Giải pháp cho hộ nông dân

Gắn thẻ tai để quản lý tốt hơn đàn bò sữa

"Suốt 8 năm nuôi bò sữa việc theo dõi đều bằng biện pháp nhớ vì bò không có thẻ tai để ghi chép. Tôi chưa lần nào đề nghị cơ quan chức năng gắn thẻ tai lấy số định danh cho đàn bò của gia đình." Ông Lê Văn Thái - hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Chuyên Ngoại, Duy Tiên chia sẻ.

 Trong đợt gắn thẻ tai cho bò sữa năm 2018, gia đình ông Lê Văn Thái, thôn Lỗ Hà, xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên) phải thực hiện trên đàn bò 12 con. Được biết, gia đình ông Thái chăn nuôi bò sữa từ năm 2010. Khi bắt đầu nuôi, ông Thái mua 2 con bò sữa đều có thẻ tai. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi những con đã được đeo thẻ đều bị gãy. Những con mua sau và bê sinh ra chưa được đeo thẻ quản lý. 

 

"Suốt 8 năm nuôi bò việc theo dõi đều bằng biện pháp nhớ vì bò không có thẻ tai để ghi chép. Tôi chưa lần nào đề nghị cơ quan chức năng gắn thẻ tai lấy số định danh cho đàn bò của gia đình." Ông Thái chia sẻ.

 

Cũng như ông Thái, tại thôn Lỗ Hà có 7 hộ nuôi bò sữa với thời gian nuôi từ 8 đến 17 năm, đợt này đều phải thực hiện gắn thẻ tai. Trong đó, 5 hộ với 45 con chưa có thẻ tai định danh, 2 hộ còn lại phải gắn bổ sung do mới có một số con được gắn thẻ tai từ năm 2017. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Đáng có tổng số 9 con bò sữa đều thiếu thẻ tai, đa phần số bò mới phát triển đều chưa được đeo thẻ. Đây là vấn đề rất khó khăn trong quá trình quản lý, chăm sóc và theo dõi dịch bệnh của hộ chăn nuôi và cán bộ thú y. 

Ông Nguyễn Quốc Huy, cán bộ chăn nuôi - thú y xã Chuyên Ngoại cho biết: Việc theo dõi chi tiết từng con bò sữa trên địa bàn cả thời gian dài rất khó khăn vì không có số định danh. Ngay việc tiêm phòng cho bò sữa chủ yếu được cán bộ thú y và hộ chăn nuôi nhớ theo đặc điểm màu da của từng con và cũng chỉ mang tính tương đối. 

Cũng vì không có thẻ tai nên không theo dõi được việc xuất, nhập bò sữa của người dân. Sau đợt gắn thẻ tai lần này, chắc chắn việc quản lý, theo dõi đàn bò trên địa bàn sẽ tốt hơn.

 

 

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN & PTNT) đang tổ chức gắn thẻ tai cho toàn bộ số bò sữa còn lại trên địa bàn toàn tỉnh, tổng số 1.500 thẻ. Trong đó, 672 con bò sữa bị mất thẻ tai, số còn lại mới bấm lần đầu (bò mua mới và bê mới sinh). Đồng thời, phát số theo dõi bò sữa đến các hộ. Toàn bộ số thẻ và số theo dõi, công bắn thẻ tai được tỉnh hỗ trợ. Theo ông Đinh Huy Bách, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi - Thú y, lần bắn thẻ tai năm 2018, đơn vị cố gắng làm triệt để cho toàn bộ số bò sữa còn thiếu trên địa bàn.

 

Thẻ tai gắn cho bò sữa mục đích là tạo mã định danh duy nhất cho từng con trong quá trình chăn nuôi. Qua đó, giúp chủ hộ ghi chép đầy đủ bằng sổ theo dõi để quản lý từ việc tiêm phòng, phối giống, lượng sữa, bệnh sinh sản… Thẻ tai cho bò sữa cũng giúp cơ quan quản lý được việc vận chuyển, buôn bán trên địa bàn… Nhất là tới đây sẽ quản lý đàn bò sữa bằng phần mềm vi tính bảo đảm độ chính xác cao tình trạng của tổng đàn và từng cá thể. 

Việc gắn thẻ được tỉnh hỗ trợ mỗi con 1 lần duy nhất và khi bò được mua mới chưa có thẻ tai, bê mới sinh chủ hộ phải báo cơ quan thú y gắn bổ sung, kể cả những con bị mất thẻ để gắn lại (chủ hộ chịu tiền chi phí thẻ, công bắn cho những con bị mất).

 

Bò sữa là con vật nuôi đặc thù, cần được theo dõi chặt chẽ và đã có hỗ trợ cũng như quy định cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế các chủ hộ phần lớn đều không báo cơ quan chức năng khi bò chưa có hoặc mất thẻ tai, mặc dù hằng năm đều có những đợt gắn bổ sung và thực hiện theo yêu cầu của chủ hộ nuôi. Việc gắn thẻ tai từ trước đến nay hầu như đều do cơ quan chức năng rà soát và chủ động triển khai. Qua đợt gắn thẻ tai lần này giúp công tác quản lý đàn bò sữa trên địa bàn được hiệu quả, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

 

Mạnh Hùng

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác