Góc nhìn chuyên gia

'30 năm nghiên cứu, tôi chưa thấy chuyện sữa có đỉa'
Tiến sĩ Bozena Malmgren, chuyên gia kỹ nghệ cấp cao của Thụy Điển cho rằng với công nghệ hiện đại trong ngành sữa hiện nay không thể xảy ra việc có đỉa trong sữa. Bà khuyên người tiêu dùng Việt không nên quá lo lắng.

- Từng 2 lần đến Việt Nam, bà nghĩ sao về thông tin "trong sữa có đỉa" xuất hiện trên một số diễn đàn và mạng xã hội mới đây?

- Tôi cho rằng thông tin này không đáng tin. Gần 30 năm trong nghề, tôi thấy những tin đồn tương tự như vậy chỉ xuất hiện ở các quốc gia đang phát triển, nơi người tiêu dùng còn thiếu hiểu biết về công nghệ.

- Từ góc độ kỹ thuật, bà giải thích thế nào trước thông tin sữa có đỉa?

- Trên thực tế, thực phẩm nhanh hư hỏng hay nhiễm khuẩn là do phương pháp chế biến và bảo quản không đảm bảo. Có nhiều phương pháp bảo quản thực phẩm truyền thống như ướp đường, ướp muối, ướp lạnh, làm khô, lên men, muối chua, xông khói, nấu chín… Những phương pháp này tuy có thể giúp kéo dài hạn dùng nhưng phần nào làm thay đổi tính chất sản phẩm, thời gian bảo quản cũng bị hạn chế.

Tiến sĩ Bozena Malmgren, chuyên gia kỹ nghệ cấp cao của Thụy ĐiểnTiến sĩ Bozena Malmgren, chuyên gia kỹ nghệ cấp cao của Thụy Điển từng đến Việt Nam tham dự 2 hội thảo về công nghệ hiện đại trong ngành sữa.

Ngày nay, nhờ những phát minh khoa học, công nghệ mới, các nhà sản xuất có thể kéo dài hạn sử dụng thực phẩm hiệu quả mà không cần dùng tới chất bảo quản. Trong ngành sữa, đó là công nghệ thanh trùng và tiệt trùng UHT. Công nghệ chế biến và đóng gói tiệt trùng UHT được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới trong hơn 60 năm qua, giúp loại bỏ hoàn toàn các vi sinh vật có hại, vốn là tác nhân gây hỏng sản phẩm. Tôi cho rằng sữa có đỉa là không thể xảy ra.

- Người dùng vẫn lo vi khuẩn có hại hay "sinh vật lạ" xâm nhập vào sữa dù đã xử lý bằng công nghệ tiệt trùng hiện đại. Bà nói gì về điều này?

- Nguyên tắc căn bản của công nghệ chế biến tiệt trùng UHT là gia nhiệt sản phẩm ở 136-140 độ C trong thời gian ngắn (4-6 giây) rồi làm nguội nhanh ở 25 độ C. Quy trình xử lý nhiệt cực nhanh này đã giúp tiêu diệt hết vi khuẩn có hại, đồng thời giữ lại tối đa các chất dinh dưỡng và mùi vị tự nhiên của sữa.

Toàn bộ quá trình từ chế biến, đóng gói đều diễn ra tự động, trong môi trường tiệt trùng hoàn toàn. Tất cả sản phẩm tiệt trùng thương mại đều đảm bảo 3 yếu tố: giữ chất lượng tốt, ổn định, không hư hỏng trong quá trình bảo quản; không chứa các vi khuẩn và độc tố có thể gây hại sức khỏe người tiêu dùng; không chứa bất cứ vi sinh vật nào có khả năng sinh sôi, phát triển khiến gây hỏng sản phẩm trong quá trình bảo quản.

- Quy trình chế biến đảm bảo an toàn, nhưng hầu hết trường hợp người tiêu dùng khiếu nại sản phẩm là do khâu vận chuyển đóng gói không đáp ứng đúng tiêu chuẩn khiến sữa bị vi khuẩn xâm nhập. Nhận xét của bà trước thực tế này?

Giữa tháng 9, người tiêu dùng Việt hoang mang trước thông tin sinh vật lạ trong sữa lan nhanh. Nhiều người cho rằng sinh vật lạ này là đỉa.

Ngày 24/9, Hiệp hội Sữa Việt Nam phát đi thông cáo khẳng định đây là tin đồn thất thiệt.

- Bao bì sữa tiệt trùng được kết cấu chắc chắn gồm 6 lớp, giúp bảo vệ tối đa chất lượng sản phẩm, ngăn 100% ánh sáng (vốn là tác nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa), ngăn vi khuẩn từ không khí xâm nhập vào (tác nhân gây hỏng sữa)… Do vậy người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm.

Tuy nhiên, ở các quốc gia đang phát triển, điều kiện cơ sở hạ tầng, đường sá, hậu cần, bảo quản còn yếu kém, có thể diễn ra tình trạng bao bì bị vỡ, nứt, biến dạng (nhiều khi mắt thường không thấy được) vi khuẩn tái nhiễm vào sản phẩm. Hoặc việc để sữa ngoài nắng, mưa, xếp cao hơn 6 lớp, quăng quật thùng sữa khi vận chuyển… cũng khiến bao bì bị hư hỏng. Điều đó giải thích vì sao tình trạng hỏng chỉ xuất hiện ở một sản phẩm hoặc một lốc đơn lẻ. Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng người tiêu dùng nếu thấy bao bì bị méo, thay đổi hình dáng, phồng hay nghi ngờ bị nứt, vỡ thì tốt nhất nên yêu cầu người bán đổi sản phẩm khác.

- Lời khuyên của bà dành cho người tiêu dùng Việt Nam trong những trường hợp tương tự "sữa có đỉa"?

- Hãy là người tiêu dùng thông minh, có kiến thức. Khách hàng nên chọn sản phẩm có thương hiệu, được sản xuất với công nghệ tiên tiến, không nên chọn sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Tiến sĩ Bozena Malmgren, 58 tuổi, là chuyên gia kỹ nghệ cấp cao trong ngành sữa, nước giải khát tại Lund, Thụy Điển. Bà được đào tạo về công nghệ thực phẩm và hóa sinh ở bậc đại học, nhận bằng tiến sĩ tại Đại học tổng hợp Lund, Thụy Điển. Bà Bozena từng đến Việt Nam trình bày tham luận về công nghệ tiệt trùng tại 2 hội thảo "Công nghệ tiệt trùng UHT - Chìa khóa của chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm" tại Hà Nội và TP HCM do Bộ Công Thương tổ chức.

 

 

Xuân Ngọc

 

Xuân Ngọc

Nguồn: DungHangViet.Vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác