Giải pháp cho hộ nông dân

Hiệu quả ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi tại Hà Nội

NDĐT - TP Hà Nội hiện có đàn gia súc, gia cầm xếp ở tốp đầu cả nước với tổng đàn trâu bò hơn 170 nghìn con, trong đó đàn trâu 24 nghìn con, đàn bò sữa hơn 15 nghìn con, đàn bò thịt hơn 130 nghìn con; đàn lợn hơn 1,5 triệu con, đàn gia cầm thủy cầm gần 25 triệu con. Kết quả trên chứng tỏ việc triển khai ứng dụng các loại máy móc, trang thiết bị (cơ giới hóa) trong chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

 Đầu tiên là cơ giới hóa hệ thống chuồng nuôi, bảo đảm chủ động được nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng phù hợp với sự phát triển của vật nuôi. Chuồng nuôi thông thoáng, nhiệt độ thích hợp tạo điều kiện để vật nuôi sinh trưởng tốt, nâng cao khả năng sinh sản, khả năng cho sữa.

 

Như trong chăn nuôi lợn, đến nay có hàng trăm hộ nuôi ngoài khu dân cư, xây dựng hệ thống chuồng nuôi kín (điều tiết nhiệt độ bằng hệ thống điện) thay cho chuồng hở. Về chăn nuôi bò sữa, với hơn 3.300 hộ thì gần 70 % số hộ lắp đặt hệ thống làm mát, chống nóng, bảo đảm sức khỏe cho bò khi thời tiết nóng nực.

 

Tiếp đến là cơ giới hóa trong hệ thống phối trộn thức ăn. Thành phố có hơn 3.300 hộ nuôi bò sữa thì hơn 80 % sử dụng các loại máy cắt cỏ, thái cỏ. Đặc biệt một số mô hình đã sử dụng máy trộn thức ăn hoàn chỉnh (TMR) với 100 % thức ăn tổng hợp cho đàn bò để nâng cao sản lượng, chất lượng sữa. Còn trong hơn 1.000 hộ nuôi lợn và gia cầm quy mô lớn ngoài khu dân cư, có gần 2/3 số hộ dùng thiết bị máng ăn, máng uống tự động, bán tự động trộn thức ăn cho đàn vật nuôi rất thuận tiện, đỡ tốn công sức.

 

Về vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, phần lớn các hộ dùng những máy phun thuốc sát trùng công suất lớn, máy cọ rửa chuồng trại. Các hệ thống này đều được cơ giới hóa, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên liệu; hạn chế được nhiều vấn đề rủi ro dịch bệnh. Cùng với đó, quản lý theo dõi được quá trình sử dụng thức ăn, sinh sản, sức khỏe vật nuôi.

 

Có thể khẳng định, việc đưa cơ giới hóa trong chăn nuôi (CGHTCN) đã mang lại hiệu quả rõ rệt: giảm nhân công lao động, nâng cao năng suất. Cụ thể, một trại chăn nuôi trước đây phải sử dụng hàng chục lao động để thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại thì giờ chỉ cần từ 1 - 2 lao động. Trước năm 2010, năng suất sữa mới đạt hơn 4 tấn/chu kỳ thì nay đạt hơn 5 tấn/chu kỳ, ở lợn tỷ lệ nái sinh sản trước đây đạt dưới 2 lứa/năm, đến nay đạt từ 2,2 - 2,3 lứa/năm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng chăn nuôi. Một trong những minh chứng cụ thể là trang trại của anh Nguyễn Văn Lâm ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (Quốc Oai), được xem là mô hình điểm của huyện và Thành phố. Anh Lâm cho biết, ngoài chăn nuôi quy mô lớn với 10.000 gà đẻ, 60 lợn nái, 500 lợn thịt/lứa, còn có gần hai mẫu ao nuôi cá, thu lãi hơn một tỷ đồng.

 

Bên cạnh những mặt được khi đưa CGHTCN áp dụng trên địa bàn Thành phố thì cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Đó là, do phương thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, nhiều trang trại nằm trong khu dân cư nên việc đưa cơ giới hóa vào còn chậm, hiệu quả chưa cao. Cơ chế chính sách chưa sát thực nên việc thực hiện chưa đồng bộ, thực tế nhiều hộ phải đầu tư theo phương thức từng bước, năm nay đầu tư cái này, năm sau hoặc vài năm sau tiếp tục đầu tư cái khác. Việc mua sắm thiết bị máy móc phục vụ CGHTCN còn mang tính tự phát. Giá thành một số máy móc, thiết bị cao, thị trường cung cấp chưa nhiều, khó mua (thường phải đặt hàng). Trong khi đó, người chăn nuôi thì thiếu vốn, thiếu thông tin cần thiết về việc đầu tư trang thiết bị.

 

Ngoài ra, thợ vận hành, sửa chữa các loại máy móc thiết bị có trường hợp không qua đào tạo bài bản dẫn đến việc vận hành bảo dưỡng máy móc không đạt yêu cầu. Từ đó, làm giảm chất lượng và tuổi thọ thiết bị, thiệt hại đến kinh tế làm đội giá thành đầu vào không khuyến khích được hộ đầu tư vào chăn nuôi.

 

Về quy hoạch chăn nuôi, nhiều khu trang trại chăn nuôi lớn chưa thực hiện theo quy hoạch nên việc áp dụng cơ giới hóa chưa đồng bộ, nhất là áp dụng cơ giới hóa công nghệ cao trong chăn nuôi.

 

Về cơ chế chính sách của Trung ương và Thành phố hiện đã có một số thông tư, quyết định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố ban hành như: Thông tư 28/2012/TT- BNNPTNT ngày 28-6-2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định Số 4129/QĐ-UBND ngày 3-7-2013 của UBND Thành phố về việc phê duyệt đề phát triển cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2016 định hướng đến năm 2020), nhưng việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do các trang trại chưa đủ điều kiện, thiếu giấy chứng nhận kinh tế trang trại, quyền sở hữu đất đai, chứng nhận Vietgap, các tiêu chí kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn...

 

Để tiếp tục đẩy mạnh CGHTCN, khắc phục những bất cập nêu trên, Thành phố đã thực hiện một số giải pháp: Thực hiện tốt việc Quy hoạch chăn nuôi theo Quyết định số 1835/QĐ-UBND (ngày 25-2-2013) về việc phê duyệt quy hoạch Phát triển chăn nuôi TP Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Thực hiện các chính sách công nghệ cao trong chăn nuôi đã ban hành (năm 2015), để bảo đảm đưa nhanh trang thiết bị máy móc hiện đại đổi mới, nâng cấp công nghệ chăn nuôi hiện có. Chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ kỹ thuật và cả hộ chăn nuôi để đáp ứng yêu cầu việc sử dụng trang thiết bị hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt việc tuyên truyền nhân rộng điển hình tiến tiến, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư cho chăn nuôi theo hướng công nghệ cao.

 

Chắc chắn, với những chính sách, giải pháp đúng đắn cùng sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, sự đồng thuận cao của các doanh nghiệp, người chăn nuôi việc ứng dụng CGHTCN sẽ có bước chuyển mới góp phần thúc đẩy chăn nuôi Hà Nội phát triển.

NGUYỄN NGỌC SƠN

 

Nguồn: nhandan.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác