Kinh tế - Thị trường

Hà Nội: Thực trạng và giải pháp tiêu thụ sữa tươi

Thành phố Hà Nội hiện có đàn bò sữa là 14.900 con; trong đó, đàn bò cái sinh sản 8.879 con (chiếm 60,8% tổng đàn), đàn bò cái vắt sữa 6.742 con (chiếm 75,9% tổng đàn bò cái sinh sản).

 

 

 

 

 

 

 

 

Năng suất sữa đạt 4.700 kg/chu kỳ, sản lượng sữa bò tươi toàn thành phố là 103.779 kg sữa tươi/ngày. Quy mô chăn nuôi có 3.157 hộ nuôi, quy mô bình quân 4,6 con/hộ. Đến nay, chăn nuôi bò sữa tại Hà Nội đã hình thành rõ nét 12 xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm với tổng số bò 11.713 con, chiếm 80,2% tổng đàn, số hộ chăn nuôi là 2.669 hộ, sản lượng sữa đạt 86.038 kg/ngày, chiếm 82,9% sản lượng sữa toàn thành phố. Giống bò sữa hiện nay, chủ yếu nuôi giống bò Hà Lan (HF), cơ cấu giống bò thuần chủng (8%), HFF3 (72%), HFF2 (12%), HFF1 (8%).

 

Về hoạt động thu gom, tiêu thụ sữa tươi trên địa bàn thành phố hiện có 06 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến và tiêu sữa (Công ty cổ phần sữa Quốc tế IDP, Công ty cổ phần sữa Ba Vì, Hanoimilk, Vinamilk, Công ty sữa Xuân Mai và Công ty sữa cô gái Hà Lan). Tổng số trạm thu gom sữa cho 06 công ty là 106 trạm, trong đó số trạm thu gom sữa cho Công ty cổ phần sữa IDP chiếm số lượng lớn nhất. Các trạm thu gom tập chung chủ yếu là ở Ba Vì với 72/106 trạm (67,9%); Gia Lâm là 16/106 trạm (15,1%), số còn lại tập trung ở các vùng như Phúc Thọ, Quốc Oai, Đông Anh. Số trạm thu gom sữa có công suất ≥ 1.500 lít là 3 trạm; ≥1.000 lít là 67 trạm và ≤ 500 lít là 32 trạm. Tổng sản lượng sữa hiện nay của đàn bò sữa là 103.779 kg sữa tươi/ngày.

 

Những năm qua, việc tiêu thụ sữa là khá ổn định do Thành phố và các công ty thu mua sữa đã có những chính sách phù hợp với người chăn nuôi như việc xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến sữa (tại Tản Lĩnh – Ba Vì), các cơ quan nhà nước phối hợp với các công ty trong đào tạo chuyển giao kỹ thuật, tham quan học tập kinh nghiệm. Có cơ chế cho mạng lưới thu gom tiêu thụ sữa, thưởng cho hộ có chất lượng sữa cao, ký hợp đồng với người dân để đảm bảo cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và những chính sách phù hợp của Thành phố đã thúc đẩy tốc độ tăng đàn bò sữa khá mạnh với 8,5 ngàn con năm 2010 đến năm 2014 đã gần 15 ngàn con, người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cuối năm 2014, việc tiêu thụ sữa của người chăn nuôi gặp khó khăn (nhất là ở khu vực huyện Gia Lâm), giá cả không ổn định làm cho người chăn nuôi hết sức lo lắng, nhiều hộ đã phản ánh đề xuất với các đơn vị chức năng, các công ty để có giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc thu mua sữa để chăn nuôi bò sữa tiếp tục phát triển.

 

Về nguyên nhân việc tiêu thụ sữa gặp khó khăn thì có nhiều, như do giá sữa bột tại thời điểm trên thị trường thế giới giảm mạnh, do phương thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, do biến động giá cả thị trường. Với địa bàn Hà Nội còn có những nguyên nhân chủ quan, như: Một số hộ chăn nuôi tự phát triển bò sữa, mặc dù không nằm trong xã quy hoạch. Nhiều hộ chăn nuôi không thực hiện việc ký kết với công ty thu mua sữa để đảm bảo đầu ra ổn định. Khi mùa hè đến thì hộ chăn nuôi bán sữa ra ngoài với giá cao để thu lợi nhuận mà không thực hiện cam kết với công ty. Khi mùa đông đến, tiêu thụ sữa tươi giảm, việc bán sữa tươi ra ngoài thị trường gặp nhiều khó khăn. Những bất cập này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ sữa từ chính các hộ chăn nuôi và gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất. Một nguyên nhân nữa được quan tâm đề cập trong việc thu mua sữa không ổn định đó là việc quản lý nâng cao chất lượng sữa. Do chăn nuôi nhỏ lẻ (có hộ chỉ nuôi 1 - 2 con), tập quán nhiều hộ chăn nuôi còn tận dụng, chưa áp dụng tốt quy trình chăn nuôi nên lượng sữa thu gom từ các hộ thấp, không đồng đều, chất lượng không cao, từ đó giá sữa các công ty trả đến người chăn nuôi cũng không thể ổn định.Để việc tiêu thụ sữa năm 2015 và những năm tới có bước phát triển ổn định, ngành Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã và đang tập trung triển khai những giải pháp cụ thể, đó là:

 

- Tiếp tục triển khai phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó, tập trung các xã thuộc 02 huyện Ba Vì, Gia Lâm và các hộ chăn nuôi lớn ngoài khu dân cư. Nâng quy mô chăn nuôi trang trại xa khu dân cư lên trên 10 con/hộ để từng bước đảm bảo việc đầu tư trạm thu mua sữa lớn tập trung.

 

- Rà soát quy hoạch, các xã nằm trong quy hoạch để thực hiện tốt việc tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi bò sữa thực hiện chăn nuôi theo quy hoạch. Bên cạnh đó, làm tốt công tác truyên truyền để giúp người chăn nuôi ký hợp đồng với các công ty thu mua sữa ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi. Các cơ quan chuyên môn sẽ làm cầu nối để các công ty đảm bảo thu mua hết sữa cho nông dân.  

 

- Nâng cao chất lượng sữa cho các hộ chăn nuôi. Đây là giải pháp rất cơ bản để vừa nâng cao giá thành cho người chăn nuôi vừa thuận lợi cho việc thu mua. Thực tế khi thời điểm thu mua gặp khó khăn, các hộ chăn nuôi có chất lượng sữa tốt luôn được các công ty thu mua sữa đảm bảo thu mua ổn định so với hộ chăn nuôi chất lượng sữa còn thấp.

 

- Thu hẹp số lượng trạm thu gom sữa nhỏ lẻ, mở rộng các trạm thu gom sữa lớn để tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng thu gom, tiện cho việc vận chuyển sữa từ các trạm đến nhà máy sản xuất. Với số lượng 106 trạm như hiện nay chỉ cần thu lại khoảng 50 - 60 trạm đặt ở các khu vực phù hợp với vùng, xã chăn nuôi trọng điểm để tăng đầu tư nâng cao chất lượng các trạm thu gom.

 

- Tiếp tục có chính sách đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà xưởng, dụng cụ chuyên ngành phục vụ việc thu gom bảo quản sữa đến các trạm thu mua sữa để nâng cao chất lượng sữa đảm bảo thu mua hết sữa cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn Thành phố.

 

- Từng bước thay đổi tập quán cho người chăn nuôi, đã chăn nuôi phải nghĩ ngay đến việc vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường hợp tác liên kết chuỗi tiêu thụ sữa, gắn kết từ người chăn nuôi đến trạm thu gom đến nhà máy chế biến sản xuất sữa.

 

- Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; việc sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu của các cơ quan thu mua sữa nhằm gắn trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên trong việc tiêu thụ sữa.

 

- Tiếp tục thực hiện các chính sách về hỗ trợ sản xuất giống bò sữa, cải tiến điều kiện chăn nuôi, khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi ngoài khu dân cư. Có chính sách động viên khuyến khích các hộ chăn nuôi có chất lượng sữa cao, đầu tư công nghệ chăn nuôi tiên tiến, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ.

 

Với những giải pháp nêu trên cùng sự vào cuộc đồng bộ, có hiệu quả của các cấp các ngành, các công ty thu gom sữa, chắc chắn việc tiêu thụ sữa tươi của người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn TP. Hà Nội sẽ có bước chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chăn nuôi bò sữa phát triển hiệu quả, bền vững.

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác