Kinh tế - Thị trường

Cơ chế nào cho giá sữa?

Thời gian qua giá sữa liên tục tăng cao khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc. Mặc dù việc doanh nghiệp tăng giá sản phẩm là bình thường trong kinh doanh, nhưng liên tục tăng giá và giữ ở mức cao như sữa đang là điều quá vô lý mà vẫn được chấp nhận tại thị trường Việt Nam. Trong khi cơ quan quản lý còn đang lúng túng trong việc tìm một cơ chế hợp lý để ghìm cương giá sữa, thì mặt hàng này vẫn tiếp tục tăng "phi mã" và không hề run sợ trước những đợt thanh tra của Bộ Tài chính.

Vài năm trở lại đây, sữa đã trở thành loại thực phẩm thiết yếu với nhiều gia đình Việt. Tuy nhiên, thứ thực phẩm thiết yếu này đã được nhiều người ví như hàng cao cấp khi chỉ trong 3 năm, giá sữa tăng 30 lần mà chưa lần nào hạ giá giá. Năm nào cũng phải có 1 vài đợt sữa tăng giá với đủ lý do như giá nguyên liệu thế giới tăng, thêm vi chất, thay bao bì… Vẫn biết việc tăng giá sản phẩm của các doanh nghiệp là khó tránh nhưng việc tăng thường xuyên và neo giá ở mức cao như hiện nay là không tương xứng với chất lượng, cũng như coi thường người tiêu dùng Việt.

Chỉ mới từ đầu năm 2014, các doanh nghiệp kinh doanh sữa chiếm thị phần lớn tại Việt Nam đã đồng loạt tăng giá với lý do chung là giá nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng cao. Theo thông báo của Bộ Tài chính đã có 5 "ông lớn" ngành sữa đăng ký tăng giá tới thời điểm hiện tại nhưng dù chưa được cho phép thì Nestlé và Abbott đã vội vàng nâng giá, vì thế họ đang phải giải trình thêm vì lý do tăng giá chưa hợp lý. Trước đó, những sản phẩm sữa của Abbott đã tăng giá nhưng với lý do là công ty này cắt giảm chương trình chiết khấu đặc biệt dành cho các nhà phân phối, đại lý. Nếu được Bộ Tài chính đồng ý thì những sản phẩm khác cũng đã tăng giá từ ngày 15/3.

Vốn không mấy chịu ảnh hưởng của việc giá sữa nguyên liệu thế giới tăng do được quảng cáo là có nguồn cung trong nước, nhưng Vinamilk Milk cũng vẫn tăng giá sản phẩm với lý do 2 năm nay không tăng giá mà tình hình lạm phát tăng cao.

Từ khi sữa không còn núp dưới danh nghĩa thực phẩm chức năng hay thực phẩm dinh dưỡng... mà đã được " trả lại tên cho em" trong danh mục quản lý thì các loại sữa đều phải kê khai đăng ký tăng giá với Bộ Tài chính và để Bộ này xem xét việc tăng giá có hợp lý hay không, nếu hợp lý thì cho tăng giá. Tuy nhiên, hàng loạt doanh nghiệp cùng tăng giá trong thời gian qua khiến người tiêu dùng không khỏi thất vọng bởi dường như việc thay đổi quản lý chưa đem lại hiệu quả là bao.

Hiện nhiều người tiêu dùng đang chờ kết quả thanh tra của Nhà nước trong việc liệu có việc các doanh nghiệp sữa đang bắt tay tăng giá trong thời gian qua. Nguyên nhân tăng là do giá nguyên liệu thế giới tăng hay đó chỉ là cái cớ dễ dàng giúp doanh nghiệp tăng giá. Tuy nhiên, với kết quả của khá nhiều lần thanh tra tăng giá sữa trước đó đều cho là sữa tăng hợp lý thì người tiêu dùng cũng chẳng trông chờ gì mấy vào một sự thay đổi đột phá.

Thực tế, sự vô lý trong việc tăng giá sữa đã được khá nhiều chuyên gia kinh tế phân tích và báo chí cũng tốn không ít giấy mực. Tuy nhiên, dường như tìm ra cơ chế để có thể quản lý giá sữa vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.

Chuyện đấu thầu giá sữa cũng đã được nêu ra như một giải pháp nhằm giải quyết vấn nạn giá sữa nhưng phải đạt được những điều kiện cần, khách quan cho việc đấu thầu minh bạch, còn nếu chỉ giống như việc đấu thầu thuốc tại bệnh viện hiện nay với kết quả trúng thầu là những mặt hàng tuy rẻ nhưng kém chất lượng thì xem ra để có một cơ chế quản lý giá sữa hiệu quả vẫn đang nằm ở thì tương lai.

 

Vĩ Thanh
Nguồn: songmoi.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác