Kinh tế - Thị trường

Sữa đặc suy giảm thị phần nhưng vẫn còn chỗ đứng

Vài năm trở lại đây xu hướng người tiêu dùng chuyển sang dùng sữa tươi, sữa bột và nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ sữa đã khiến thị phần sữa đặc suy giảm mạnh. Tuy vậy, vẫn có một lượng khách hàng nhất định quen dùng mặt hàng “truyền thống” của ngành sữa này, vì thế, thị trường sữa đặc vẫn tồn tại như "một phần tất yếu" của ngành sữa.

 Xuất hiện tại thị trường Việt đã trên 50 năm, sữa đặc được coi là sản phẩm truyền thống và lâu đời nhất của ngành sữa. Từ năm 2007 trở về trước sữa đặc có mức tăng trưởng doanh thu bình quân 22,7%/năm nhưng hiện đã bị giảm đáng kể. Trong giai đoạn 2009-2014, tốc độ tăng trưởng của sản phẩm này chỉ ở ngưỡng 3%/năm, thấp nhất trong các dòng sản phẩm sữa.

 

Nguyên nhân là do vài năm trở lại đây khi xu hướng tiêu dùng của người dân thay đổi. Trước kia, khi thị trường sữa nghèo nàn sản phẩm, chỉ có thể chọn mỗi sữa đặc để tẩm bổ cho người già, người ốm hay dùng làm sữa cho trẻ nhỏ khiến người ta thường có câu cửa miệng "bình thường như cân đường hộp sữa" khi đi thăm ai đó, mà hộp sữa thời đó chính là sữa đặc có đường, ngọt khé cổ. Tuy nhiên, đến nay thị trường đa dạng với đủ chủng loại sữa công thức cho trẻ nhỏ, sữa cho người già, người ốm và sữa tươi dành cho nhiều lứa tuổi thì sữa đặc không còn cho những thành phần tiêu dùng đa dạng như trước nữa. Hiện tại, sữa đặc chủ yếu dùng để pha chế đồ uống như cà phê, sinh tố… dùng để làm bánh, ăn kèm… những cốc sữa đặc ngọt lịm, nóng hổi dường như đã không còn sức hút như trước và chủ yếu được phổ biến tại vùng nông thôn do sữa đặc bị chê là nóng.

 

Sự chững lại của thị trường và sự cạnh tranh giữa các sản phẩm cũng không còn gay gắt đã khiến các doanh nghiệp chiếm thị phần chính trên thị trường sữa cũng ít tập trung đầu tư cho việc đổi mới, phát triển sản phẩm hay quảng cáo những sản phẩm này. Tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, sữa đặc thường ít được bày ở những vị trí đắc địa, dễ quan sát như những dòng sản phẩm sữa bột hay sữa tươi. Vài năm trở lại đây có thể thấy những quảng cáo sữa đặc cũng ít hơn khá nhiều so với hàng loạt quảng cáo của những sản phẩm sữa cùng loại. Thị trường sữa đặc được coi đã bão hòa và không còn có nhiều bước phát triển, thậm chí đã có nhiều nhận định cho rằng sữa đặc có thể bị khai tử trong vài năm tới.

 

Thị trường vẫn có nhu cầu với những sản phẩm sữa đặc.

 

Hiện tại, thị trường sữa đặc Việt đang nằm trong tay 2 doanh nghiệp là Vinamilk và Friesland Campina Việt Nam. Trong đó, Vinamilk vẫn đang chiếm thị phần áp đảo trên thị trường (trên 75%) với 2 nhãn hàng sữa Ông Thọ và  Ngôi Sao Phương Nam. Những năm qua, sữa Ông Thọ cũng đã phát triển đa dạng hóa sản phẩm với mác trắng, mác xanh mác đỏ, sữa hộp nhựa dạng mini. Sữa đặc Ngôi Sao Phương Nam dạng hộp thiếc cũng được đa dạng nhãn mác bằng màu sắc: nhãn xanh, nhãn đỏ, nhãn cam và nhãn xanh biển. Ngoài ra dòng sữa này cũng có thêm sản phẩm sữa đặc hộp giấy với nắp mở khá tiện lợi và dễ sử dụng. Friesland Campina Việt Nam chiếm (khoảng 20%) thị phần sữa đặc với những nhãn hàng Dutch Lady, Cô Gái Hà Lan, Hoàn Hảo, Trường Sinh.

 

Ngoài ra trên thị trường vẫn có những sản phẩm sữa đặc của một số doanh nghiệp nội nhưng được tiêu thụ khá ít như sữa đặc có đường của Mộc Châu Milk hay các sản phẩm sữa đặc nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hà Lan… như Tea Pot, Orchid, F&N, Gloria, Carnation… với giá bán cũng tương đương với nhiều sản phẩm trong nước và chất lượng ổn định. Tuy vậy, lượng tiêu thụ vẫn khá ít so với sản phẩm của Vinamilk hay Friesland Campina.Đồng thời, việc nhập khẩu sữa đặc hiện đang vướng khá nhiều thủ tục hay chi phí vận chuyển và lợi nhuận cũng không cao nên nhiều doanh nghiệp không lựa chọn mặt hàng này. Vì vậy, thời gian tới cũng khó có thể xảy ra sự đột biến nào về sản phẩm sữa đặc nhập khẩu trên thị trường.

 

Tuy đã rơi vào giai đoạn thoái trào, tuy nhiên sữa đặc vẫn đang có thị phần nhất định trong ngành sữa và thị trường vẫn tồn tại nhu cầu với mặt hàng này. Hơn nữa, đây là sản phẩm truyền thống, nhãn hiệu đã quen thuộc với người dùng, bên cạnh đó, các nhãn sữa đặc khá ít và đã định hình đối tượng khách hàng nên cũng không chịu sự cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất sẽ khó lòng khai tử thị trường đã nắm trong tay khiến sữa đặc vẫn tồn tại như "một sự tất yếu" của ngành sữa. Tuy nhiên, trong tương lai, số lượng người lớn tuổi quen uống sữa đặc sẽ ít dần đi, còn lớp trẻ thì đã quá nhiều sự lựa chọn với các sản phẩm sữa đa dạng, vì thế, nếu sữa đặc không thay đổi mà vẫn chỉ neo vào dòng sản phẩm "truyền thống", không chuyển mình cùng sự phát triển tâm lý người tiêu dùng, thì đến khi đó, sự tất yếu cũng sẽ trở nên thứ yếu, không cần thiết.

 

Vĩ Thanh

Nguồn: songmoi.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác