi bê mới trưởng thành. Nhà khác thường mua con nhỡ nhỡ, tầm 8 tháng - 1 năm là bắt đầu phối giống, cho sữa thì 2 con bê của anh phải nuôi tới 2 năm. Trong thời gian ấy, Quyết vừa làm các công việc khác để trang trải cuộc sống, vừa tích cực trồng cỏ trên diện tích đất 3,9 sào của gia đình và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng bò sữa. Và sau 2 năm, không phụ lòng người nông dân, cặp bê trưởng thành bắt đầu cho sữa. Lúc ấy, Quyết vỡ òa bởi mình đã biết nuôi bò, đã có thu nhập từ sữa.

 

Sau 11 năm, trang trại bò sữa của Đỗ Hữu Quyết đã trở thành một trang trại quy mô trung bình. Trang trại thường xuyên có xấp xỉ 30 con, cả bò con, bò đực cũng như bò mẹ đang cho sữa. Để cung cấp cỏ cho bò, Quyết đã mua và trồng 3 ha cỏ voi, dư cỏ phục vụ cho trang trại. Anh chia sẻ, nuôi bò sữa đã mang lại cho anh cơ sở khang trang như ngày hôm nay.

 

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG DÒNG SỮA

 

“Muốn bò khỏe, sữa chất lượng tốt, phải cho ăn đủ cỏ và cám cũng như các phụ gia khác. Đủ thức ăn bò sẽ khỏe mạnh, không bệnh tật, chất lượng sữa đạt”- Đỗ Hữu Quyết chia sẻ kinh nghiệm 11 năm gắn với bò sữa của mình. Vì vậy, phát triển đàn bò tới đâu, Quyết mua thêm đất, mở rộng diện tích cỏ đến đấy. Hiện, anh có 3 ha chuyên trồng cỏ voi, cung cấp thức ăn thô cho bò. Mỗi ngày, bầy bò có thể ăn trên 1 tấn cỏ tươi mới đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Nếu thiếu cỏ, bò dễ bị bệnh, chất lượng sữa không đảm bảo. Ngoài chất xanh từ cánh đồng, Quyết cho bò ăn thêm cám, khoảng 75 kg/ngày và 1 bao bắp hạt. Đặc biệt, với bò chuẩn bị sinh, lượng cám phải tăng cao hơn lượng cỏ. Anh chia sẻ, khi bò mang thai tới tháng thứ 7 là ngừng vắt sữa, hạn chế đồ ăn thô xanh, cho ăn thêm cám để vú bò “rút” lại, chuẩn bị cho bê con ra đời. Mỗi con bò mang thai xấp xỉ 280 ngày, vì vậy anh luôn ghi chép cẩn thận ngày phối giống để tính kịp chu kì sinh sản của bò mẹ.

 

Hiện tại, Quyết có 14 - 15 con bò cho sữa với sản lượng xấp xỉ 2 tạ/ngày. Trang trại kí hợp đồng với Công ty Sữa Việt Nam thu mua mỗi ngày. Sữa tươi vắt ra là có xe của công ty tới nhập ngay tại trang trại. Anh cho biết, với giá sữa cũng như giá cám, các chi phí khác, người nuôi có lãi xấp xỉ 50% sản lượng sữa. Như nhà anh, với 14 con bò cho sữa, sau khi trừ hết chi phí thu được khoảng 30 - 35 triệu/tháng. Đó là chưa kể đến tiền bán bê đực, bán bê cái con cũng như một lượng phân chuồng không nhỏ. 

 

Anh Nguyễn Văn Uy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Lào đánh giá, Đỗ Hữu Quyết là một nông dân trẻ điển hình sản xuất giỏi. Không chỉ làm kinh tế gia đình, anh còn là thành viên nhiệt tình của Tổ hợp tác bò sữa xã Đại Lào, thường xuyên đồng hành cùng bà con phát triển đàn bò sữa. Mùa mưa, Quyết thường chia sẻ cỏ voi cho những hộ thiếu cỏ, trạm thu mua sữa cũng đặt ngay tại nhà anh, bà con xung quanh mang sữa tới cân cho công ty ngay tại trang trại. Trẻ, nhiệt tình với cộng đồng, chàng trai 31 tuổi thực sự là điển hình của người nông dân thời đại mới.

 

DIỆP QUỲNH

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác