Sữa Việt Nam

Hiệu quả từ các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi

Chăn nuôi là thế mạnh của huyện Ba Vì trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, Ba Vì đang phải đối diện nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, nước... do chất thải chăn nuôi gây ra. Khắc phục tình trạng này, hướng tới phát triển bền vững, Ba Vì đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, bước đầu mang lại kết quả tích cực.

 Vân Hòa là một trong những xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm của huyện Ba Vì với gần 800 hộ chăn nuôi, tổng số hơn 4.500 con bò sữa. Tuy nhiên, người dân ở đây lại đang đối diện nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, không khí... do chất thải chăn nuôi gây ra.

 

“Bình quân mỗi ngày mỗi con bò thải ra khoảng 7-10kg phân, 100-200 lít nước tiểu và nước tắm, rửa chuồng... Để xử lý khối lượng chất thải này, các hộ chăn nuôi thường đào hố trong vườn hoặc ngoài đồng ruộng để chứa. Do các hố chứa chất thải chăn nuôi không có mái che và nắp đậy nên khi mưa to, nước thải tràn ra khiến cả làng bị ô nhiễm…”, ông Nguyễn Hữu Ngọc, người dân xã Vân Hòa nói.

 

Tương tự, tại xã Minh Châu hiện có 885 hộ chăn nuôi 4.357 con bò sữa và bò thịt. Ngoài ra, hơn 100 hộ chăn nuôi 7.775 con lợn, 24.673 con gia cầm. “Dù gia đình thường xuyên thu gom, cọ rửa nền chuồng nhưng vẫn không tránh khỏi mùi hôi thối, làm phát sinh ruồi, muỗi khiến người dân xung quanh phàn nàn...”, bà Nguyễn Thị Sáu, hộ chăn nuôi bò ở xã Minh Châu cho biết.

 

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững..., huyện Ba Vì đã giao Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, học tập mô hình, hướng dẫn các xã chăn nuôi trọng điểm kỹ thuật xử lý chất thải.

 

“Sau khi được cán bộ huyện hướng dẫn, gia đình tôi và nhiều hộ khác đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải của đàn bò. Từ ngày làm hầm biogas, mùi hôi và ruồi, muỗi do chất thải chăn nuôi gây ra đã giảm đáng kể. Không những vậy, mỗi tháng, riêng gia đình tôi còn tiết kiệm 200-300 nghìn đồng mua nhiên liệu đun nấu, nhờ sử dụng khí gas từ hầm biogas sinh ra...”, ông Nguyễn Công Tôn, hộ chăn nuôi bò ở xã Minh Châu phấn khởi nói.

 

Khác với Minh Châu, nhiều hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Vân Hòa lại chọn cách xây hố chứa chất thải của đàn bò, sau đó bổ sung men vi sinh, chất khử mùi hôi tạo giá thể để nuôi giun quế phục vụ chăn nuôi gia cầm. Sau khi thu hoạch giun, các hộ tự chế biến hoặc bán chất thải của giun cho cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ...

 

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường cho biết, ngoài hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, làm phân hữu cơ..., huyện tập trung xây dựng quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; đề xuất các cấp, các ngành của thành phố cơ chế hỗ trợ người dân trong xử lý chất thải chăn nuôi tạo thành sản phẩm hữu ích cho cây trồng, giúp môi trường của huyện ngày càng trong lành hơn...

 

Với những công việc đã và đang làm, huyện Ba Vì đang dần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác