Sữa Thế giới

Bốn kịch bản cho ngành sữa năm 2030

Mới đây, Tetra Pak- công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đã hợp tác với Trường Kinh tế và Quản lý, Đại học Lund (Thụy Điển) thực hiện một nghiên cứu, đưa ra 4 kịch bản cho ngành sữa trong tương lai. Nghiên cứu đã phân tích 6 thị trường trọng điểm trên toàn cầu để đánh giá rủi ro của các yếu tố môi trường - xã hội, cũng như sự dịch chuyển công nghệ có khả năng thay đổi ngành sữa trong 10 năm tới.

 Nghiên cứu “Những xu hướng toàn cầu ảnh hưởng tới chiến lược ngành sữa là một dự án nghiên cứu kéo dài 18 tháng của Trường Kinh tế và Quản lý, Đại học Lund (LUSEM), được Tetra Pak hỗ trợ, nhằm nghiên cứu bối cảnh đang dịch chuyển của ngành sữa và dự báo viễn cảnh của ngành này vào năm 2030.

 

Qua phân tích 6 thị trường trọng điểm toàn cầu gồm Anh, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria và Brazil, nghiên cứu đã đưa ra 4 kịch bản có thể xảy ra với ngành sản xuất sữa - với tên gọi “Sự tiến hóa”, “Cách mạng xanh”, “Sự pha trộn” và “Sự táo bạo”. Mỗi kịch bản thể hiện tác động qua lại khác nhau của các yếu tố môi trường - xã hội và sự chuyển dịch công nghệ, từ đó cho các kết quả cũng rất khác nhau.

 

Kịch bản đầu tiên, “Sự tiến hóa” là kịch bản không có biến động nào đáng kể, theo đó ngành công nghiệp sữa sẽ tiếp tục phát triển theo những xu hướng hiện tại với những sự gián đoạn nhỏ hơn.

 

“Cách mạng xanh” đặc trưng bởi các yếu tố môi trường - xã hội có tác động mạnh mẽ như nhu cầu của người tiêu dùng và sự thắt chặt trong chính sách nhưng lại có ít sự chuyển đổi công nghệ hơn, đóng vai trò thúc đẩy ngành sữa đầu tư mạnh vào việc giảm phát thải carbon.

 

“Sự pha trộn” được chi phối bởi công nghệ và quy trình tiên tiến nhưng yếu tố môi trường yếu kém, từ đó tác động đáng kể đến ngành. Kịch bản cuối cùng, “Sự táo bạo”, là kịch bản bao gồm cả các yếu tố môi trường – xã hội mạnh mẽ và các công nghệ có tính sáng tạo cao, dẫn tới sự chuyển đổi hoàn toàn.

 

4 kịch bản dự báo vô số tác động có thể thay đổi môi trường kinh doanh. Đồng thời, chỉ ra khi toàn thị trường phát triển và có sự khác biệt giữa các khu vực trên thế giới thì trong tương lai sản phẩm làm từ sữa bò có thể chiếm từ 20-85% toàn thị trường. Trong khi đó, sản lượng đồ uống có nguồn gốc từ thực vật có thể tăng lên 35%, còn lại là các sản phẩm thay thế sữa được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

 

Dự đoán trước sự chuyển dịch này, Tetra Pak đã bắt đầu hợp tác với các công ty khởi nghiệp và các học viện để nghiên cứu về hoạt động của các loại protein trong điều kiện chế biến khác nhau. Qua đó, tạo ra các giải pháp giúp khách hàng tận dụng được những thay đổi trong tương lai.

 

4 kịch bản hợp lý được dự báo trong nghiên cứu này đã sử dụng phương pháp hoạch định theo kịch bản của Đại học Oxford, xác định được cả các yếu tố có thể dự đoán trước, chẳng hạn như sự thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu, và cả những gián đoạn tiềm ẩn từ các bất ổn quan trọng như chuyển đổi công nghệ và các yếu tố môi trường – xã hội.

 

Ông Frederik Wellendorph - Phó Chủ tịch Khối Kinh doanh thực phẩm lỏng, Tetra Pak- chia sẻ: Ngành thực phẩm và đồ uống, đặc biệt là ngành sữa sẽ có sự chuyển đổi lớn trong thập kỉ tới. Dù rằng nhiều thách thức đang ở phía trước nhưng cũng có rất nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất. Chìa khoá thành công trong bối cảnh mới này sẽ nằm ở sự linh hoạt và chủ động ứng phó với làn sóng thay đổi mang tính đột phá.

 

Tiến sĩ Christian Koch - Trường Kinh tế và Quản lý, Đại học Lund - cho biết: Ngành sữa toàn cầu là tâm điểm của sự chuyển đổi thực phẩm trên toàn cầu và những dấu hiệu đầu tiên của quá trình chuyển đổi này cũng đang bắt đầu được hình thành. Dự án nghiên cứu này của Đại học Lund, hợp tác cùng Tetra Pak, đã áp dụng những phương pháp luận đáng tin cậy nhằm dự đoán các kịch bản cho ngành sữa năm 2030 và các ngành chế biến – phân phối thực phẩm liên quan. Đây là những kịch bản hoàn toàn khác nhau, nằm trong giới hạn về sự hợp lý và độ tin cậy.

 

Nguyễn Hạnh

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác