Sữa Việt Nam

Dự án chăn nuôi nghìn tỷ tại Tây Nguyên - Bài 1: Hy vọng từ trăm nghìn con bò

Từ năm 2015 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đón một làn sóng đầu tư tăng bất thường để chăn nuôi bò, với tổng vốn đăng ký hàng chục nghìn tỷ đồng.

 Trước thềm Việt Nam gia nhập TPP, cụ thể là từ năm 2015 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đón một làn sóng đầu tư tăng bất thường để chăn nuôi bò, với tổng vốn đăng ký hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này hứa hẹn giá trị kinh tế lớn và tạo cơ hội xây dựng một nền nông nghiệp cân bằng giữa trồng trọt với chăn nuôi. Tuy nhiên, làn sóng đầu tư mới cũng mang tới không ít lo ngại bởi dự án nào cũng cần hàng nghìn đến hàng chục nghìn hecta đất, lấy từ đất rừng hoặc đất người dân đang sản xuất, gây xáo trộn về xã hội và môi trường.


Lo ngại cũng tới từ thực tế khi hầu hết các dự án nông nghiệp đầu tư ồ ạt vào Tây Nguyên thời gian gần đây đều không thành công, để lại nhiều hậu quả lớn. 

Giữa mùa khô nắng cháy kỷ lục của hơn trăm năm qua, một biển xanh dập dờn lạ mắt vẫn bao phủ một vùng đất rộng lớn củahuyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Xen lẫn trong biển xanh ấy là những công trình tôn - thép to lớn, phản chiếu ánh nắng chói chang che khuất tầm nhìn. Màu xanh ấy không phải của cà phê hay mía, ngô, sắn, mà là của cỏ. Những công trình thép - tôn được xây dựng chính là chuồng bò. Đây chính là trang trại bò mới được xây dựng của Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai, thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. 

Ông Lê Đình Vũ, Giám đốc Công ty cho biết, những trang trại bò sữa, bò thịt nơi đây có quy mô thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á: “Kế hoạch của mình phát triển bò sữa thì khoảng 100.000 con. Còn bò thịt thì hiện nay khoảng 80.000 con và kế hoạch về lâu về dài thì lên khoảng 100 nghìn con tùy theo tình hình thực tế”.

Ngoài trang trại ở huyện Mang Yang, tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai còn 4 trang trại khác, rải rác trong toàn tỉnh. Theo lãnh đạo tập đoàn, các trang trại đều áp dụng công nghệ chăn nuôi, vắt sữa, chế biến sữa tiên tiến hàng đầu thế giới. Giống bò được nuôi, giống cỏ được trồng cũng là những giống ưu tú nhất. Trong đó, cỏ có thể cho năng suất tới 500 tấn/1 ha/1 năm; bò thịt có thể đạt trọng lượng gần 5 tạ/1 con; bò sữa có thể cho năng suất 30 lít/1 con/1 ngày, cao vượt cả những doanh nghiệp sữa hiện tại như Vinamilk và TH True Milk. 

Ông Dương Ngọc Thành, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh Gia Lai, cho rằng, đóng góp của các doanh nghiệp nuôi bò là đáng ghi nhận: “Sự đóng góp của các doanh nghiệp và công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai vào việc cải tạo thể vóc và chất lượng đàn bò là đáng ghi nhận. Sự đóng góp của họ đã góp phần tăng trọng lượng của con bò, bình quân chung bây giờ đã là 350 kg rồi. Bình quân khối lượng tăng và chất lượng cũng tăng”.

Cũng ở Gia Lai, một trang trại bò sữa khác cũng nhanh chóng mọc lên trong sự thán phục của người dân và chính quyền địa phương, đó là trang trại của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, xây dựng trên phần đất rừng nghèo đã chuyển đổi, nhưng không trồng cao su, tại xã Ia Le, huyện Chư Pứh. Cao su đã không mang lại nguồn vàng trắng giá trị như mong đợi, nay bò sữa là chỗ dựa mới. 

Bởi vậy, dù mới tới lập nghiệp và định cư ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, cách khá xa trang trại Đức Long Gia Lai, nông dân Ngô Văn Lập vẫn nắm rõ thông tin và tràn ngập hy vọng vào dự án: “Trang trại này của Đức Long rất triển vọng. Trước mắt là họ họp dân, hứa đầu tư cho dân để dân trồng ngô, đến lúc ra răng cưa là thu hoạch, họ mua cả lá, cả thân cả răng cưa luôn. Thời gian trồng ngắn hơn, như mình trồng là 90 ngày thì như đó chỉ 70 ngày thôi, mà đắt hơn cỡ 15 triệu đồng/ha. Trước đây thì đường lầy lội, nhưng bây giờ họ đã trải cấp phối, lu phẳng về đến tận trang trại luôn”.

radiovietnam_Dự án chăn nuôi nghìn tỷ tại Tây Nguyên - Bài 1: Hy vọng từ trăm nghìn con bò

Những con bò kéo niềm hy vọng của cả tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (Ảnh: PV VOV)

Ngoài Gia Lai, 3 tỉnh khác ở Tây Nguyên là Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng đều có doanh nghiệp xin đăng ký các dự án rất lớn về chăn nuôi bò; không tỉnh nào có tổng vốn cam kết dưới 10.000 tỷ đồng. Riêng Đắk Lắk, các dự án có tổng giá trị hơn 20.000 tỷ đồng. Lĩnh vực chăn nuôi bò hấp dẫn đến nỗi, doanh nghiệp chuyên về sản xuất đồ gỗ và trồng rừng như Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cũng sốt sắng triển khai dự án nuôi bò 4.500 tỷ đồng. 

Bà Trương Thị Khánh Hoà, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Trường Thành, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành, cho biết: “Trường Thành thực hiện dự án tại Đăk Nông thì dự án tiền khả thi là 9.000 tỷ đồng. Dự án này tạo ra một chuỗi giá trị tiềm năng cho tỉnh, thu hút đông đảo người dân và doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị. Vì quy trình thủ tục hànhchính của tỉnh quá phức tạp, hội đồng quản trị công ty đã quyết định hạ quy mô dự án xuống còn 4.500 tỷ đồng nhưng vẫn giữ nguyên những chuỗi giá trị chúng tôi hoạch định ra trong dự án này”.

Hy vọng vào những dự án bò còn nhanh chóng truyền tới cả những người làm công tác Giáo dục đào tạo. Tiến sĩ Trương Tấn Khanh, Phó trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y, trường Đại học Tây Nguyên cho biết: chỉ riêng việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyển kỹ sư chăn nuôi và bác sĩ thú y đã khiến ngành đào tạo này “cháy hàng”. Ngành cũng nhờ nhu cầu lớn của các dự án mà thoát khó, bước sang một thời kỳ mới đầy triển vọng.

Tiến sĩ Trương Tấn Khanh cho biết: “Trước đây 6 - 7 năm thì ngành chăn nuôi thú y ra trường không có việc làm, dẫn đến người ta chán học. Có khi 2, 3 năm ngành chăn nuôi không tuyển được vì học sinh không thi vào. Nhưng mấy năm nay thị trường lao động lại phát triển, các công ty lớn người ta phát triển. Năm ngoái năm nay là tuyển cả trăm. Trước đây thì trường tuyển sinh điểm sàn, bây giờ thì tuyển cao hơn điểm sàn rất nhiều”.

Cũng theo tiến sĩ Trương Tấn Khanh, tốc độ và hiệu quả áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi ở Việt Nam là rất tốt, thậm chí tốt hơn cả Thái Lan, Philippin và Indonesia. “Việc tạo ra năng suất cao, phẩm chất tốt đối với ngành chăn nuôi Việt Nam là không có vấn đề gì” - ông khẳng định. Chính vì vậy, chăn nuôi bò ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều cơ hội thành công. Chỉ có 2 điều mà các nhà quản lý phải tính đến đó là những tác động xã hội và môi trường sẽ xảy ra.

Tiến sĩ Trương Tấn Khanh cho rằng: “Đất ở những vùng dự án sẽ bị dồn vào các công ty, cứ 10.000 con bò thì cần khoảng 1.000 hecta, và đất ở chỗ này nhiều lên thì chỗ khác sẽ ít đi, ảnh hưởng tới sinh kế của người dân xung quanh. Nhưng tất nhiên là Nhà nước, nhà quản lý sẽ lo chuyện đấy. Ảnh hưởng thứ hai là môi trường. Ở các trại lớn đang xảy ra vấn đề về môi trường, nên ngay từ đầu phải lo vấn đề môi trường”.

Nhóm PV thường trú VOV tại Tây Nguyên

Nguồn: radiovietnam.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác