Chăn nuôi bò sữa

Sau TPP, doanh nghiệp sữa Việt ra sao?
(Dairy Việt Nam) Đàm phán bơ, sữa là nút thắt phụ nhưng lại là cuối cùng của TPP. Trước đó, các doanh nghiệp Việt đã tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực này.

Chăn nuôi sẽ chấp nhận hy sinh khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết là nhận định quen thuộc của các chuyên gia, doanh nghiệp. Song riêng chăn nuôi bò sữa lại là đích nhắm đến của nhiều đại gia.

Trong bản cáo bạch, Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cho biết, năm 2015,  đơn vị này sẽ thí điểm nuôi 10.700 con bò sữa. Công ty dự định, bò sữa sẽ đóng góp khoảng 7% lợi nhuận năm 2015 và 13% trong năm 2016.

Nhưng trước đó, từ giữa năm 2014, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức đã bắt tay với NutiFood thực hiện dự án nuôi bò sữa. Phía bầu Đức nuôi 120.000 con bò sữa để cung ứng nguyên liệu, đảm bảo cho công suất hoạt động nhà máy chế biến 500 triệu lít của NutiFood đặt tại Gia Lai.

Sau 16 tháng hợp tác, 2 bên vừa đưa sản phẩm sữa tươi, sữa chua ra mắt thị trường. Bầu Đức cho biết, trang trại HAGL hiện đã có 10.000 con bò sữa, trong đó 5.000 con đã cho sữa.

Sau TPP, doanh nghiệp sữa Việt ra sao?
Chăn nuôi bò sữa được cho là điểm sáng của ngành nông nghiệp khi TPP được ký kết. Ảnh: Zen Nguyễn.

Nhưng đầu tư mạnh nhất có lẽ là ông lớn Vinamilk. Ngoài hàng loạt nhà máy, dây chuyền sản xuất hiện đại, Vinamilk đẩy mạnh phát triển đàn bò. Đến nay, đàn bò của doanh nghiệp đã khoảng 110.000 con. Đó là chưa kể việc hợp tác với 7.200 hộ trang trại, thu mua 60% sữa sản xuất trong nước.

Tập đoàn TH true Milk cũng đã có 45.000 con bò sữa, và dự kiến nâng tổng đàn lên hơn 200.000 con khoảng năm 2020.

Năm 2014, Nova Group, một tập đoàn được biết đến với bất động sản và nông nghiệp, cũng tuyên bố đầu tư vào sữa. Thương vụ hợp tác trị giá 50 triệu USD với Kerry đặt nhà máy sản xuất tại Ireland, cũng đã cho ra mắt sản phẩm sữa bột cho trẻ trong tháng 8/2015.

Khi được hỏi về ảnh hưởng của TPP đến thị trường Việt Nam và với riêng HAGL, bầu Đức cho rằng, TPP ký kết chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp Việt Nam. Riêng HAGL không quan tâm đến khó khăn mà ngược lại rất thích. Với công nghệ sản xuất hiện đại, quỹ đất lớn, HAGL tự tin khẳng định không thể để các bên khác vượt qua trong cạnh tranh. TPP ra đời, công ty có thêm cơ hội để xuất khẩu khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn.

Sau TPP, doanh nghiệp sữa Việt ra sao?
Theo Cục Chăn nuôi, hiện 70% sữa nguyên liệu phải nhập khẩu. Ảnh:H.Linh.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, cho biết, riêng doanh nghiệp này sẽ không ảnh hưởng gì. Vì Nestle chỉ chuyên sản xuất sữa cho trẻ, phân khúc khách hàng đã định vị riêng. Vị này cũng nêu quan điểm, các doanh nghiệp trong nước khác có chăng nếu ảnh hưởng sẽ là Vinamilk, vì sản phẩm đa dạng, tính cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, cũng cần nhớ là 2 nước có thế mạnh về sữa là Australia và New Zealand họ cung ứng nguyên liệu, còn doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sữa thành phẩm. Vinamilk cũng là đối tác công ty lớn của New Zealand là Fonterra.

“Tôi nghĩ khi gia nhập thị trường chung thì các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh lành mạnh. Chất lượng, giá cả sản phẩm được minh bạch, người tiêu dùng trong nước hưởng lợi chứ không có gì đáng lo. Từ trước đến nay, từng doanh nghiệp Việt cũng có phân khúc sản phẩm, khách hàng riêng và ít nhiều định vị trong lòng người tiêu dùng. Với nông dân nuôi bò thì cũng không phải bi đát gì đâu. Sữa nguyên liệu trong nước vẫn chưa cung ứng đảm bảo cho các nhà máy. Chỉ cần nông dân đầu tư chăn nuôi bài bản để sữa đảm bảo chất lượng”, ông Tuấn chia sẻ.

Một thành viên trong HĐQT Vinamilk cho biết, TPP là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với ngành sữa Việt Nam nói chung và Vinamilk nói riêng. Vị này cho biết, doanh nghiệp đã có phương án dự phòng để đối phó với gần như mọi tình huống khi TPP được thông qua. 

"Còn để nói về tác động ở thời điểm này, tôi e là hơi sớm. Thời gian qua, chúng tôi chưa thấy ảnh hưởng rõ nét, nhưng sau khi TPP được thông qua thì chưa biết như thế nào", lãnh đạo Vinamilk bày tỏ. Không đưa ra dự đoán cụ thể về giá sữa ở Việt Nam sau TPP, bà cho biết giá sẽ cạnh tranh cao nhất, đặc biệt với những sản phẩm từ thị trường ngoài tràn vào. 

Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, hiện nay sữa sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 30% như cầu của các nhà máy, còn lại 70% nguyên liệu là nhập khẩu.

Trong 12 nước tham gia TPP, có 3 nước có ảnh hưởng nhiều đến ngành nông nghiệp và thị trường sữa Việt Nam là New Zealand, Mỹ và Australia. Trước đó, Việt Nam đã thỏa thuận mở cửa thị trường nông sản trong khuôn khổ FTA giữa ASEAN cùng hai nước Australia, New Zealand (AANZFTA). Theo đó, sẽ mở cửa thị trường theo lộ trình nhất định cho nông sản đến từ 2 nước này. Các sản phẩm sữa nhập khẩu từ Australia, New Zealand về Việt Nam sẽ có mức thuế 7% trong năm 2015, và giảm về 0% từ năm 2018.

 

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác