Cấu tạo hệ thống sinh sản

Cấu tạo giải phẫu và chức năng của cơ quan sinh dục bò cái

Bò cái sản sinh ra tế bào trứng để tạo ra bào thai bê sau khi thụ tinh và cung cấp một môi trường mà trong đó bào thai được hình thành và nuôi dưỡng trong suốt giai đoạn đầu của cuộc sống.

Để thực hiện được những chức năng này, cơ quan sinh dục của bò cái bao gồm:

- Hai buồng trứng để sản xuất ra tế bào trứng và hóc môn sinh dục cái (còn gọi là cơ quan sinh dục sơ cấp).
 
- Ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo và âm hộ (còn gọi là cơ quan sinh dục thứ cấp).
 
Để có thể thao tác thực hành tốt, người dẫn tinh viên cần phải nắm được cấu trúc và chức năng của những cơ quan này. Cơ quan sinh dục của bò cái từ ngoài vào gồm: âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, thân tử cung, sừng tử cung, ống dẫn trứng, loa kèn và buồng trứng.
 
1.1. Âm hộ
 
Là phần ngoài cùng, là cửa vào âm đạo.
1: Màng treo buồng trứng;
2: Buồng trứng;
3: Thể vàng;
4: Nang trứng;
5: Thể bạch biến;
6: Ống dẫn trứng;
7: Sừng tử cung;
8: Thân tử cung;
9: Cổ tử cung;
10: Âm đạo.


1.2. Âm đạo
 
Âm đạo nối tiếp với âm hộ và mở rộng về phía cổ tử cung. Là nơi chứa dương vật của con đực khi tiến hành giao phối tự nhiên hoặc đường đi của dẫn tinh quản khi truyền tinh nhân tạo, cũng là nơi thai ra khi đẻ và thoát nước tiểu. Âm đạo có dạng hình ống, dài khoảng 20-25cm, thành mỏng, dai và đàn hồi. Khi động dục, âm đạo được bôi trơn bằng những chất thấm qua biểu mô âm đạo, bằng dịch nhầy ở cổ tử cung và bằng niêm dịch tuyến nội mạc tử cung. Đối với bò, khi giao phối trực tiếp, tinh dịch được phóng vào cuối âm đạo, trước cổ tử cung.
 
Từ ngoài vào khoảng 5-10 cm có lỗ thông với bàng quang. Trong TTNT, dẫn tinh quản có thể đâm vào ống dẫn niệu. Để tránh điều này, dẫn tinh viên khi đưa dẫn tinh quản vào phải hướng đầu dẫn tinh quản chếch lên trên, đẩy về phía trước khoảng 10 cm sau đó mới đưa ngang.
Tận cùng của âm đạo loe rộng, bao quanh lấy phần nhô ra của cổ tử cung tạo thành một hốc cụt. Hốc cụt này có thể gây trở ngại cho những dẫn tinh viên ít kinh nghiệm khi cố đưa dẫn tinh quản vào cổ tử cung, dẫn tinh quản có thể trượt ra ngoài lỗ của cổ tử cung và đâm vào hốc cụt này.
 
1.3. Cổ tử cung
 
Là một bộ phận của tử cung nhưng đối với TTNT thì nó được xem như một cơ quan tách biệt. Là cửa ngăn cách âm đạo và tử cung. Bảo vệ tử cung khỏi sự sâm nhập của vi sinh vật gây hại từ âm đạo. Là tổ chức cơ cứng khi sờ nắn có cảm giác giống sờ vào cổ gà. Dài khoảng 7-12cm, đường kính 2-5 cm hoặc hơn (phụ thuộc vào tuổi và lứa đẻ của bò). Nhìn từ phía âm đạo, cổ tử cung có hình dạng như nụ hoa cúc với một lỗ nhỏ ở trung tâm. Lỗ này là cửa vào một lối hẹp xuyên suốt cổ tử cung. Lối hẹp này được đóng kín khi bò có chửa, chỉ mở nhỏ và được bôi trơn khi bò lên giống và mở hoàn toàn khi bò đẻ. Cổ tử cung có thành dày, rắn, chia làm 3- 4 nấc do lớp cơ vòng co thắt không đều tạo nên. Giữa các nấc là các hốc cụt nhỏ. Trong TTNT rất dễ đưa đầu dẫn tinh quản vào các hốc cụt nhỏ.
 
1.4. Tử cung
 
Là phần tiếp giáp với cổ tử cung. Tử cung gồm 2 phần là thân tử cung và sừng tử cung.
Tử cung là đường đi của tinh trùng đến gặp trứng để thụ tinh. Là nơi thai phát triển và gắn kết mẹ con thông qua nhau thai. Tử cung có thể giãn nở ra rất lớn khi thai phát triển và nó cũng có thể thu nhỏ như bình thường chỉ một thời gian ngắn sau khi đẻ. Mặt bên trong của tử cung được gọi là nội mạc tử cung. Nó gồm những tuyến tiết ra các chất dịch khác nhau về thành phần hoá học và thể tích trong chu kì động dục. Có một số vùng đặc biệt hơi nhô cao lên bề mặt, gọi là tiền múm nhau. Trong thời kì mang thai, biểu mô tử cung tiếp xúc với màng nhau thai tại những điểm này tạo thành các núm nhau.
 
Bình thường thân tử cung mềm, dài khoảng 1,5– 2cm, khi sờ khám qua trực tràng ta có cảm giác như nó dài chừng 10– 15cm nhưng thực ra bên trong đã có vách phân thành hai sừng tử cung. Nơi tiếp giáp giữa cổ tử cung với thân tử cung là điểm đích bơm tinh trong TTNT.
 
Có hai sừng tử cung hình trụ, bắt đầu từ thân tử cung, nhỏ dần và nối vào ống dẫn trứng. Sừng tử cung dài khoảng 20- 40cm (theo tuổi và lứa đẻ). Sừng tử cung cong về phía trước, hướng xuống dưới, hướng ra ngoài và sau đó hướng lên trên giống như sừng cừu đực. Giữa hai sừng tử cung có rãnh tử cung, người ta có thể căn cứ vào rãnh giữa tử cung để chẩn đoán gia súc có thai và bệnh lý ở tử cung.
 
Trong thời kì động dục sừng tử cung cương cứng hơn bình thường. Nếu trứng được thụ tinh, phôi phát triển nhờ chất dinh dưỡng tiết ra từ thành tử cung. Sau đó nhau thai phát triển, chất dinh dưỡng từ bò mẹ sang bê con thông qua các núm nhau.
 
1.5. Ống dẫn trứng
 
Có 2 ống dẫn trứng nối buồng trứng với mút sừng tử cung. Nó là đường đi của trứng sau khi rụng và cũng là nơi gặp nhau giữa tinh trùng và trứng do sự vận chuyển ngược chiều nhau, cũng là nơi xảy ra quá trình thụ tinh.
 
Ống dẫn trứng nằm uốn khúc trên màng treo tử cung, đường kính rất nhỏ, hơi cứng, dài khoảng 20– 30cm, bao gồm các phần: loa kèn để hứng trứng rụng, đoạn phình rộng là nơi xảy ra quá trình thụ tinh, đoạn eo gần với mút sừng tử cung là nơi hoàn thiện chức năng thụ tinh của tinh trùng.
 
Trứng sau khi thụ tinh, hợp tử được chuyển dần về tử cung ở bên trong lòng ống dẫn trứng đồng thời xảy ra sự phân chia tế bào, nhưng không gia tăng thể tích.
 
Tế bào trứng được thụ tinh bắt đầu phân chia thành 2; 4; 8; tế bào, thành phôi dâu (morula). Tiếp tục phân chia tạo thành xoang chứa đầy dịch protein gọi là phôi nang (blastocyte). Phôi đến tử cung thường ở giai đoạn phôi dâu hoặc phôi nang sớm, tức khoảng 5-6 ngày sau khi thụ tinh.
 
Chỗ tiếp nối giữa ống dẫn trứng với sừng tử cung hoạt động như một cái van. Van này bình thường chỉ cho tinh trùng đi vào ống dẫn trứng khi bò động dục và nó chỉ cho phép trứng đã thụ tinh vào sừng tử cung ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 4 sau khi thụ tinh. Sự trì hoãn tiếp nhận trứng đã thụ tinh vào tử cung là rất cần thiết vì môi trường tử cung chưa có lợi cho sự sống và phát triển của phôi trong 3-4 ngày sau động dục.
 
1.6. Buồng trứng:
 
Có hai buồng trứng hình trái xoan nhưng hình dạng có thể thay đổi khi có sự hiện diện của nang trứng hoặc thể vàng. Kích thước trung bình của buồng trứng khoảng 3,5 × 2,5 × 1,5cm và có sự biến động giữa các bò cái và tình trạng hoạt động của buồng trứng. Khối lượng mỗi buồng trứng khoảng 14- 19gam.
 
Buồng trứng sản sinh tế bào trứng và hai hóc môn sinh dục estrogen và progesterone, các hóc môn này được sản sinh dưới ảnh hưởng của những hóc môn khác tiết ra từ tuyến yên, chúng tham gia điều tiết hoạt động sinh dục của con cái.
 
Buồng trứng chứa các tế bào trứng. Một tế bào trứng được bao bọc bởi các tế bào chung quanh tạo thành nang trứng. Một vài ngày trước khi động dục, những nang trứng phát triển, nổi cộm lên trên bề mặt buồng trứng như những nốt phồng lên chứa đầy dịch và sánh động, gọi là nang trứng chín. Mỗi nang chứa một trứng (đôi khi chứa hai). Thường chỉ có một nang trứng chín vỡ ra vào khoảng 30 giờ khi bò cái bắt đầu động dục. Khi nang trứng vỡ, trứng được phóng thích và được loa kèn hứng lấy. Nơi trứng rụng để lại vết lõm trên mặt buồng trứng (điểm rụng trứng) và chứa đầy máu gọi là thể huyết. Thể huyết được thay thế bằng thể vàng vào khoảng vài ngày sau đó nhờ sự tăng sinh nhanh chóng của lớp tế bào hạt, tế bào vỏ ngoài và tế bào vỏ trong của nang trứng.
 
1.7.Thể vàng
 
Thể vàng hình thành trên vỏ buồng trứng tại nơi trứng rụng, có thể sờ khám được vào ngày thứ 5 và đạt kích thước tối đa 2 - 3cm vào ngày thứ 13 của chu kì động dục. Thể vàng nằm sâu trong buồng trứng, chỉ có một đỉnh nhỏ nhô lên trên mặt buồng trứng.
 
Khi trứng không được thụ tinh, thể vàng tiêu biến dần vào sau ngày thứ 16 của chu kỳ. Thể vàng tiết ra hóc môn progesterone, cần thiết cho quá trình thụ tinh và sự phát triển an toàn của thai.

Nguồn: Dairyvietnam
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác