Cấu tạo của tuyến vú và tiết sữa ở Bò sữa

Sinh lý tiết sữa

1. Sự xuất hiện sữa trong tuyến sữa 

Sự phát triển của tuyến sữa diễn ra trong suốt thời kỳ mang thai. Song song với quá trình trên, một số thành phần của sữa như protein, xitrat cũng đã xuất hiện ở tế bào tuyến. Tuy nhiên sự tạo sữa trong thời gian có thai rất chậm chạp. Khoảng 3-4 ngày trước khi đẻ, sự phân tiết sữa trong tuyến bào diễn ra rất nhanh chóng, bầu vú căng to, khoang tuyến bào chứa đầy sữa đầu. Hoạt động chế tiết xuất hiện đột ngột ở tuyến bào gần thời điểm sinh đẻ được điều chỉnh bởi các hocmôn. 

- Quan hệ của prolactin, progesteron và estrogen 

Prolactin do thuỳ trước tuyến yên tiết ra có chức năng chủ yếu là xúc tiến sự tiết sữa của tuyến sữa. Trong thời gian mang thai nồng độ prolactin trong máu tăng lên song song với progesteron nhưng nồng độ cao của progesteron trong suốt thời gian mang thai đã ức chế chức năng tạo sữa của prolactin. Trước khi đẻ 3-4 ngày, thể vàng tiêu biến làm cho progesteron giảm đột ngột, mặt khác estrogen do nhau thai tiết ra vẫn duy trì ở mức độ cao đã ức chế hypothalamus phân tiết yếu tố ức chế prolactin (PIF). Như vậy, prolactin một mặt được giải phóng khỏi sự ức chế của progesteron, mặt khác được thuỳ trước tuyến yên tiết mạnh hơn, do đó xúc tiến tạo sữa nhanh chóng ở tuyến sữa. 

- Vai trò của hocmôn adrenal corticoid (ACH) 

Hócmôn ACH của vỏ tuyến thượng thận có ảnh hưởng khác nhau đến sự điều chỉnh các iôn trong máu. Tiêm androsteron vào cơ thể động vật bình thường thì sự thải Na+; Cl-; HCO3- giảm, còn sự thải K+ tăng. Cortizol làm tăng lượng glycogen và nồng độ đường huyết, đồng thời thúc đẩy sự phân giải protein, tăng mỡ huyết, axit béo và colesterin. Hai loại hocmôn prolactin và adrenal corticoid có tác động tương hỗ cần thiết cho sự khởi đầu phân tiết sữa.

 
- Vai trò của hóc môn kích thích sinh trưởng (GSH) 

Nồng độ hocmôn sinh trưởng không thay đổi trong thời gian mang thai, nhưng tăng chút ít ở thời gian gần sinh đẻ. Chức năng chủ yếu của GSH là điều chỉnh quá trình trao đổi chất. Trong sự trao đổi lipit nó thúc đẩy quá trình oxy hoá mỡ, mỡ dự trữ dưới da giảm. GSH gây tác dụng tăng đường huyết. 

2. Chu kỳ tiết sữa của trâu bò 

Khác với các tuyến khác trong cơ thể chức năng tiết sữa của tuyến vú không liên tục mà mang tính giai đoạn. Sau khi đẻ tuyến sữa bắt đầu tiết và liên tục cho đến khi cạn sữa. Giai đoạn tiết sữa như vậy gọi là chu kỳ tiết sữa. Tiếp sau đó, tuyến sữa ngừng hoạt động trong một thời gian ngắn để chuẩn bị cho chu kỳ tiếp theo. Thời gian ngừng tiết sữa cho đến lứa đẻ sau là giai đoạn cạn sữa. Những trâu bò cái được nuôi dưỡng tốt trong giai đoạn vắt sữa thì chu kỳ tiết sữa kéo dài đến 300 ngày hoặc hơn và giai đoạn cạn sữa là 45-60 ngày. 

Trong mỗi một chu kỳ cho sữa, lượng sữa thu được trong một ngày đêm có khác nhau. Sự biến đổi năng suất sữa hàng ngày trong chu kỳ tiết sữa phụ thuộc vào cá thể cũng như điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng. Nhìn chung, sau khi đẻ lượng sữa trong một ngày đêm tăng lên và đạt cao nhất ở tháng thứ 2 hoặc thứ 3, sau đó dần dần giảm xuống (hình 8.4). đối với bò có sức sản xuất cao, hệ số hụt sữa khoảng 5-6%/tháng, còn ở trâu bò có sức sản xuất trung bình là 9-12%/tháng. Khi có thai lượng sữa giảm nhanh, đặc biệt từ tháng có thai thứ 5 trở đi.


Hình 8.4: Diễn biến năng suất sữa trong chu kỳ tiết sữa của bò 

Có thể chia ra 4 loại trâu bò sữa dựa vào đặc điểm của đồ thị chu kỳ cho sữa:
 
2.1- Mạnh và vững: Khả năng hoạt động củ chu kỳ tiết sữa vững, loại này có nhiều sữa,
đồng hoá thức ăn tốt. 

2.2- Mạnh nhưng không vững: Sữa giảm thấp sau khi đạt đỉnh cao và một lần nữa lại tăng lên ở cuối kỳ phân tiết, biểu hiện thể trạng yếu. 

2.3- Cao nhưng không vững: Lượng sữa cao ngay sau khi đẻ, sau đó lượng sữa giảm đi nhanh chóng. Trâu bò thuộc loại này tim thường yếu, hệ thống tim mạch không đáp ứng với sức tiết sữa cao và lâu dài. 

2.4- Tiết sữa thấp: Loại này lượng sữa đạt thấp, bầu vú kém phát triển, con vật béo phì. 
 
3. Áp suất của bầu vú và tốc độ hình thành sữa 

Sự tổng hợp sữa ở tuyến sữa là một quá trình liên tục cho đến khi áp suất trong tuyến sữa cao đến mức đủ ức chế hoàn toàn sự tạo sữa. Nhiều nghiên cứu cho biết, sau khi vắt sữa, áp suất của tuyến sữa khoảng 8mmHg. Ngay trước khi vắt sữa áp suất trong tuyến sữa khoảng

25 mm Hg. Trong toàn bộ thời gian vắt sữa áp suất trong bể sữa giữ ở mức tương đối cao (35-

40 mmHg) và tăng giảm có qui luật (trong phạm vi 6-12 mmHg). Sự tăng giảm này đảm bảo cho sữa ở bao tuyến không ngừng chảy vào ống dẫn sữa, xuống bể sữa.

Nếu sữa chứa đầy trong xoang tuyến, không được vắt theo định kỳ, áp lực tuyến sữa tăng cao tới mức 35 mmHg, thậm chí đến 50 mmHg. Sự gia tăng của áp suất nội tuyến sữa có tác động ngược lại với sự tạo sữa. ở trâu bò cái có năng suất sữa trung bình hoặc thấp, trong giai đoạn 12 giờ hoặc 16 giờ đầu sau khi vắt sữa sự tăng áp suất tuyến sữa chưa có ảnh hưởng rõ đến tốc độ tổng hợp sữa của tuyến. Sau đó cùng với áp suất tuyến sữa tăng dần, tốc độ tổng hợp sữa cũng giảm dần. Sự tạo sữa sẽ ngừng hẳn nếu sau 35 giờ sữa không được loại khỏi xoang tuyến. điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc định ra qui trình vắt sữa và cạn sữa cho trâu bò. 

4. Sữa sót 

Lượng sữa còn lại trong tuyến sữa sau khi vắt sữa bình thường được gọi là sữa sót. Thành phần của sữa sót gần tương tự như sữa thường, nhưng tỷ lệ mỡ sữa có cao hơn. Sữa sót không thể vắt được trong điều kiện bình thường, nhưng chúng ta có thể thu được bằng việc tiêm cho con vật một lượng oxytoxin nhất định sau khi vắt sữa. Lượng sữa sót ở bò bằng khoảng 15-20% dung lượng tuyến sữa. ở trâu và ở dê tỷ lệ sữa sót thường thấp hơn nhiều. Lượng sữa sót thường tăng lên theo tuổi trâu bò, có thể do tính đàn hồi của hệ cơ tuyến sữa kém dần. Lượng sữa sót của giai đoạn sau của chu kỳ sữa thường cao hơn ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên sự sai lệch thường không rõ rệt. Tỷ lệ phần trăm sữa sót thay đổi phụ thuộc vào năng suất sữa. Tỷ lệ này thường cao hơn ở trâu bò cao sản so với trâu bò thấp sản. Những trâu bò sữa năng suất không ổn định cũng có nhiều sữa sót hơn trâu bò có sữa năng suất ổn định. 

5. Phản xạ tiết sữa 

Sữa được bài xuất ra ngoài khi bê nghé bú hay vắt sữa theo cơ chế phản xạ (hình 8.5). Phản xạ tiết sữa được tiến hành theo 2 pha: pha thần kinh và pha thần kinh-thể dịch.



Hình 8.5: Sơ đồ cung phản xạ tiết sữa (Reeves, 1987)
 
 
a. Pha thần kinh 

Cung phản xạ trong pha thứ nhất bắt đầu từ thụ quan của vú theo thần kinh truyền vào đến rễ lưng và rễ bên tuỷ sống, lên đến hành não, theo đường truyền vào đến vùng nhân trên thị của vùng dưới đồi và tiếp tục lên trên vỏ đại não. Sợi truyền ra bắt đầu từ nhân trên thị, sợi này trong thành phần của bó trên thị tuyến yên đến thuỳ thần kinh của tuyến yên. đáp ứng của thuỳ này đối với sự kích thích bú hoặc vắt sữa là thải oxytoxin vào máu. Mặt khác, từ tuỷ sống thần kinh vùng hông truyền xung động theo đường truyền ra, thuộc thần kinh giao cảm tuyến vú. Thần kinh truyền ra có ảnh hưởng trực tiếp đối với cơ trơn ống dẫn, bể sữa và ống đầu vú. Pha thứ nhất có thời kỳ tiềm phục ngắn (1-4 giây). 

b. Pha thần kinh- thể dịch 

Pha này có liên quan đến hoạt động của hóc-môn oxytoxin. Oxytoxin được hình thành ở hypothalamus và được tích trữ ở thuỳ sau tuyến yên. Oxytoxin được phóng thích ra chỉ khi được kích thích vào thời gian vắt sữa. Những tín hiệu lặp lại có tính chu kỳ như tiếng động của máy vắt sữa, tác động xoa bóp bầu vúÿ sẽ được truyền vào hypothalamus. Sự hưng phấn này được lan toả xuống tuyến yên, gây phân tiết oxytoxin. Oxytoxin có tác dụng làm co bóp cơ biểu mô của tuyến bào đẩy sữa vào bể chứa. Thời kỳ tiềm phục của pha thứ hai là 30-40 giây. Nhưng oxytoxin phóng thích từ thuỳ sau tuyến yên thường hoạt động kéo dài trong vòng 4-5 phút, sau đó hết hiệu lực.

Phản xạ thần kinh-hocmôn trong sự bài tiết sữa là phản xạ có điều kiện. Bởi vậy các tác nhân lạ có thể ức chế hoạt động của chúng, gây trở ngại cho sự bài sữa, làm giảm đáng kể năng suất sữa. Trong quá trình vắt sữa, tác nhân lạ xuất hiện như tiếng động cơ, người lạ xuất hiệnÿ làm cho con vật sợ hãi, sự phóng thích oxytoxin bị ức chế, tăng giải phóng adrenalin, gây co bóp thành cơ trơn ống dẫn, tác động đến cơ biểu mô bào tuyến, nên sự cung cấp máu cho tuyến sữa bị hạn chế. Adrenalin còn làm cho sự mẫn cảm của biểu mô tuyến bào đối với oxytoxin giảm thấp.
Nguồn: Giáo trình chăn nuôi trâu bò sữa
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác