Giải pháp cho hộ nông dân

Sóc Trăng: Triệu phú bò sữa người Khmer

Từ hai bàn tay trắng, người nông dân Khmer Kim Ngỡ ở ấp Tài Công, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã làm giàu bằng chính niềm tin, nghị lực và sức lao động của mình. Đặc biệt, mô hình nuôi bò sữa của gia đình ông đã và đang trở thành “điểm sáng” để người dân nơi đây noi theo.

Phải băng qua cánh đồng lúa hơn 1km mới đến nhà ông Kim Ngỡ. Tuy nằm cách xa đường chính nhưng khi hỏi về ông thì bà con trong sóc ai cũng biết. Bởi với họ, một người từ hai bàn tay trắng, nhờ chắt chiu tích cóp, cộng với mồ hôi, công sức, giờ đây ông đã là chủ hơn 3ha đất ruộng, tám con bò sữa và một ngôi nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng.

Để có một gia sản như thế, vợ chồng ông phải vượt qua rất nhiều chông gai, thử thách: Những năm 2000, vợ chồng ông đi làm thuê tứ xứ lo từng bữa ăn, ai mướn gì cũng làm. Quen sống trong cảnh nghèo nên vợ chồng ông chi tiêu rất tằn tiện. Ông Ngỡ cho biết: “Sống ở nông thôn thì phải có ruộng mới làm giàu được, nếu không chỉ suốt đời đi mần mướn”. Chính từ quan niệm đúng đắn ấy, số tiền dành dụm được, vợ chồng ông mua dần từng công đất. Khi đã có ruộng trong tay, ông mới nghĩ cách làm giàu. Ông tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa, chăn nuôi gia súc... Năm 2007, khi dự án nâng cao đời sống đồng bào Khmer được triển khai thông qua mô hình nuôi bò sữa, vợ chồng ông cùng tham gia, được hỗ trợ hai con bò sữa.

Lúc đầu, việc nuôi bò sữa dù vốn ít nhưng lại mất đi lao động chính vì phải tìm cắt cỏ cho bò ăn. Vì thế, những năm đầu dự án nuôi bò sữa ở xã Tài Văn được triển khai, nhiều gia đình ở đây đã bỏ nghề hoặc bán bò cho hộ khác. Nhưng với gia đình ông Ngỡ thì khác, nhờ am hiểu kỹ thuật và quyết tâm thoát nghèo, ông vẫn âm thầm theo đuổi con đường riêng: bò đẻ ra bò đực thì bán, còn bò cái ông để lại nuôi. Đến năm 2010, ông Ngỡ đã có sáu con bò. Thấy giá sữa ngày càng tăng và lợi nhuận cũng cao hơn, ông mua thêm hai con bò cái trị giá trên 30 triệu đồng và cho biết: “Mấy năm nay, nhờ nuôi bò sữa nên gia đình mới khá hơn và nuôi các con ăn học đàng hoàng. Sắp tới tôi tính mở rộng thành quy mô trang trại”.

Hiện nay, bình quân một ngày hộ ông Ngỡ vắt từ 15 đến 20kg sữa/con bò, giá 11.000 đồng/kg. Thấy nuôi bò sữa lời cao, vốn đầu tư ít nên ông đã dùng ba công ruộng để trồng cỏ nuôi bò. Hầu như hàng ngày, vợ chồng ông không lúc nào ngơi tay: sáng vắt sữa bò, rồi đi cắt cỏ cho bò ăn, xong lo chăm sóc ruộng lúa.

Không chỉ am hiểu việc chăn nuôi bò sữa, ông Ngỡ còn là lão nông thành thạo trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nên năng suất lúa của gia đình ông vụ nào cũng đạt trên 8 tấn/ha. Với những nỗ lực không ngừng của mình, bình quân một năm gia đình ông Ngỡ thu nhập trên 400 triệu đồng từ các mô hình sản xuất.

Từ hai bàn tay trắng những ngày đầu lập thân mà đến nay, một nông dân ở vùng quê nghèo như ấp Tài Công đã phấn đấu có được nguồn thu nhập đáng nể. Điều này càng minh chứng cho nghị lực phi thường của bàn tay con người: dù là ở thành thị hay nông thôn, vùng sâu vùng xa chỉ cần có ý chí vươn lên, nhạy bén với thông tin sản xuất, khoa học kỹ thuật và dám nghĩ dám làm thì việc thoát nghèo, vươn lên làm giàu chẳng có gì là khó khăn.



Nguồn: congan.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác