Sữa Việt Nam

Khẳng định thương hiệu "Giống bò sữa Mộc Châu"

Nghề nuôi bò sữa ở cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La trải qua 56 năm hình thành và phát triển với biết bao thăng trầm.

 

   Đến hôm nay, một vùng nguyên liệu với hơn 14 nghìn con bò, mỗi ngày cung ứng gần 150 tấn sữa tươi, là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực và cả những quyết sách táo bạo, đúng hướng của doanh nghiệp đã đồng hành cùng người chăn nuôi gây dựng, phát triển thương hiệu "Giống bò sữa Mộc Châu".

 

 Mặc dù thiên nhiên đã ban tặng mảnh đất này điều kiện thuận lợi để phát triển đàn bò sữa thuần chủng cao sản, tuy nhiên không phải nghề chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu đã "xuôi chèo mát mái" ngay từ đầu. Tiền thân là Nông trường Quốc doanh Mộc Châu thành lập ngày 8-4-1958, đã từng có giai đoạn chăn nuôi theo cơ chế tập trung không hiệu quả, số lượng đàn bò giảm mạnh, sữa nguyên liệu không có nhà máy chế biến cho nên phải bán cho các công ty sản xuất sữa khác.

 

 Đến tháng 1-2005, để "cứu" đàn bò và người chăn nuôi, ban giám đốc công ty đã có những quyết định táo bạo, đó là triển khai mô hình khoán hộ, tạo điều kiện giúp cho người chăn nuôi bò sữa tự chủ được trong sản xuất.

 

 Cũng từ đây, nông trường chính thức trở thành Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu milk), trong đó, cổ đông là người chăn nuôi, chế biến sữa chiếm 49%, Nhà nước nắm giữ 51%. Toàn bộ đàn bò của công ty được đưa về các hộ dân, cam kết sử dụng đất đúng mục đích, dưới sự giám sát kỹ thuật của công ty, công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người chăn nuôi.

 

 Bên cạnh đó, công ty có chính sách cho các hộ dân vay vốn mua con giống (từ 50 đến 70% giá trị đầu tư). Nhờ vậy, đàn bò sữa được khôi phục và tăng đàn nhanh chóng. Bên cạnh đó, ban giám đốc cũng quyết định tổ chức mô hình sản xuất khép kín từ khâu trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa đến tổ chức thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sữa trên thị trường. Chỉ sau một thời gian thử nghiệm, mô hình này đã chứng minh được hiệu quả cao, tốt nhất so với các hình thức và mô hình sản xuất, kinh doanh trước đây. Năm 2004, Mộc Châu milk đi đầu trong ngành chăn nuôi gia súc cả nước tiến hành công tác bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm giá sữa. Đến nay, quỹ bảo hiểm đã lên tới hơn 20 tỷ đồng, ban điều hành do các hộ chăn nuôi tự bầu ra để quản lý.

 

 Tất cả những điều đó tạo niềm tin, động lực để người chăn nuôi gắn bó, sống chết cùng sự phát triển của công ty.

 

 Năm 2011 và năm 2013, thêm một dấu ấn trong lịch sử phát triển của công ty, đó là sự ra đời của hai trung tâm Giống bò sữa và Chuyển giao kỹ thuật, mỗi trung tâm có quy mô 1.000 con, nhằm chủ động nguồn giống tốt, cho ra đời những con bò giống khỏe mạnh, cho sản lượng sữa cao, là nền tảng để công ty đang xây dựng một ước mơ, nơi đây, trong tương lai không xa sẽ là trung tâm ngành sữa Việt Nam. Đúng dịp kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập, Nhà máy thức ăn TMR công nghệ Hàn Quốc hiện đại đã được đưa vào sử dụng với công suất đạt 20 nghìn tấn/năm. Đáng chú ý, việc sử dụng thân cây ngô làm thức ăn ủ ướp đã bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng và nguồn thức ăn quanh năm cho đàn bò, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân trong vùng.

 

 Nói về thành quả ngày hôm nay, Tổng Giám đốc Mộc Châu milk Trần Công Chiến luôn nhắc và ghi nhận những đóng góp không nhỏ của những con người đã cùng đồng cam, cộng khổ, góp phần làm nên thương hiệu sữa Mộc Châu: "Cộng đồng người nuôi bò sữa Mộc Châu là một tập thể các cá nhân năng động, sáng tạo, cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm. Dấu ấn để họ trưởng thành, nắm bắt tư duy kinh tế là đồng sức, đồng lòng với nông trường, thực hiện thành công mô hình khoán hộ, một hình thức kinh tế không nhận được sự đồng thuận vào thời điểm năm 1989. Đến nay, họ vẫn là những người tiên phong và hào hứng thực hiện những tư duy kinh tế tiên tiến như: Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tham gia tự nguyện bảo hiểm giá sữa, vật nuôi; thực hiện các tiêu chuẩn về quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chăn nuôi, chuồng trại. Đặc biệt, năm 2014, chúng tôi đã đạt chứng chỉ VIETGAP trong công tác chăn nuôi bò sữa của công ty".

 

 Mặc dù có những bước phát triển nhanh, vượt bậc, tuy nhiên, chiến lược của Mộc Châu milk đó là: phát triển phải đi đôi với bền vững. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục xây dựng dự án các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô 1.000 con/ trung tâm, mở rộng phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và các hộ chăn nuôi bò sữa. Đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học với Viện Chăn nuôi, Trường ĐH Nông nghiệp (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Trung tâm Áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đưa ra những giải pháp tăng cường chất lượng, sản lượng sữa, tăng cường công tác quản lý đầu con, nuôi dưỡng chăm sóc tốt sức khỏe đàn bò. Liên kết với nhiều cơ quan, đơn vị, các chuyên gia trong và ngoài nước để triển khai các chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Không ngừng đẩy nhanh phát triển cả về chất lượng, số lượng đàn bò nhằm nâng cao năng suất, sản lượng sữa tươi. Công ty đã có những giải pháp tích cực trong công tác áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến của các nước trên thế giới như nhập và cho thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò phân định giới tính; nhập tinh của những con bò đực giống từ Mỹ, Ca-na-đa, Ixra-en có những ưu thế về năng suất sữa từ 12 đến 15 tấn/chu kỳ. Áp dụng phối hợp khẩu phần thức ăn phù hợp nhất cho từng đàn, nâng cao dinh dưỡng cho đàn bò góp phần đưa năng suất sữa của đàn bò đạt 7 tấn/chu kỳ, nhất là giống bò cao sản vắt sữa ba lần/ngày đạt 9 đến 11 tấn/chu kỳ. Nuôi bê ăn sữa bằng sữa thay thế. Mở rộng thêm nhà máy chế biến sản xuất thức ăn hỗn hợp TMR, cung cấp ngay cho đàn bò tại Trung tâm Giống và Chuyển giao kỹ thuật và cho các hộ chăn nuôi... Bên cạnh đó, Mộc Châu milk cũng tập trung đầu tư mở rộng Nhà máy sữa với thiết bị hiện đại công nghệ tiên tiến bậc nhất của Tập đoàn Tetrapak Thụy Điển bảo đảm chế biến các sản phẩm sữa cung cấp ra thị trường với những sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Từng bước đa dạng hóa sản phẩm.

 

Những năm qua, công ty đã cung cấp gần 3.000 con bò giống cho các địa phương trong cả nước. Thời gian tới, công ty tập trung phát triển đàn bò, đến năm 2015 đạt 17.000 - 20.000 con.

Sản lượng sữa đạt 100.000 tấn. Đến năm 2020, đạt 40.000 con, sản lượng sữa đạt 180 - 200 nghìn tấn.

THÙY CHI


Nguồn: nhandan.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác