Giải pháp cho hộ nông dân

Nuôi bò sữa thu hàng chục triệu mỗi ngày nhờ tận dụng phế phẩm

Với niềm đam mê bò sữa, cũng như sự cần cù chịu khó và biết vận dụng cách làm mới, anh nông dân Đào Văn Hôn (sinh năm 1962, ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã thành công trong nghề nuôi bò sữa.

 Hơn 20 năm gắn bó với con bò sữa, anh Hôn đã xây dựng cho mình được một trại bò sữa với số lượng 200 con, thu nhập bình quân mỗi ngày hàng chục triệu đồng.

 

Mỗi ngày thu 1 tấn sữa

 

Anh Đào Văn Hôn cho biết, trước đây gia đình anh rất khó khăn, anh phải đi làm thuê, làm mướn, hễ ai kêu gì thì làm đó. Dần dần để dành được ít vốn, vợ chồng anh mua trâu, bò vàng (bò kéo) về nuôi để đi kéo thuê vì thời điểm ấy người dân còn trồng lúa nhiều. Khi bò sữa xuất hiện tại thành phố, vợ chồng anh quyết định dành số tiền ít ỏi của mình để mua bò giống về nuôi. “Phải mất mấy năm tôi mới dành đủ tiền mua được một con bò sữa. Vợ chồng tôi ham lắm. Tới lúc bò cho sữa, tui thấy hay vì bò nằm đó thôi mà mỗi ngày cho thu nhập bằng 2 ngày công lao động. Từ đó tui quyết tâm nhân rộng đàn bò, gom góp đủ tiền tôi lại mua thêm bò để tăng đàn” - anh Hôn kể.

  

Theo anh Hôn đến khi trong trại có 10 con bò sữa cho thu hoạch thì vợ chồng anh mới yên tâm và quyết định dồn sức nuôi con vật này. Anh đã phải bán hết số trâu, bò vàng của gia đình để mua bò sữa giống. Vợ chồng anh cũng không phải đi làm công nữa mà hàng ngày tập trung chăm sóc đàn bò sữa.

 

Đến nay sau hơn 20 năm tích cóp, đàn bò sữa trong trại của anh đã lên đến 200 con, trong đó có gần 100 con đang cho thu hoạch sữa, còn lại là bò hậu bị, bò sinh sản…Trại bò nhà anh đã trang bị được nhiều máy hút sữa, xây dựng hầm biogas để thu gom chất thải và lấy khí gas phục vụ sinh hoạt gia đình. Anh Hôn cho hay, tính trung bình mỗi ngày trại bò nhà anh cho 1 tấn sữa, thu nhập khoảng chục triệu đồng. Hiện nay anh chỉ tập trung lo chăm sóc để đàn bò khỏe mạnh, cho sữa nhiều chứ không có ý định tăng đàn bởi trong khu vực đô thị hóa diễn ra quá nhanh, trong khi diện tích đất của gia đình anh có hạn.

 

Thành công nhờ cách làm hay

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Đào Văn Hôn cho biết để nuôi được bò sữa hiệu quả, anh đã lặn lội khắp nơi học hỏi kinh nghiệm và tham gia các khóa tập huấn của khuyến nông. Điều này cộng với những vốn kiến thức có được từ thực tế đã trang bị cho anh có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi bò từ khâu chăm sóc, phòng trừ bệnh, đến khâu phối giống… Đối với bò đang cho sữa, chỉ cần nhìn anh cũng biết được con bò đó khỏe mạnh hay đang bị yếu, thậm chí còn biết con bò đó có thể cho sữa nhiều hay sữa ít để điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp. Nhờ vậy mà đàn bò nhà anh luôn khỏe mạnh, trung bình một con bò sữa nhà anh cho hơn 20 lít/ngày, thậm chí có con còn cho đến 40 lít/ngày.

 

Đặc biệt khi số lượng đàn bò ngày càng tăng, nhu cầu về thức ăn lớn anh đã biết tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho bò thay vì chỉ dùng rơm, cỏ. Ban đầu anh dùng xe ba gác đi đến các công ty, xí nghiệp thu gom các phế phẩm nông nghiệp như vỏ và các phần gọt bỏ của bắp (ngô), khoai mì (sắn), trái cây… chở về cho bò ăn. Càng ngày nguồn phế phẩm các công ty, xí nghiệp càng lớn, đàn bò cũng đông nên anh đã mua một chiếc xe tải nhỏ để hàng ngày đi thu gom phế phẩm.

 

Anh Hôn cho biết, các phế phẩm nông nghiệp này chất dinh dưỡng rất cao nên bò ăn phát triển tốt, cho nhiều sữa. Bên cạnh đó, nhờ sử dụng phế phẩm nên lượng cám cho bò cũng ít hơn.“Nếu như dùng rơm, cỏ thì mỗi ngày đàn bò nhà tôi tiêu thụ khoảng 1,5 triệu đồng tiền thức ăn. Nhưng với phế phẩm nông nghiệp thì không tốn tiền, chỉ mất công đi khắp nơi thu gom về thôi, dùng nó mỗi ngày tôi cũng tiết kiệm được vài trăm ngàn tiền cám. Các phế phẩm này các xí nghiệp, công ty bỏ đi, kêu xe chở rác đến hốt nên khi tôi ngỏ ý xin đến thu gom thì họ đồng ý liền. Nhờ vậy mà mỗi năm tôi tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tiền chi phí thức ăn cho bò” - anh Hôn nói.

 

  Ngoài việc sản xuất giỏi, anh Đào Văn Hôn còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện tại địa phương. Những năm qua mỗi năm anh đều dành hơn 100 triệu đồng để đóng góp giúp đỡ người nghèo. Bên cạnh đó anh cũng hỗ trợ kỹ thuật nuôi bò, bán bò giống trả chậm cho hàng chục nông dân trong khu vực có nhu cầu nuôi bò sữa nhưng thiếu vốn.

Nguồn: danviet.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác