Kinh tế - Thị trường

Sữa tươi = giá cao?

Nhiều người cho rằng giá sữa tươi rẻ hơn so với sữa bột, đặc biệt là kể từ khi các nhà nhập khẩu điều chỉnh giá bán khiến giá sữa tại Việt Nam bị đẩy lên cao vót. Song sữa tươi cũng không thực sự rẻ như nhiều người vẫn nghĩ.
Sữa tươi đắt giá
 
Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường, trong khoảng hơn một năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng sữa đã có sự thay đổi rõ rệt, khi người dùng có nhu cầu sử dụng sữa tươi nguyên chất ngày càng nhiều. Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, trong 5 năm qua, mức tiêu thụ sữa tươi của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể, từ 5 lít/người/năm lên 13-15 lít/người/năm, và dự báo sẽ còn tăng nhiều hơn nữa.
 
Chị Thoa (Hoàn Kiếm) có con gái nhỏ khoảng 3 tuổi cho biết: “Sau khi sữa bột lên giá đắt quá mà thấy các bác sĩ khuyên là trẻ 2 tuổi không cần dùng sữa bột nữa nên tôi chuyển hẳn cho con uống sữa tươi. Vừa rẻ hơn sữa bột mà lại còn tăng chiều cao hơn sữa bột.”
 
Cũng cho con uống sữa tươi nhưng gia đình chị Huyền ở Cầu Giấy lại có lý do khác. “Tôi cho con uống sữa tươi từ khi cháu mới một tuổi. Không phải vì sữa tươi rẻ hơn sữa bột, tôi cho cháu uống sữa tươi của nước ngoài nên tính ra cũng chả rẻ hơn dùng sữa bột là mấy. Nhưng bé nhà tôi chỉ thích uống sữa tươi chứ không chịu uống sữa bột.”
 
Chưa biết sữa tươi có thật tươi 100% như quảng cáo hay không nhưng một thực tế trên thị trường cho thấy phần lớn các phụ huynh có con từ 4 tuổi trở lên gần như đã thay sữa bột bằng sữa tươi trong khẩu phần ăn của trẻ. Thậm chí nhiều gia đình không ngại giá cả, đặt mua nguyên cả thùng sữa tươi của Pháp về “cho yên tâm” mà cũng chưa biết yên tâm được bao phần.
 
Sữa tươi hiện nay có thể chia thành ba loại cơ bản. Một là sữa tươi thanh trùng, đảm bảo giữ được gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng và khoáng chất của sữa tươi mới vắt. Tuy nhiên, do chỉ được thanh trùng, tức là diệt khuẩn tức thời, nên hạn sử dụng cũng chỉ tối đa là khoảng 7 ngày, nhưng nếu đã mở nắp thì phải dùng hết trong 2-3 ngày. Loại thứ hai là sữa tươi tiệt trùng có hạn sử dụng từ 6 tháng đến một năm, được xử lý ở nhiệt độ cao, khiến cho một số vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác có thể bị hao hụt, đặc biệt hương vị thuần khiết ban đầu của sữa bò tươi cũng có thể bị thay đổi phần nào. Còn loại thứ ba là sữa tiệt trùng hoàn nguyên được chế biến từ sữa bột, chất béo các loại và nước, có thể bổ sung thêm phụ liệu.
 
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng đàn bò sữa hiện nay chỉ có khoảng 160.000 con, cho ra khoảng 410 triệu kg sữa/năm, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nội địa. Điều này cho thấy hai loại sau là phổ biến hơn cả do có thể nhập nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, dễ vận chuyển, sản phẩm để được lâu, tiết kiệm chi phí, giá cũng rẻ hơn, song loại sữa hoàn nguyên không thấy được đề cập trong Thông tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng số 30/2010/TT-BYT. Ít người tiêu dùng để ý đến điều này, cứ thấy sữa dạng nước đều chắc mẩm là con mình đang được uống sữa tươi mà thức chất có thể là được làm từ sữa bột.
 
Sữa tươi cao giá
 
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết trong vòng ba năm gần đây, người tiêu dùng bắt đầu tin tưởng vào chất lượng sữa nước nói chung, sữa tươi tiệt trùng nói riêng của các doanh nghiệp nội địa. Nắm bắt được xu hướng này, hàng loạt công ty liên tục tung ra sản phẩm gọi là “sữa tươi tiệt trùng” sử dụng 100% nguyên liệu từ sữa bò. TH True Milk cho biết doanh số mặt hàng sữa tươi tiệt trùng tại thị trường TP.HCM tăng ít nhất 20 – 30% trong vòng hai tháng gần đây. Đầu tháng 10 vừa qua, FrieslandCampina Việt Nam đã tung ra sản phẩm “Sữa chọn Cô gái Hà Lan” với thành phần chính được ghi là 100% sữa bò tươi. Dù không nêu con số cụ thể, song vị đại diện công ty này khẳng định từ khi tung ra thị trường, sản phẩm này “không có tồn kho”.
 
Còn với Vinamilk, dẫn đầu về sản lượng sữa bò tươi, khoảng 500 tấn/ngày và chiếm thị phần gần 48,7% mặt hàng sữa nước thì cho biết thường xuyên bị “cháy” hàng. Vừa qua, Vinamilk cũng chính thức nhập sữa tươi từ New Zealand, dù chưa quảng cáo rầm rộ nhưng đại diện công ty này tiết lộ “doanh số bán ra tăng vọt”.
 
Thị trường thì không thiếu người cung, song theo Sài Gòn Tiếp Thị, so với sữa bột, giá sữa nước vẫn đang ở phân khúc cao hơn hẳn, phổ biến ở mức 30.000 – 32.000 đồng/lít. Trong khi đó, nếu làm một phép so sánh nhỏ giá sữa tươi trong nước với các nước khác sẽ thấy một sự chênh lệnh khá lớn. Theo tờ Sài Gòn Tiếp Thị, một độc giả ở Canada cho hay mua 4 lít sữa tươi chỉ có giá 100.000 đồng nhưng ở Việt Nam, 1 lít sữa tươi có giá 35.000 đồng. Nông dân bán sữa bò tại trại dao động từ 14.500 – 15.000 đồng/lít, nghĩa là chưa bằng 1/2 giá sữa tươi tiệt trùng trên thị trường.
 
Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra về việc giá sữa tươi cao như vậy là do họ phải chịu các khoản đầu vào chênh lệch quá lớn so với các nước khác như nhân công, điện, nước, xăng dầu... và thậm chí là họ phải chi một khoản khá lớn cho công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, lý do nhân công xem ra khó lòng chấp nhận, bởi so với các nước khác, giá nhân công ở Việt Nam được xem là thuộc loại thấp. Đây cũng chính là một trong những “thế mạnh” thường xuyên được nêu ra để thu hút các dòng vốn FDI cũng như được đem ra lý giải cho hiện tượng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam khá mạnh.


Nguồn: songmoi.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác