Kinh tế - Thị trường

Thị trường sữa và sản phẩm những tháng đầu năm 2014

Hai tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 180,8 triệu USD mặt hàng sữa và sản phẩm, tăng 14,45% so với 2 tháng năm 2013. Các thị trường chủ yếu Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này là Niudilân, Hoa Kỳ, Singapore, Hà Lan, Thái Lan, Ailen, Đức…. trong đó Niudilân là thị trường có kim ngạch nhập khẩu cao nhất, 48,7 triệu USD, chiếm 26,9%, tăng 21,59% so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm đáng chú ý, so với hai tháng đầu năm 2013 , thì Việt Nam nhập khẩu mặt hàng sữa và sản phẩm có thêm các thị trường Singapore, Bỉ, Nhật Bản và Ấn Độ với kim ngạch đạt lần lượt 23,7 triệu USD; 2,6 triệu USD; 8,4 triệu USD; 93 nghìn USD và 59,5 nghìn USD.

Thị trường có kim ngạch lớn thứ hai sau Niudilân là Hoa Kỳ, đạt kim ngạch 34,6 triệu USD, tăng 16,3%; kế đến là Hà Lan, tăng 83,34% tương đương với 11,2 triệu USD.

Ngoài những thị trường chính kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu sữa và sản phẩm từ các thị trường khác nữa như Đức, Pháp, Hàn quốc, Đan Mạch, Philippin, Ba Lan….

 

Thống kê sơ bộ của TCHQ về thị trường nhập khẩu sữa 2 tháng năm 2014 – ĐVT: USD

 
KNNK 2T/2014
KNNK 2T/2013
% so sánh
Tổng KNNK
180.894.231
158.053.809
14,45
Niudilân
48.734.852
40.080.932
21,59
Hoa Kỳ
34.683.891
29.824.044
16,30
Hà Lan
11.212.254
6.115.603
83,34
Thái Lan
11.028.220
13.693.294
-19,46
Đức
7.647.395
6.647.398
15,04
Malaixia
5.691.786
7.567.912
-24,79
Pháp
4.306.038
10.534.984
-59,13
Oxtrâylia
4.210.814
4.752.664
-11,40
Hàn Quốc
2.479.992
1.933.385
28,27
Đan Mạch
2.346.873
8.398.307
-72,06
Tây ban Nha
1.687.999
1.339.948
25,97
Philippin
1.184.676
933.516
26,90
Ba Lan
1.120.299
1.942.882
-42,34

Từ đầu năm 2014, nhiều hãng sữa đã và đang “âm thầm” tăng giá. Cụ thể, từ tháng 12/2013 đến nay đã có 2/6 công ty thuộc diện phải dăng ký giá gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá về Bộ Tài Chính với mức tăng từ 5-10%, trong đó có một công ty gửi hồ sơ kê khai giá đề nghị điều chỉnh tăng giá 11/27 mặt hàng với mức tăng từ 5-9% nhưng chưa điều chỉnh do việc giải trình chưa rõ về nguyên nhân điều chỉnh.

Cụ thể, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) có văn bản số 2013002/FIN ngày 5/12/2013 kê khai giá điều chỉnh mức giá bán của 16/28 dòng sản phẩm, các mức tăng phổ biến 5-7%.

Trong 16 sản phẩm Mead Johnson thực hiện điều chỉnh tăng có 3 sản phẩm được điều chỉnh lần thứ 2 trong năm 2013 với mức tăng là 10%. Có 13 sản phẩm ổn định giá từ giữa năm 2012 đến nay mới điều chỉnh giá.

Việc tăng giá được các Công ty sữa cho rằng do giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng từ 1/8/2013, mức tăng từ 12,6-12,8%.

Cùng với đó, từ đầu năm 2014, giá các nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới đã tăng thêm từ 30% - 57% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, bột sữa gầy tăng khoảng 1.250 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ 3.650 USD/tấn lên 4.900 USD/tấn), tương đương tăng 34%; Bột sữa béo tăng khoảng 1.555 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ khoảng 3.600 USD/tấn lên 5.155 USD/tấn), tương đương tăng 43%; Dầu bơ tăng khoảng 2.096 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ 3.650 USD/tấn lên 5.746 USD/tấn), tương đương tăng 57%.

Trước sự biến động của thị trường sữa, Bộ Tài chính tăng cường quản lý giá sữa, yêu cầu các Sở Tài chính phải kiểm tra, rà soát và báo cáo tình hình giá sữa trên địa bàn trước ngày 10/3.

Bộ Tài chính và Cục Quản lý Giá vừa có công văn gửi Cục Quản lý Thị trường và các Sở về việc tăng cường quản lý giá sữa của các doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết hiện có 3 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Công ty cổ phần sữa Việt Nam và Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã kê khai và điều chỉnh giá bán trên thi trường. Còn Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam đã kê khai và dự kiến điều chỉnh giá bán một số sản phẩm sữa dành cho trẻ em 6 tuổi từ ngày 25/2.

Ngoài các đơn vị này, Bộ đề nghị cơ quan quản lý thị trường phải kiểm tra cả những doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đã điều chỉnh giá bán sữa nhưng chưa thực hiện việc kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước. Nếu phát hiện vi phạm, các cơ quan này cần tiến hành xử lý hành chính theo Nghị định 109 và công khai trên phương tiện thông tin.

Nghị định số 109 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, doanh nghiệp có hành vi điều chỉnh giá sữa bất hợp lý có thể bị phạt từ 1 đến 60 triệu đồng tùy vào tổng giá trị hàng bán. Đồng thời, số tiền thu lợi do hành vi vi phạm phải nộp vào ngân sách.

NG.Hương

Nguồn: vinanet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác