Sữa Việt Nam

Bến Tre-Nâng cao hiệu quả Dự án Phát triển đàn bò sữa tỉnh

Theo bà Trần Thị Tuyết Anh - cán bộ Dự án Phát triển đàn bò sửa tỉnh, đến nay, tổng đàn bò sữa trong vùng dự án là 2.175 con, tăng 648 con so với năm 2018. Trong đó, đàn bò F2 được cấp phát trong dự án là 760 con, gieo tinh nhân tạo là 1.415 con. Hiện có 94 hộ đăng ký bán sữa cho Công ty Vinamilk, bình quân 12 con/hộ. Với 650 con bò sữa đang khai thác sữa (30% tổng đàn), năng suất bình quân 12kg/con/ngày, sản xuất bình quân mỗi ngày 7,8 tấn, tăng 4,8 tấn so với năm 2018.

 Hỗ trợ người nuôi

 

Dự án tiếp tục kết nối Công ty Vinamilk hỗ trợ hoạt động thu mua sữa của hộ tham gia: hỗ trợ hộ lập “thẻ xanh” bán sữa, giấy xác nhận tiêm phòng, xử lý các trở ngại phát sinh. Dự án kết nối công ty sữa tại Long An, bán sản phẩm sữa (không đạt bán cho Công ty Vinamilk) theo hình thức bán dùm cho hộ, góp phần giải quyết tồn đọng. Trong năm 2019, dự án tiếp tục hỗ trợ 10 mô hình chuồng trại, nâng tổng số mô hình đã hỗ trợ là 228 mô hình; 18 mô hình máy vắt sữa, nâng tổng số 95 mô hình; 5 mô hình máy băm cỏ, nâng tổng số 40 mô hình.

 

Tiếp tục hỗ trợ tinh phối giống bò nền, đàn bò sữa F1, F2. Đến nay, tổng số bò đã phối giống bò sữa là 2.607 con (1.303 bò nền, 965 bò F2, 88 bò F1) với 5.038 cọng tinh được sử dụng. Tình hình sức khỏe đàn bò sữa ổn định. Dự án tiêm phòng 100% vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng đàn bò sữa định kỳ hàng năm. Dự án liên tục kết nối các công ty kỹ thuật bên ngoài tổ chức hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho hộ như: tư vấn dinh dưỡng bò sữa, kiểm tra thể trạng bò sữa, gọt móng bò, triển khai thức ăn TMR vào sử dụng cho bò sữa đối với những hộ nuôi thiếu cỏ trong mùa khô.

 

Dự án phối hợp với Liên minh Hợp tác xã (HTX) tổ chức 1 lớp tập huấn cho 100  nông dân về Luật HTX. Phối hợp với Công ty CJ tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật gọt móng bò cho đội ngũ kỹ thuật. Đồng thời, tổ chức đưa đội ngũ kỹ thuật đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ 7 ngày tại Trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh, Trại bò sữa Củ Chi. Phối hợp với Công ty Vinamilk, Công ty CJ, Công ty Nanovet, Công ty Bayer tổ chức 30 lớp tập huấn kỹ thuật cải thiện dinh dưỡng, thể trạng bò sữa; điều trị viêm vú, viêm móng, viêm khớp giúp hộ nuôi nâng cao năng suất sữa, cải thiện chất lượng sữa. Tính đến nay, dự án đã tổ chức 647 lớp tập huấn, trong đó tập huấn chuyên đề Heifer là 367 lớp, các chuyên đề kỹ thuật 280 lớp. Dự án đã tổ chức 2 đợt học tập kinh nghiệm tại trại bò sữa Hà Nam và Trại bò sữa Long An.

 

Thành lập Hợp tác xã bò sữa

 

Dự án tham dự Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát tồn dư Aflatoxin trong sản xuất sữa tươi nguyên liệu tại Hà Nội”. Qua hội thảo, các địa phương đã tạo điều kiện cho nông dân nâng quy mô ít nhất 10 con/hộ, đảm bảo cân bằng giữa số lượng bò sữa với diện tích trồng cây thức ăn cho bò sữa. Làm tốt công tác tuyên truyền để nông dân ký kết hợp đồng với các công ty thu mua sữa ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi và đảm bảo thu mua hết sữa cho dân. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, tư vấn, hỗ trợ cho nông hộ. Dự án đã tổ chức thành lập HTX bò sữa Bến Tre với 105 thành viên, vốn điều lệ 250 triệu đồng.

 

Đến cuối năm 2019, tổng số thành viên đăng ký tham gia HTX là 110 thành viên, có 70 xã viên hoàn thành vốn góp, với tổng số tiền là 192 triệu đồng, đạt 77% tổng vốn theo kế hoạch và đạt 67% thành viên góp vốn. HTX triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh như cung cấp dịch vụ, thức ăn, các sản phẩm thú y trên bò sữa cho hộ tham gia, có 85 mặt hàng sản phẩm thú ý, thức ăn cung cấp các loại; giá bán cho xã viên thấp hơn giá thị trường bên ngoài từ 3 - 5%. Doanh thu đạt 654,247 triệu đồng, lợi nhuận đạt 21,51 triệu đồng.

 

Ngoài ra, dự án đã có 39 hộ chuyển giao 55 bò cho 40 hộ nuôi. Ban Quản lý (BQL) dự án tiếp tục thu hồi nguồn vốn hỗ trợ cho hộ để tiếp tục chuyển giao cho hộ mới tham gia. Năm 2019, BQL phối hợp với Tổ chức Heifer Việt Nam thực hiện đánh giá cuối kỳ dự án, thực hiện kiểm toán hàng năm theo quy định. Đến tháng 6-2019, BQL dự án đã nhận đủ 100% cam kết đầu tư cho dự án từ Heifer Việt Nam và Ngân sách tỉnh cấp. Tiến độ giải ngân đến hết tháng cuối năm 2019 đạt 93%. Nguồn tiền thu hồi trong dự án đến nay là 917 triệu đồng.

 

Theo ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc BQL dự án, mô hình chăn nuôi bò sữa đã cải thiện thu nhập hộ tham gia, chuỗi sản xuất kết nối bền vững từ đầu vào và thị trường tiêu thụ, là mô hình sản xuất được khuyến cáo nhân rộng trong hoạt động chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Hoạt động kinh tế hợp tác thông qua hoạt động của HTX bò sữa Bến Tre bước đầu đã chứng minh được hiệu quả mang lại cho xã viên. Sắp tới, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hộ tham gia dự án để đảm bảo đàn bò sữa phát triển tốt về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Mở rộng dự án sang các địa phương khác có đủ điều kiện nuôi bò sữa để góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà; đồng thời, vận động, khuyến khích các hộ tăng quy mô đàn. Xây dựng trang trại bò sữa với quy mô từ 35 con trở lên. Hỗ trợ HTX bò sữa phát triển mạnh, bền vững, hoạt động có hiệu quả.

 

Trong năm 2019, sản lượng sữa bán cho Trạm trung chuyển sữa tươi Ba Tri - Bến Tre trung bình 5,9 tấn/ngày, tăng 3,75 tấn so với năm 2018, giá bình quân 13.253 đồng/kg, tăng 692 đồng/kg. Tổng lượng sữa sản xuất đến nay là 2.972 tấn, gồm sản lượng bán cho trạm sữa là 1.925 tấn, số còn lại người nuôi bán ra bên ngoài và nuôi bê.

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác