Giải pháp cho hộ nông dân

Đột phá mới từ nuôi bò sữa

Trong những năm qua, ngành chăn nuôi đã có bước phát triển đáng kể, chiếm khoảng 30% tổng giá trị nông nghiệp. Riêng chăn nuôi bò sữa của Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng vượt dự kiến ban đầu.

Vĩnh Tường là vùng nuôi bò sữa chủ yếu của tỉnh, chiếm 90% tổng đàn bò sữa trong tỉnh, bình quân 4,26 con/hộ chăn nuôi bò sữa. Khởi đầu từ Vĩnh Thịnh, đến nay đã hình thành vùng chăn nuôi bò sữa tập trung ở 10 xã: Vĩnh Thịnh, An Tường, Vĩnh Ninh, Bình Dương, Tuân Chính, Tân Cương, Cao Đại, Tam Phúc, Phú Đa và Lý Nhân với hơn 3.200 con bò sữa, trong đó có hơn 1.200 con khai thác sữa. 6 tháng đầu năm 201,3 sản lượng sữa tươi hàng hóa đạt hơn 5.249 tấn, tăng 807 tấn so với cùng kỳ năm 2012; dự kiến cả năm đạt 6.600 tấn.

Trở lại xã Vĩnh Thịnh, điểm sáng của huyện Vĩnh Tường về chăn nuôi bò sữa. Nằm trong vùng bãi sông Hồng với diện tích tự nhiên hơn 1.000 ha, hơn 500 ha là đất canh tác. Mặt bằng đất đai không bằng phẳng nên việc canh tác, tưới tiêu khó khăn. Bù lại, được phù sa sông Hồng ngàn năm nay bồi đắp, dưới nắng hanh vàng đầu mùa đông mà ngô, khoai, cỏ cây, rau đậu ở đây vẫn xanh mướt mắt.

Đến gia đình cụ Hà Thị Nấu ở thôn An Lão Trại có con trai là anh Đỗ Gia Phong đang nuôi 10 con bò sữa (2 bê). Ngoài 70 tuổi nhưng cụ còn tinh tỏng lắm. Cụ vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi vì phải đến trưa các con cụ mới đi làm đồng về. Cụ bảo: “làm nhà nông nghề gì chả vất vả”. Các con cụ suốt ngày mưa nắng ngoài đồng bãi, lo đấu thầu đến vàn cao, lo trồng ngô, trồng cỏ nuôi bò. Được cái nuôi bò sữa có lãi nên có tiền mua máy thái cỏ, máy vắt sữa cũng đỡ vất vả hơn.

Chúng tôi vào nhà anh Đặng Quang Huy, hỏi anh nuôi bò sữa có khó không? anh cười, nói vanh vách quy trình chăn nuôi từ chọn mua con giống đến sử dụng thức ăn, kỹ thuật vắt sữa, bảo quản sữa cho tới khi bán… Tất cả những khâu này do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, vừa làm, vừa học, đúc rút kinh nghiệm. Năm 2012, gia đình anh nuôi 6 con bò lấy sữa, thu lãi 100 triệu đồng từ bán sữa, 50 triệu đồng từ bê con. Mùa hè, mỗi con cần 2 sào cỏ giống mới, mùa đông 3 sào vẫn thiếu, cộng với thiếu vốn thầu đất trồng cỏ, mua thêm bò và các cháu đi học nên hiện anh chỉ nuôi 4 con.

Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cho biết, từ chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ, đến nay đã có 61 hộ nông dân trong xã chăn nuôi bò sữa theo hướng trang trại chăn nuôi - thủy sản kết hợp ở ngoài khu dân cư. Nhiều hộ có hệ thống làm mát bằng phun sương kết hợp quạt mát chống nóng cho bò, đệm nền chuồng để hạn chế bệnh viêm móng. Các hộ đều xây dựng hầm biôga xử lý chất thải. Đầu tư hàng trăm túi ủ hàng ngàn tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò sữa trong mùa đông thiếu cỏ xanh. Vĩnh Thịnh hiện có 546 hộ nuôi 2.582 con bò sữa, trong đó có 840 con đang khai thác sữa. Gia đình các ông Đàm Minh Tuấn, Trịnh Hồng Quý ở thôn An Lão Xuôi thường có 20-40 con bò sữa, thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Tại xã có 3 trạm thu mua sữa bò tươi, 6 xe ô tô chuyên dụng, 17 tank lạnh bảo quản sữa dung tích 27.600 lít. Trong vùng chăn nuôi bò sữa của huyện có 12 cán bộ chuyên môn kỹ thuật đảm nhận việc phòng, chữa bệnh, phối giống nhân tạo cho bò sữa. Bên cạnh đó còn có 11 cửa hàng đại lý cung cấp thức ăn tinh, thức ăn bổ sung, thuốc thú y, dụng cụ, máy móc thiết bị phục vụ chăn nuôi bò sữa. Những năm trước đây, ở Vĩnh Thịnh, công  suất sữa/bò/năm chỉ đạt 3,5 tấn, nay đã tăng lên 5 tấn/con/chu kỳ vắt sữa, đạt mức trung bình của thế giới. Hộ chăn nuôi có thu nhập từ 30-35 triệu đồng/con/năm, lãi từ 23 - 25 triệu đồng/con/năm. Đến Vĩnh Thịnh mùa này để được tận hưởng mùi ngậy thơm của sữa, có thêm trải nghiệm mới về nghề nuôi bò sữa. Mang đi niềm tin, sự phồn thịnh về vùng nguyên liệu sữa giữa làng quê trù phú vùng đồng bằng sông Hồng.

Nghề nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường đã vượt qua bao thăng trầm để hôm nay tạo nên vùng nguyên liệu với hơn 3.000 con bò, hơn 6.000 tấn sữa tươi mỗi năm. Thị trường tiêu thụ sữa ổn định. Trình độ kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của nông dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều hộ có thu nhập cao và làm giàu từ chăn nuôi bò sữa. Theo các chuyên gia về nông nghiệp, trên địa bàn cả nước, chăn nuôi bò sữa đang là một ngành đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ cao của thế giới về chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa như: sử dụng giống bò sữa cao sản, ứng dụng công nghệ cấy phôi và sử dụng tinh giới tính, công nghệ vắt sữa hiện đại, giống cỏ mới và công nghệ thức ăn hiện đại. Tuy nhiên, ở Vĩnh Tường, do chăn nuôi phổ biến trong khu dân cư, chuồng trại chật hẹp, không có sân bãi cho bò vận động, ảnh hưởng đến sức khỏe đàn bò, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Quy mô chăn nuôi vẫn trong tình trạng nhỏ lẻ là phổ biến. Trình độ chuyên môn, tay nghề của cán bộ kỹ thuật cơ sở phục vụ cho chăn nuôi bò sữa chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi bò sữa còn gặp nhiều khó khăn… Giải pháp được lãnh đạo huyện Vĩnh Tường đặt ra là, tập trung đẩy mạnh khâu chuyển giao TBKT về giống, chăm sóc, chế biên thức ăn, vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh trong khai thác sữa. Đầu tư cơ giới hóa các khâu chế biến thức ăn thô xanh, vắt sữa bằng máy. Tăng cường quản lý nhà nước về dịch vụ thu gom sữa, đảm bảo lợi ích của nông dân và các công ty tiêu thụ sữa qua hợp đồng kinh tế gắn với đầu tư vùng nguyên liệu. Từng bước tạo điều kiện về cơ chế để các hộ có nhu cầu phát triển chăn nuôi từ 10 con trở lên có đất làm chuồng trại ngoài khu dân cư, đảm bảo hợp vệ sinh và có bãi cho đàn bò vận động ngoài trời hợp lý…

Qua 3 năm thực hiện Dự án chăn nuôi bò sữa, Vĩnh Tường đã có bước đi thành công vững chắc đáng ghi nhận, đem lại thu nhập đáng kể cho nông dân, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đàn bò sữa đang trở thành một loại vật nuôi chủ lực, chứng tỏ hiệu quả cao ở vùng đồng bằng sông Hồng. Đang làm giàu cho nông dân, tạo bước đột phá mới, đáp ứng yêu cầu cải thiện nhanh đời sống nông dân và góp phần phát triển KT-XH địa phương. Một cứu cánh giúp nông dân Vĩnh Tường cất cánh.

 

Phóng sự dự thi của Hồng Quân

Nguồn: baovinhphuc.com.vn
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác