Kinh tế - Thị trường

Hoàng Anh Gia Lai: Khi doanh thu tăng 10,2% là chưa đủ

(Dairy Việt Nam) -Kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu tăng 10,2%. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt kỳ vọng lớn lao mà cổ đông dành cho doanh nghiệp này.

Kỳ vọng càng cao, khó khăn càng nhiều Từ bỏ phần lớn mảng kinh doanh bất động sản khi nhận định thị trường trong nước nhanh chóng sẽ “vỡ bong bóng” để tập trung nhiều lĩnh vực khác, thị trường nước ngoài khiến Hoàng Anh Gia Lai nhận được nhiều sự thán phục.

 

     Tuy nhiên, năm 2015 có thể được xem như một năm khó khăn của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và bầu Đức khi các lĩnh vực đầu tư chính của doanh nghiệp như cao su, mía đường, bất động sản tại Myanmar đều không mấy thuận lợi. Theo đó, tại thị trường cao su, năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai đã mạnh tay đầu tư 9 triệu USD để xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su hiện đại với công suất 3 tấn/ha tại Attapeu, Lào (trong khi Ấn Độ - nước đứng đầu về sản xuất cao su cũng chỉ đạt sản lượng 1,82 tấn/ha).

 

   Theo tính toán của HAGL, với giá cao su trung bình từ 2.500 USD đến 3.000 USD/tấn trong khi giá thành sản xuất chỉ từ 1.200 đến 1.400 USD /tấn . Như vậy. trong vòng 5 năm (kể từ khi đưa vào khai thác năm 2013), khi 25.000 ha cao su Attapeu được khai thác hết, sản lượng mủ cao su hàng năm thu được sẽ lên đến 100.000 tấn, đem lại thu nhập 300 triệu USD/năm và lợi nhuận lên tới hơn 100 triệu USD/năm.

 

    Tuy nhiên, đó chỉ là tính toán, còn thực tế sau khi “lập đỉnh” vào năm 2012 với giá có lúc lên tới 6.000USD/tấn, tới nay, giá cao su sụt giảm liên tục trong 3 năm với mức giá chỉ quanh mức 1.500 USD/tấn – xấp xỉ ở mức sản xuất ra. Một thị trường nữa cũng gặp nhiều khó khăn đó đường mía. Những tưởng những cây mía sẽ đem lại cho HAGL lợi nhuận cao (theo ước tính trong năm 2015 sẽ đạt khoảng từ 70 – 80 tỷ đồng).

 

     Tuy nhiên, đây là mặt hàng bị cạnh tranh gay gắt vào HAGL không có sự ủng hộ của yếu tố “sân nhà”. Xuất ngoại trồng mía để tận dụng được nguồn đất, nhân công giá rẻ nhưng con đường trở về Việt Nam của đường mía HAGL lại không hề dễ dàng dù giá rẻ (6.600đ/kg đường mía HAGL sản xuất so với giá từ 11.000 – 13.000đ/kg đường mía trong nước).

 

     Bằng chứng là đề xuất cho nhập khẩu 30.000 - 40.000 tấn đường được sản xuất tại nhà máy ở Attapeu cho công ty CP đường Biên Hòa để tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc của tập đoàn HAGL đã bị Hiệp hội mía đường Việt Nam kịch liệt phản đối. Lý do được ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam đưa ra là “Đoàn Nguyên Đức làm vậy là có hại cho ngành đường Việt Nam”.

 

    Tranh cãi kịch liệt tới mức bầu Đức phải đưa ra tuyên bố “Tập đoàn vẫn còn cân nhắc, tính oán, chưa chắc đã mang đường về Việt Nam” thì mọi chuyện mới tạm chấm dứt. Hai ngành đầu tư khác của HAGL dù rất hứa hẹn nhưng cũng còn phải chờ câu trả lời từ tương lai là bất động sản tại Myanmar và kinh doanh bò sữa. Tuy nhiên, đây cũng là hai lĩnh vực xuất hiện nhiều khó khăn. Từng được kỳ vọng là mảnh đất vàng theo đúng nghĩa đen sau khi được Mỹ gỡ bỏ cấm vận, đất tại Myanmar sốt giá từng ngày và Hoàng Anh Gia Lai đã gia nhập đúng thời điểm đó. Tuy nhiên, để tránh cho thị trường “vỡ bong bóng”, vào nửa cuối năm 2014, chính phủ Myanmar đã áp dụng mức thuế rất cao cho giao dịch bất động sản.

 

    Thuế suất lên đến 30% áp dụng cho người mua với giá trị mua trên 306.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng) và thuế suất 10% áp dụng đối với người bán. Trong khi đó, dù đã đầu tư tới hàng nghìn tỷ vào việc kinh doanh bò sữa cao cấp nhưng kết quả kinh doanh quý I/2015 vẫn chưa ghi nhận được dòng tiền thu về từ loại hình đầu tư này của tập đoàn.Chờ đợi vào tài “chèo lái” của bầu Đức Tuy nhiên, những khó khăn trên thực tế chỉ làm giảm bớt đi phần nào lợi nhuận mà HAGL thu được chứ không hoặc chưa đủ để tập đoàn này thua lỗ.

 

     Bằng chứng là kết quả kinh doanh năm 2014 của tập đoàn, doanh thu vẫn tăng 10,2% - đạt mức 3.054 tỷ đồng. Lý do chính khiến cổ đông “nhấp nhổm” có lẽ chỉ vì đây là mức doanh thu thấp nhất trong 4 năm trở lại đây của tập đoàn và họ đã đặt kỳ vọng quá cao vào mức lợi nhuận “khủng” mà thôi! Tuy nhiên, tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư đã khiến cổ phiếu HAGL (mã CK: HAG) trượt dốc, từ giá 23.500 đồng đầu năm, chốt phiên ngày 20/6 HAG chỉ còn 17.500 đồngc cổ phiếu. Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai tự tin tuyên bố trước đại hội đồng cổ đông của công ty: “Hoàng Anh Gia Lai sẽ không bao giờ chết”. Để khẳng định cho tuyên bố của mình, bầu Đức đưa ra một loạt minh chứng về tình hình kinh doanh của tập đoàn. Về khoản dư nợ 18.000 tỷ đồng, bầu Đức khẳng định đã kinh doanh thì có ai không nợ.

 

      Tuy nhiên, số nợ 18.000 tỷ đồng không thấm vào đâu so với tổng tài sản 40.000 tỷ đồng của HAGL. Riêng 7.000 tỷ đồng nợ trái phiếu và nợ ngân hàng đến hạn trong năm nay về cơ bản đã được kiểm soát. Các trái chủ đều đồng thuận gia hạn thêm 2 năm vì quyền lợi chung. Liên quan tới thị trường bất động sản tại Myanmar có thể không đạt kỳ vọng lợi nhuận như ban đầu, bầu Đức cho hay đối với khu phức hợp tại Myanmar, quỹ đất được mua với giá cực rẻ.

 

      Cuối quý II/2015, giai đoạn một của dự án sẽ đi vào hoạt động. Văn phòng cho thuê giá 62 USD/m2/tháng, trung tâm thương mại 45-50 USD/m2, tỷ lệ khách thuê từ 80% trở lên. Riêng căn hộ, tập đoàn đang xây nhà mẫu, sẽ ra mắt vào tháng 6 và đã có hơn 50 khách hàng giữ chỗ. Giá bán cạnh tranh (2.700 USD mỗi m2) so với khu trung tâm Yangon (3.000-4.000 USD một m2). Còn đối với việc đầu tư nghìn tỷ vào đàn bò nhưng chưa thấy lợi nhuận đâu, bầu Đức khẳng định "Lý do chưa ghi nhận doanh thu từ bò vào quý I/2015 vì tập đoàn muốn dồn dòng tiền này cho quý II. Từ quý II trở đi là thời điểm chín muồi bò xuất chuồng đạt chuẩn với số lượng lớn, lợi nhuận sẽ đều đặn và tăng dần đến cuối năm”.

 

  Theo nhiều chuyên gia nhận định, vấn đề của Hoàng Anh Gia Lai là theo quy luật chung của thị trường nhưng tập đoàn này gặp bất lợi do đầu tư lên tiếp vào các dự án vốn lớn, đòi hỏi dài hạn. Tuy nhiên, những dự án của HAGL trên thực tế vẫn rất hứa hẹn đem về lợi nhuận lớn. Do đó, điều mà HAGL cần bây giờ có lẽ chỉ là thời gian để các dự án “vào guồng”. Và niềm tin của các cổ đông dành cho tài chèo lái của bầu Đức như khi ông đã đưa tập đoàn thoát khỏi thị trường bất động sản đóng băng mà thôi!

 

   Thùy Linh

Nguồn: nguoiduatin.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác